'Tấm khiên' vững chắc nơi biên cương, hải đảo

Nhắc đến một thời quân và dân ta anh dũng chống gián điệp, biệt kích xâm nhập biên giới, giới tuyến, bờ biển vào những năm đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), không thể không nhắc đến miền biên viễn Hải Ninh xưa, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Những ngày đó, mặt trận tiễu phỉ, dẹp bạo loạn liên tiếp giành được thắng lợi; các hoạt động chống gián điệp, biệt kích Mỹ - Diệm, Mỹ - Tưởng ở Hải Ninh, Hồng Quảng thầm lặng tiến hành với nhịp độ khẩn trương và lập nhiều chiến công oanh liệt.

Đại tá Đặng Toàn Tiến với niềm vui giản dị sau khi về hưu tại quê nhà. Ảnh: TTH

Đại tá Đặng Toàn Tiến với niềm vui giản dị sau khi về hưu tại quê nhà. Ảnh: TTH

Tháng 3 hằng năm luôn là dịp để những người lính mang quân hàm xanh bồi hồi nhớ lại cả quãng đời binh nghiệp được phục vụ trong lực lượng BĐBP, hòa trong những ký ức hào hùng của cả dân tộc. Tuy mỗi thời kỳ, nhiệm vụ của BĐBP mỗi khác, nhưng xuyên suốt những năm tháng lịch sử vẫn là gánh vác sứ mệnh bảo vệ bờ cõi, cương thổ quốc gia, giữ bình yên cho nhân dân biên giới.

Đại tá Đặng Toàn Tiến, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh, là người sinh ra ở miền Đông Quảng Ninh, thuộc thế hệ chiến sĩ nhập ngũ đầu tiên vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) năm 1960. Ông nhớ lại: “Hồi đó, được cấp trên cử đi học sĩ quan, nhưng chúng tôi đều lấn cấn mãi, xin ở lại một thời gian. Mục đích cũng là muốn đánh phỉ, bắt gián điệp, biệt kích đang ráo riết xâm nhập vào biên giới bộ và bờ biển nước ta ở đặc khu Hồng Quảng. Sau đó, được vài lần tham gia các trận tuần tiễu, truy kích, chúng tôi mới lên đường nhập học, chuẩn bị cho công tác đào tạo cán bộ phục vụ lâu dài của lực lượng BĐBP”.

Vào thời điểm này, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” hòng cứu vãn sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ tính toán đối với miền Bắc cần phải áp dụng chiến thuật “chống cộng sản ngay trong lòng cộng sản” bằng cách tổ chức hàng loạt toán gián điệp, biệt kích được trang bị đầy đủ vũ khí, khí tài quân sự tung ra miền Bắc phá hoại. Mục đích các toán biệt kích phá hoại hậu phương, ngăn chặn chi viện cho cách mạng miền Nam, gỡ lại thất bại và sa lầy trên chiến trường. Mỹ và tay sai đã tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp, móc nối với phỉ và các bọn phản động khác để chống phá ta, chuẩn bị leo thang chiến tranh xâm lược ra miền Bắc. Mỹ đề ra kế hoạch sử dụng máy bay, tàu chiến tiến hành các hoạt động do thám, trinh sát, dùng tàu biệt kích xâm phạm vùng biển, bắt cóc ngư dân Bắc Việt Nam để điều tra tình hình bố phòng bờ biển miền Bắc, thả biệt kích xâm nhập sâu vào nội địa thu thập tin tức tình báo, gây chiến tranh tâm lý, phá hoại giao thông và các cơ sở quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Đặc khu Hồng Quảng những năm 60 của thế kỷ trước thưa vắng và hoang vu. Đường ra biên ải bên trái xanh thẫm một màu khí núi mà bọn biệt kích thường gọi bằng cái tên “hành lang Mán” ám chỉ nơi thâm sơn cùng cốc, đồng bào Dao, Tày sinh sống trong thiếu thốn thông tin, đường đi lối lại nhiều trở ngại. Bên phải là bờ biển lau sậy um tùm, nhiều vịnh biển, eo vực khuất nẻo là nơi ẩn nấp an toàn cho bọn gián điệp, biệt kích. Nhưng đặc thù của công tác chống xâm nhập vũ trang, ở đâu có dân, ở đó có tai mắt. Có lần, dân đánh cá ra biển sớm, phát hiện có xuồng lạ, khác kiểu với xuồng của dân trong vùng vùi xuống cát trên bờ biển, liền báo với CANDVT, quân và dân ta lập tức tổ chức lực lượng truy tìm, bắt sống toán biệt kích. Lần khác, cả toán biệt kích có vũ trang xâm nhập vào đảo Vạn Hoa, lực lượng CANDVT triển khai đánh úp, địch không kịp trở tay bị bắt sống ngay trên thuyền. Có những tên biệt kích trốn thoát trong um tùm lau sậy rồi lẩn vào xóm dân cư. Ngay sau đó, dân báo cho CANDVT truy kích bắt sống. Ý định nương náu, móc nối với nhau của gián điệp bên ngoài biên giới và ngoài bờ biển vào trong đất liền đều bị thất bại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tuần tra trên biển Vĩnh Thực, Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Nhắc đến thời kỳ này, Đại tá Đặng Toàn Tiến với giọng đầy tự hào: Hồi đó, lực lượng CANDVT hướng về biên giới, bờ biển. Chiến công hiển hách nhất là của những người lính đặc nhiệm, bảo vệ cương thổ quốc gia, chống xâm nhập, ngoài nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu nội địa, bảo vệ lãnh tụ... Có thể vì vậy, càng về sau này, nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ bất di bất dịch, BĐBP đóng vai trò nòng cốt, chuyên trách.

Liên tục trong những năm mới thành lập lực lượng CANDVT đến năm 1964, máy bay trinh sát của Mỹ đã nhiều lần xâm phạm vùng trời của tỉnh Quảng Ninh. Tàu biệt kích của Mỹ - ngụy liều lĩnh vào sát bờ biển hoạt động khiêu khích, thả hàng tâm lý chiến. Những vùng xung yếu thuộc các xã ven biển và nội địa, một số phần tử phản động, gián điệp cũ trong 23 xã, 3 thôn thuộc khu vực biên giới Quảng Ninh đã rục rịch hoạt động trở lại. CANDVT Quảng Ninh ngày đó đã phải xây dựng thêm các Đồn Biên phòng: Cửa Mô, Cống Đông, Mũi Ngọc, Trung đội thuyền cơ động, Trung đội Cẩm Phả. Đồn Pò Hèn xây dựng thêm trạm ngoài các đồn Biên phòng đóng ở tuyến đảo như Cô Tô, Cửa Đài, Cửa Tiểu, Vân Hải và Bắc Luân.

“Khiên chắn trên biên giới vẫn là mối quan hệ khăng khít giữa quân và dân biên giới. Âm mưu phá hoại nào cũng sẽ thất bại vì không thể xuyên thủng được một dải biên cương, hải đảo hùng vĩ, lòng dân được thử thách, lòng quân được tôi luyện như thế!” - Đại tá Đặng Toàn Tiến khẳng định đầy tự hào.

Những năm tháng ấy, CANDVT Quảng Ninh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Cờ luân lưu của Bộ Công an, Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các phân đội thuyền và đơn vị đồn, trạm được tặng Bằng khen vì thành tích chống gián điệp, biệt kích.

Năm 1963, Phân đội thuyền 5, CANDVT Hồng Quảng cùng 3 đồng chí trong tổ của đồng chí Bùi Đức Ty được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích dũng cảm chiến đấu bắt gián điệp, biệt kích. Riêng đồng chí Bùi Đức Ty được suy tôn là anh hùng chống gián điệp, biệt kích vì những thành tích đặc biệt, quả cảm, quyết liệt và mưu trí - Đại tá Đặng Toàn Tiến nói.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-khien-vung-chac-noi-bien-cuong-hai-dao/