Tấm lợp cho người nghèo: Chuyển dịch xu hướng mới

Sự sụt giảm lượng tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng – sản phẩm được cho là vật liệu ưu việt cho người nghèo những năm gần đây cho thấy xu thế thị trường đang có sự thay đổi rõ nét theo quy luật tự nhiên và sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất khác.

Sản phẩm tôn lợp trong nước ngày nay đã chiếm lĩnh thị trường với nhiều loại giá rẻ, phù hợp sức mua của người nghèo.

Theo báo cáo của Hiệp hội tấm lợp Việt Nam, sản lượng tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng năm 2017 đã giảm sút một cách nghiệm trọng, khoảng 33 - 35%. Cá biệt có những doanh nghiệp tăng trưởng sụt giảm tới trên 50% so với năm 2016 như: Cty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên giảm 53,5%; Cty CP An Phúc giảm 54,7%; Cty CP Từ Sơn giảm 50%; Cty TNHH Hưng Long giảm 53%; Cty CP Phương Bắc giảm 64%; Cty CP Bạch Đằng giảm 58%...

Năm 2017 có 2 doanh nghiệp ngừng sản xuất là Cty Navifico và Chi nhánh Nam Quan – Cty TNHH Vân Long. Nhiều doanh nghiệp sản xuất tấm lợp khác đã phải dừng dây chuyền sản xuất trong nhiều tháng.

Nhìn nhận xu thế thị trường sử dụng tấm lợp fibro xi măng giảm dần trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội tấm lợp Việt Nam thừa nhận bên cạnh sự tuyên truyền, tác động mạnh mẽ của các tổ chức kêu gọi dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp thì lợi thế giá rẻ của tấm lợp fibro xi măng đã không còn mang tính cạnh tranh nữa, do sản phẩm tôn lợp trong nước ngày nay đã chiếm lĩnh thị trường với nhiều loại giá rẻ, phù hợp sức mua của người nghèo.

Hình thức, mẫu mã tấm fibro xi măng không còn phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của người tiêu dùng. Mặt khác, thực tế chất lượng fibro xi măng ngày càng giảm sút do các doanh nghiệp tự giảm giá để cạnh tranh thị trường với nhau. “Đây là hiện tượng ta tự giết mình”, Chủ tịch Hiệp hội tấm lợp Việt Nam TS. Võ Quang Diệm bày tỏ.

Trong khi “cuộc chiến” chống amiang trắng trong sản xuất tấm lợp chưa có hồi kết thì xu hướng các doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh doanh đang diễn ra khá rõ nét. Các doanh nghiệp sản xuất tấm tôn đang chủ động chiếm lĩnh thị trường với nhiều cam kết hấp dẫn.

Qua từng năm, cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp và đô thị, hầu hết các công trình xây dựng nhà xưởng, các nhà cao tầng đều sử dụng tôn kẽm hoặc tôn mạ màu (chủ yếu là loại tôn dạng sóng vuông và sóng ngói) để lợp mái và tường bao che do đảm bảo độ bền cho sử dụng lâu dài (chống thấm, chống nóng), dễ sử dụng trong quá trình lắp đặt, thay thế và đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 30 nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, mạ màu nhưng phần lớn tập trung ở khu vực phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Long An…

Trong khi cả khu vực phía Bắc hiện chỉ có một số nhà máy sản xuất tôn màu là Cty LILAMA, Cty Tôn Hoa Sen, Cty Việt Pháp, VNsteel Thăng Long… với tổng công suất xấp xỉ 155 nghìn tấn tôn mạ kẽm, 35 nghìn tấn tôn mạ màu (chiếm 25% trong toàn quốc).

Để góp phần làm phong phú vật liệu tôn mạ màu, tôn mạ kẽm cũng như đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường phía Bắc, nhiều Cty đã tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm sản xuất ra những sản phẩm tôn đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng.

Nhiều sản phẩm xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây đã và đang được khách hàng tin tưởng lựa chọn như tấm lợp cách nhiệt, cách âm 3 lớp, 11 sóng dân dụng (tôn mát) được sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản JIS G3141; G3302; G3312 của Cty Liên doanh Việt - Hàn Poshaco (Hải Dương).

Hay như sản phẩm tôn mạ kẽm sơn màu được sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM/A755M-03 (Mỹ) và tôn mạ kẽm được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS G3302 của Cty Liên doanh tôn Việt - Pháp (Hải Phòng).

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, khả năng tiêu thụ đối với sản phẩm tôn mạ kẽm tại thị trường Việt Nam đến năm 2020 đạt 600 nghìn tấn và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 720 nghìn tấn.

Trong khi đó sản xuất toàn ngành tấm lợp fibro xi măng năm 2017 đạt 55,8 triệu m2/năm, bằng 66% năm 2016 và tiêu thụ đạt 53,8%, bằng 64,7% so với năm 2016. Cũng trong năm 2017 chỉ có sản phẩm của Cty tấm lợp Đông Anh tăng được 3% so với năm 2016, các Cty khác giảm khoảng 5%, đặc biệt khu vực phía Nam sức cạnh tranh với sản phẩm tôn lợp cao nên giá bán tấm lợp fibro xi măng giảm từ 10 – 20% so với năm 2016.

Để tự cứu mình, một vài doanh nghiệp sản xuất tấm lợp đã chọn đầu tư song song xưởng cán tôn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường. Một số doanh nghiệp khác đi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất tấm lợp màu, tấm lợp sơn, tấm phẳng như Cty Thuận Cường, Cty CP An Phúc. Riêng Cty CP An Phú đã đầu tư dây chuyền sản xuất tấm ốp tường, Cty CP Quảng Phúc đầu tư them dây chuyền sản xuất ngói xi măng sợi.

Tại Hội nghị thường niên mới đây, Hiệp Hội Tấm lợp Việt Nam đã xác định lấy năm 2018 là năm siết chặt quản lý hoạt động sản xuất tấm lợp fbro xi măng bảo đảm đúng quy định của các văn bản Luật về sản xuất có điều kiện như: Đẩy mạnh tự động hóa dây chuyền sản xuất trong đó tự động hóa khâu xé bao định lượng amiang trắng (mức tối ưu) hoặc cách ly khu nghiền amiang trắng (mức tối thiểu); Các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể khẩn trương hoàn thành lắp đặt máy xé bao theo mô hình của HB hoặc mô hình của Viện Vật liệu Xây dựng.

Đặc biệt, thực hiện các quy định của Nghị định số 113/2017/NĐ – CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Thông tư số 32/2017/TT – BCT của Bộ Công Thương; các điều 32, NĐ 24a/2016/NĐ – CP về quản lý vật liệu xây dựng, TS Võ Quang Diệm khẳng định: Những doanh nghiệp chưa có chứng nhận hợp quy sản phẩm đề nghị phải thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm. Không được sản phẩm ra thị trường tiêu thụ nếu chưa có giấy chứng nhận hợp quy.

Uyển Trà

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/tam-lop-cho-nguoi-ngheo-chuyen-dich-xu-huong-moi.html