Tấm lòng của những cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6

Đúng 45 năm sau trận đánh bi hùng trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo (ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), những cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9) lại có mặt nơi trận địa năm xưa để cùng nhau bàn tính chuyện xây dựng khu nhà tưởng niệm đồng đội đã hy sinh.

Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ chạy vào rạch Vịnh Chèo, Đại tá Đỗ Hà Thái, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn Quân khu 9, nguyên Trưởng Ban Quân lực Đoàn Pháo binh 6 cho biết: Chuyến thực địa lần này có mặt đại diện ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6 ở phía Bắc và phía Nam, trước đây chúng tôi đã thực hiện nhiều đợt khảo sát rồi, giờ chỉ còn chốt lại các phương án xây dựng nhà tưởng niệm.

 Các cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6 tìm về trận địa năm xưa tại ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Các cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6 tìm về trận địa năm xưa tại ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Lần theo các tài liệu chính thống do các cơ quan chức năng của Quân khu 9 biên soạn, chúng tôi được biết ngày 29-12-1974, Đoàn Pháo binh 6 được lệnh phối hợp với đơn vị bạn tổ chức phục kích đánh địch trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo. Thế nhưng do công tác hiệp đồng thiếu chặt chẽ, địa hình chiến đấu không thuận lợi, thông tin liên lạc bị gián đoạn… nên trận đánh bị thất bại, Đoàn Pháo binh 6 chịu tổn thất rất lớn về con người và vũ khí. Theo các nguồn tư liệu, trận đánh này Đoàn Pháo binh 6 có 51 cán bộ, chiến sĩ hy sinh (phần lớn quê ở các tỉnh phía Bắc); gần 30 khẩu súng các loại (ĐKZ, 12,7mm, B40, B41, trung liên) rơi vào tay địch.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Pháo binh 6, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đoàn Pháo binh 6.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Pháo binh 6, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đoàn Pháo binh 6 chia sẻ: Có thể nói đây là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của đơn vị. Chúng tôi, những cựu chiến binh của Đoàn Pháo binh 6 hiện đang sống trong cả nước đều thống nhất quyết tâm phải xây dựng cho bằng được khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Khu nhà tưởng niệm liệt sĩ tọa lạc đúng nơi Đoàn Pháo binh 6 bố trí trận địa phục kích trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Niên, điều hết sức phấn khởi là nguyện vọng của những cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6 được Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Hậu Giang ủng hộ. Tỉnh Hậu Giang đã trích ngân sách mua lại 5.000m2 đất của người dân, đúng nơi Đoàn Pháo binh 6 bố trí trận địa phục kích năm xưa để triển khai dự án xây dựng khu nhà tưởng niệm.

Theo thiết kế, khu nhà tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Pháo binh 6 tọa lạc trên diện tích 5.000m2 với nhiều hạng mục như: Cổng chính, sân đường, hồ sen, vườn cây lưu niệm, nhà trưng bày, nhà bia, nhà thờ, vành đai cây xanh… Tổng kinh phí xây dựng dự kiến 10 tỷ đồng.

Tượng Bác Hồ được thân nhân liệt sĩ Vũ Xuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 2311, Đoàn Pháo binh 6 gửi tặng nhà tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Pháo binh 6.

“Số tiền này quá lớn so với sự đóng góp của cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 6, nhưng với mong muốn đây sẽ là nhà tưởng niệm liệt sĩ tập trung, duy nhất của đơn vị nên chúng tôi quyết tâm thực hiện. Hiện nay Ban liên lạc truyền thống Đoàn Pháo binh 6 vẫn đang kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân cùng chung tay góp sức để công trình sớm được hoàn thành”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tam-long-cua-nhung-cuu-chien-binh-doan-phao-binh-6-606511