Tấm lòng vàng của một nhà báo Nhật và 'bà Vân khuyến học'

Trong 5 năm qua, ở các vùng quê nghèo của Quảng Trị đã có 59 học sinh được tiếp sức đến Nhật Bản để học tập, ra trường có công việc ổn định. Hành trình đó hiện vẫn đang được tiếp tục bằng tình yêu thương, sự nhiệt huyết của một nhà báo Nhật - ông Hikawa Hiroshi - Toàn quyền đại diện Quỹ học bổng Báo Asahi của Nhật tại Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hồng Vân - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị, nhiều người quen gọi là 'bà Vân khuyến học'.

Cứ dịp sắp kết thúc thi học kì 2 của khối lớp 12, ông Hikawa và "bà Hồng Vân khuyến học" lại hẹn gặp nhau để bàn những chuyến đi vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ những em học sinh ở đây được đến xứ sở Mặt trời mọc học tập. Điều quan trọng là họ chắp cánh để biến những ước mơ, khát vọng của các em thành hiện thực.

"Điều kiện học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc các cháu đảm bảo đủ năng lực học tập ở Nhật không phải là dễ. Mỗi năm, chúng tôi đến hàng chục điểm trường cấp 3 trên địa bàn thì giúp được khoảng 10 đến 12 em", bà Vân chia sẻ.

Năm 2023 là năm lứa học trò đầu tiên ở Quảng Trị du học sang Nhật theo diện này tốt nghiệp đại học. "Việc tôi gặp ông Hikawa là một sự tình cờ. Năm 2017, ông ấy tham dự Hội nghị khuyến học toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng, theo lời mời của nguyên Chủ tịch nước và nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan. Vào giờ giải lao, tôi thấy nhiều người đứng nói chuyện vui vẻ ở hành lang hội trường nên đến chào hỏi và góp chuyện giao lưu. Thấy thế, mọi người giới thiệu cho tôi về ông Hikawa. Hai chúng tôi chào nhau và tôi mở lời mời ông ấy về thăm Quảng Trị. Không ngờ vài tháng sau, ông ấy về thật", bà Vân bồi hồi nhớ lại.

Bà Vân và ông Hikawa trong chuyến đến Quảng Trị giới thiệu học bổng của Báo Asahi cho học sinh.

Bà Vân và ông Hikawa trong chuyến đến Quảng Trị giới thiệu học bổng của Báo Asahi cho học sinh.

Về phần ông Hikawa, ông ấy tâm sự rằng, ông từng biết đến Việt Nam từ những năm 1960, khi đang là học sinh và sinh viên ở Nhật. Nhờ nhận ra sự phi nghĩa của chiến tranh tàn khốc, ông đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Tốt nghiệp đại học, ông làm chủ một tiệm báo thuộc Báo Asahi. Sau này nghỉ hưu, ông làm việc tại Phòng Khuyến học của báo cho đến nay. Ông Hikawa kể lại và bộc bạch: "Tôi sang Việt Nam lần đầu thời điểm năm 1990. Khi đó, cuộc sống của nhiều người dân ở đây vẫn còn rất nghèo. Tôi quan sát thấy nhiều đứa trẻ không có đồ chơi. Về nước, tôi trăn trở mãi với mong muốn làm sao đưa các em học sinh Việt Nam đến Nhật để học tập, trao cho các em cơ hội để phát triển tương lai bản thân". Cũng từ chuyến đi đó thôi thúc ông Hikawa trở lại Việt Nam năm 1996 để làm Toàn quyền đại diện Quỹ học bổng của Báo Asahi tại đây. Và, cũng chính năm này, học sinh ở Việt Nam chính thức được tiếp cận nguồn quỹ kể trên. Bình quân mỗi năm sau đó có trên dưới 300 học sinh Việt Nam vượt qua vòng phỏng vấn, đến Nhật để học tập thông qua quỹ học bổng này.

Trở lại thời điểm ông Hikawa đến Quảng Trị, khi đó, bà Vân đang là Chủ tịch Hội khuyến học Quảng Trị, nên họ có nhiều công việc chung, dễ chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Nhất là với bà Vân, bà có dịp để chia sẻ về những khó khăn của học sinh nghèo hiếu học ở đây. Vậy là, cũng chính từ năm 2017, Quỹ học bổng của Báo Asahi đến với học trò Quảng Trị.

Mặc dù đến với quê hương này khá muộn so với các tỉnh, thành khác ở Việt Nam, ông Hikawa luôn dành tình yêu đặc biệt cho vùng quê này. "Tôi từng nhiều lần đến Quảng Trị, biết đến mảnh đất phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh để lại. Tôi rất khâm phục tinh thần quả cảm của người dân trong suốt những năm tháng kiên cường bảo vệ quê hương, đặc biệt là thời điểm những năm quân dân Vĩnh Linh phải sống và chiến đấu trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Vì thế, tôi có tình cảm đặc biệt với miền đất này, với những con người luôn giàu khát vọng học hỏi và vươn lên, trong đó có các em học sinh mà tôi may mắn được làm việc, trò chuyện và đưa sang Nhật học tập", ông Hikawa tâm sự.

Nói về sự giúp đỡ của "bà Hồng Vân khuyến học" và ông Hikawa, em Nguyễn Thị Mỹ Nhân, sinh viên Khoa Lưu thông Thông tin - chuyên ngành Logistics quốc tế - Trường Đại học Ryutsu Keizai (Nhật Bản), là một trong những du học sinh của tỉnh Quảng Trị đến Nhật từ khóa đầu tiên bộc bạch: "Môi trường học tập, rèn luyện ở xứ sở mặt trời mọc rất nghiêm khắc, đòi hỏi mỗi học sinh phải có bản lĩnh vượt khó, nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt. Với em, việc một học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở miền quê nghèo được tiếp cận với học bổng này và có cơ hội để trải nghiệm học tập, làm việc ở Nhật Bản là một điều tuyệt vời. Em cảm ơn rất nhiều cô Hồng Vân và ông Hikawa đã cho em có được cơ hội, điều kiện đó".

"Bà Vân khuyến học" giờ đã nghỉ hưu, song bà vẫn luôn hết lòng hỗ trợ chương trình học bổng của ông Hikawa và mong sẽ có nhiều học trò được tiếp sức để được học tập, xây dựng tương lai và trở thành những công dân có ích.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/tam-long-vang-cua-mot-nha-bao-nhat-va-ba-van-khuyen-hoc-i694743/