Tấm lòng bình dị của chị Hậu

Nghề thầy thuốc không chỉ dừng ở việc bắt mạch kê đơn mà còn là nghĩa cử cao đẹp cùng người dân vượt qua bão lũ. Với tâm nguyện 'Hạnh phúc là cho đi!' của nữ y sĩ Phùng Thị Hậu – Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã góp phần lan tỏa những bông hoa đẹp của Thủ đô.

Trận lũ lịch sử ở Thường Tín hồi tháng 7 năm ngoái vẫn khiến nhiều hộ dân nơi đây thấp thỏm mỗi khi nhắc lại. Theo chị Phùng Thị Hậu, lúc đó là Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến, cơn lũ bất ngờ và kéo dài làm nhiều hộ dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì ô nhiễm nguồn nước và rác thải.

Trên địa bàn xã có 4 thôn bị ngập nặng là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn. Trong đó Nam Hài bị ngập nặng nhất và bị cô lập. Đứng trước những khó khăn của người dân, được sự chỉ đạo tích cực của đơn vị y tế huyện Chương Mỹ, xã Nam Phương Tiến đã lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24h.

Thời gian đó, Trạm y tế gồm 8 cán bộ y tế có 2 phân trạm khu A và khu B cách nhau 7km. Y sĩ Phùng Thị Hậu đã cùng với Trạm trưởng chủ động tham mưu cho UBND xã, Trung tâm y tế Chương Mỹ thực hiện công tác chuyên môn y tế trong và sau ngập úng tại địa phương. Trạm cũng chuẩn bị đầy đủ về vật tư hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu và điều trị kịp thời.

Chị Phùng Thị Hậu nhận danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” cấp TP năm 2018. (Ảnh tư liệu)

Chị Phùng Thị Hậu nhận danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” cấp TP năm 2018. (Ảnh tư liệu)

Chị Hậu chia sẻ, đối mặt với ngập úng thì công tác phòng chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường phải đặt lên hàng đầu. Bản thân là một nữ y sĩ, chị Hậu không nghỉ bù, nghỉ trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết. Thậm chí, chị Hậu đã không quản ngại xông pha vào rốn lũ. Chị tự mình chèo thuyền đến các hộ gia đình bị ngập để cấp các loại thuốc cho người dân như: Thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua…

Bên cạnh đó, phối hợp với trạm y tế xã phát loa tuyên truyền hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, trong đó là các bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, nước ăn chân. Đồng thời, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ.

Vấn đề rác thải, chị Hậu đã đề xuất với trạm tham mưu cho chính quyền địa phương lên phương án dùng hóa chất xử lý môi trường tạm thời, dùng xe di chuyển rác thải tại 3 điểm tập kết rác tại thôn Nam Hài. Khi nước rút thì tham mưu cho UBND xã huy động thực hiện 4 tại chỗ. Tuyên truyền người dân tổng vệ sinh nhà cửa, trạm y tế phối hợp phun khử khuẩn phòng chống các dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy…

Gần 1 tháng chạy đua thiên tai, nhưng với phương châm “khó tới đâu gỡ tới ấy” những cán bộ y tế trạm y tế xã đã đồng sức, đồng lòng tích cực công tác khắc phục thiệt hại, phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian đó, y sĩ Hậu cùng các cán bộ y tế của trạm y tế xã Nam Phương Tiến khám và điều trị cho hơn 600 người dân, cấp thuốc điều trị cho 420 người. Kịp thời nắm bắt tình hình các sản phụ sắp sinh và các bệnh nhân đang điều trị bệnh để có phương án di chuyển điều trị khi có diễn biến xấu, đảm bảo cho sản phụ và người bệnh được theo dõi sức khỏe và chăm sóc y tế liên tục, không bị gián đoạn khi điều trị. Chị còn phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa của BV Mắt Hà Nội, Da liễu Hà Nội và BVĐK huyện Chương Mỹ khám chữa bệnh về da liễu, về mắt cho người dân bị ngập úng. Những việc làm thiết thực đã giúp cho sức khỏe và đời sống của người dân được ổn định, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn.

Trong câu chuyện của mình, chị Hậu nhớ như in hình ảnh phải thuê thuyền đến cấp phát thuốc cho hộ gia đình bị cô lập ở thôn Nhân Lý. Căn nhà ở giữa cánh đồng, khi đội ứng cứu đến thì nước ngập chỉ còn trơ lại cái chòi. Dòng nước lũ mạnh, ngập sâu khiến cho việc di chuyển khó khăn. Gặp cán bộ y tế, người dân mừng rỡ cảm ơn khi đã được ứng cứu kịp thời.

Vốn đặc thù địa hình thường xuyên bị ngập úng, nên y sĩ Phùng Thị Hậu đã quen với công việc ứng phó sau lũ. Nhưng trận lũ năm 2018 do ảnh hưởng cơn bão số 3, xã Nam Phương Tiến bị tràn đê sông Bùi là đáng nhớ nhất. Thời gian đó, chị phải ăn, ngủ tại trạm y tế dã chiến. Dù vất vả, bị sụt cân 2kg nhưng chị không cảm thấy mệt mỏi.

Trò chuyện với một người phụ nữ đôn hậu, giản dị, luôn coi công việc là trách nhiệm của người làm thầy thuốc khiến người viết cảm phục. Chị Hậu kể về cơ duyên lựa chọn nghề y từ việc chứng kiến bố mẹ thường xuyên bị đau ốm. Thi ĐH Y không đỗ, chị vẫn quyết tâm nuôi dưỡng trở thành người thầy thuốc. Tốt nghiệp trường trung cấp Y Hà Đông, chị Hậu về công tác tại trạm y tế xã với công việc chuyên môn là y sĩ. Hơn 27 năm công tác tại trạm y tế, vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp khám, chữa bệnh, chị Hậu là nữ y sĩ được nhân dân địa phương tin tưởng.

Buổi nói chuyện với chúng tôi đúng lịch trực trạm của chị Hậu. Mặc dù đã hơn 21g, nhưng số lượng người dân đến thăm khám vẫn đông. Vừa cặp nhiệt kế, vừa ghi sổ bệnh, chị Hậu cho biết, chị không biết các cán bộ khác như nào nhưng cứ đến lịch trực của mình cảm thấy vất vả bởi số bệnh nhân thăm khám đông. Ngoài giờ công tác trên trạm y tế, gia đình chị cũng mở cửa hàng thuốc nhỏ. Thế là bản thân chị chẳng lúc nào nghỉ ngơi. “Làm nghề y vất vả, cơ bản là mình cố gắng yêu nghề mà thôi” – chị Hậu cho hay.

Bên cạnh công tác quản lý, chị Hậu cũng chia sẻ cần làm tốt vai trò của một thầy thuốc để nhân dân tin tưởng. Điều trăn trở của chị là hiện nay, trạm y tế xã còn thiếu nhân lực, vật lực, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn ít. Mong muốn là trạm y tế có đội ngũ bác sĩ túc trực trong việc chiếu chụp, siêu âm, làm các xét nghiệm cơ bản để giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế, không phải đi xa và giảm tải cho BV tuyến trên.

Với sự năng động trong công tác quản lý, điều hành công việc của một Phó trạm trưởng (hiện tại là Trạm trưởng), sự tận tình của một thầy thuốc, chị Hậu đã được vinh dự nhận danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” cấp TP năm 2018.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-long-binh-di-cua-chi-hau-141552.html