Tấm lòng của những người lính ở Đồn Biên phòng Kiểng Phước

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Kiểng Phước, BĐBP Tiền Giang đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm có ý nghĩa thiết thực đó đã tô đậm thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân, góp phần thắt chặt tình quân-dân trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Kiểng Phước, BĐBP Tiền Giang thăm hỏi và khám sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt. Ảnh: Hồ Phúc

Cán bộ Đồn Biên phòng Kiểng Phước, BĐBP Tiền Giang thăm hỏi và khám sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt. Ảnh: Hồ Phúc

Những ngày giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt (sinh năm 1938), hiện sống với người con trai cả tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Mẹ Cọt có chồng và người con trai thứ hai hy sinh trong chiến tranh. Năm 2014, mẹ được Đồn Biên phòng Kiểng Phước nhận phụng dưỡng. Ngoài việc thăm hỏi những dịp lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn hỗ trợ mẹ 300 ngàn đồng/tháng. Cho đến bây giờ, khi nghe mẹ Cọt kể lại câu chuyện gia đình, nhiều người vẫn không cầm được nước mắt, bởi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mẹ Cọt đã trải qua nhiều mất mát đau thương. Năm 1968, mẹ bàng hoàng nhận hung tin người chồng hy sinh trong một trận chống càn của địch. Rồi khi người con trai thứ hai trưởng thành, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã lên đường nhập ngũ. Đến năm 1978, mẹ Cọt lại “chết đứng”, khi nhận tin anh đã ra đi mãi mãi. Vượt qua nỗi đau mất người thân, mẹ lại tiếp tục sống để chăm lo cho những người con còn lại. Năm 2014, mẹ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Tâm sự với chúng tôi, mẹ Cọt bùi ngùi: “Nhiều lúc nghĩ đến chồng và con trai, mẹ buồn lắm, nhưng rồi lại tự động viên bản thân rằng, sự hy sinh đó là vì hòa bình, độc lập cho dân tộc nên phải cố gắng, không thể buồn mãi. Suốt những năm qua, mặc dù chồng, con mẹ đã ra đi mãi mãi, nhưng mẹ không hề cô đơn, bởi mẹ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức, ban, ngành; đặc biệt là những người con Đồn Biên phòng Kiểng Phước thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện, khám bệnh mỗi khi mẹ ốm đau; tặng quà mẹ vào những dịp lễ, tết... Sự động viên của các con Biên phòng khiến mẹ được an ủi nhiều lắm. Mẹ luôn coi các con là người thân của mình”.

Chia tay gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1954), trú tại ấp Xóm Lưới, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Gia đình ông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước giúp đỡ, nhận hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng, ngót 3 năm nay. Được nghe những câu chuyện mà ông Sơn kể lại và chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với hộ gia đình nghèo này, chúng tôi mới thấy được ý nghĩa, tình cảm của người lính Biên phòng dành cho nhân dân địa phương.

Ông Sơn tâm sự: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con hiện đã lập gia đình và ở riêng, nhưng cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Gia đình con gái mà vợ chồng tôi đang sống cùng thuộc diện hộ nghèo của xã. Vì thế, chúng tôi được các anh Biên phòng động viên, giúp đỡ, tặng quà mỗi dịp lễ, tết. Từ ngày được các anh Đồn Biên phòng Kiểng Phước hỗ trợ tiền hàng tháng, rồi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên; đặc biệt là mỗi khi ốm đau, được các anh quân y đến thăm khám, cấp thuốc, tôi thấy được an ủi rất nhiều. Nhờ sự quan tâm của các anh mà cuộc sống của gia đình tôi bớt đi khó khăn, vất vả. Vợ chồng tôi cảm ơn BĐBP nhiều lắm!”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Kiểng Phước cùng các nhà tài trợ tặng quà cho học sinh nghèo trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Ngoài vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp gây quỹ giúp đỡ những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, những người mất khả năng lao động, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người lính Biên phòng nơi đây còn luôn đi đầu trong việc cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ ngày công sửa chữa nhà cửa, khắc phục thiên tai...

Đặc biệt, thời gian qua, Đồn Biên phòng Kiểng Phước luôn kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm cùng dang tay giúp đỡ các gia đình nghèo trên địa bàn. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phối hợp với đoàn bác sĩ Bệnh viện Quân y 120 tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 181 hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 27 triệu đồng; tặng 400 cuốn vở, 2 xe đạp, 30 suất quà (mỗi suất 200 ngàn đồng) cho các em học sinh nghèo vượt khó...

Thượng tá Nguyễn Tiến Sự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước chia sẻ: “Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nghèo trên địa bàn đơn vị phụ trách, anh em trong đơn vị rất đồng cảm và luôn nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người dân. Đặc biệt, hơn 3 năm nay, đơn vị đã nhận phụng dưỡng suốt đời 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ 1 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận đỡ đầu 4 em học sinh nghèo vượt khó... Thông qua sự hỗ trợ về vật chất cũng như thăm hỏi động viên về tinh thần, chúng tôi mong muốn giúp bà con giảm bớt một phần khó khăn, gánh nặng lo toan, cũng như động lực để bà con tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-long-cua-nhung-nguoi-linh-o-don-bien-phong-kieng-phuoc/