Tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số với Bác Hồ

Đáp lại ân tình của Người, trong mỗi hành động, việc làm, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đều cố gắng thực hiện tốt nhất; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cách đây 41 năm, vào ngày 2/9/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng bào các dân tộc đã bày tỏ tấm lòng yêu quý vô hạn của mình đối với Bác Hồ kính yêu- Người đã hết mực chăm lo cho dân tộc Việt Nam. Đáp lại ân tình của Người, trong mỗi hành động, việc làm, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đều cố gắng thực hiện tốt nhất; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết tâm, tấm lòng thủy chung son sắt của cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với con đường mà cả cộng đồng dân tộc tiến bước trong sự nghiệp đổi mới. Khi Bác Hồ mất, chị Bùi Thị Phú, dân tộc Mường, xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa còn rất nhỏ. Sau này, cha mẹ thường kể những câu chuyện về Bác, về ý chí, nghị lực của Người để con cháu học tập, noi theo. Đến tuổi trưởng thành, chị Phú thấy cuộc sống của đồng bào bản mình khổ quá nên quyết tâm làm giàu. Nhận 2 ha đất đồi, chị Phú đã trồng kín luồng và đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, nhà chị đã có một trang trại quy mô mang lại thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm và là 1 trong 20 mô hình trang trại tiêu biểu của tỉnh. Là người phụ nữ dân tộc Mường ở một bản khó khăn, để có ý chí vươn lên làm giàu như ngày hôm nay, chị Phú cho rằng, mình phải cố gắng, phấn đấu rất nhiều. Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (năm 1959) Đối với các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ mà còn là người được đồng bào xin mang họ Hồ của Bác từ năm 1969. Ông Hồ Văn Đoàn, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn nhớ về ngày đặc biệt nhất của dân tộc mình: “Khi biết tin Bác Hồ mất, tất cả bà con đều buồn, thương nhớ, không có gì để lại, chỉ bằng cách xin Đảng, Nhà nước lấy họ của Bác để đặt tên họ cho mình”. Từ nhiều năm nay, Mục sư Y Ki Ê Ban, dân tộc Ê Đê, Ủy viên Hội thánh Tin lành Việt Nam được giao nhiệm vụ Chi hội Tin Lành xã Ea Tul, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk với 13 thôn buôn, trong đó có trên 2.800 tín hữu sinh Tin Lành. Đến với Đại hội lần này, Mục sư khẳng định, Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác dân tộc, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng bào Ê Đê từ già đến trẻ vẫn luôn khẳng định, Bác Hồ là người sáng lập thành công trong việc đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, để sống phúc âm, phụng sự thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc, Mục sư Y Ki Ê Ban luôn hướng các tín hữu phải sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Theo VOV

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/chinh-sach-dan-toc/tam-long-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-voi-bac-ho/39354.051062.html