'Tâm nguyện đời người' đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia 2018: Chương trình phát thanh khiến thính giả không dứt ra được

'Mặc dù chương trình 'Tâm nguyện đời người' kéo dài tới một tiếng đồng hồ nhưng tôi nghe không dứt ra được', một thính giả của VOV chia sẻ.

Trong Lễ trao giải Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII năm 2018 diễn ra vào tối 21/6, tác phẩm “Tâm nguyện đời người” của nhóm phóng viên Hồng Quyên, Thanh Hương, Tạ Trúc, Ban Văn hóa - xã hội (VOV2) Đài Tiếng nói Việt Nam được vinh danh ở thứ hạng cao nhất khi giành giải A.

"Tâm nguyện đời người" là chương trình phát thanh đặc biệt thời lượng 60 phút, phát trực tiếp trên sóng phát thanh tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương binh liệt sỹ nhân ngày 27/7/2018.

Chương trình "Tâm nguyện đời người" đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia 2018.

Chương trình "Tâm nguyện đời người" đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia 2018.

Xuyên suốt chương trình là câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính. Đây đang là vấn đề nóng của xã hội, nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Để chương trình không khô cứng, ekip thực hiện chương trình "Tâm nguyện đời người" đã lựa chọn được một nhân vật rất “đắt”, một nhân vật xứng đáng được tôn vinh, đó là cựu chiến binh - thương binh Phạm Ngọc Mậu (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), người dành trọn đời mình để đi trả món nợ ân nghĩa với đồng đội.

Video: Chương trình phát thanh đặc biệt "Tâm nguyện đời người"

Suốt 30 năm qua với chiếc ba lô bạc màu, sờn rách, từ cái tâm của mình, bác Mậu âm thầm và lặng lẽ băng qua nhiều cánh rừng, con suối để hoàn thành tâm nguyện đời mình. Hành trình của bác Mậu vẫn chưa dừng lại khi nhiều đồng đội chưa được trở về quê mẹ.

Bác Mậu mong rằng, các cơ quan chức năng đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm và giám định AND để vợi bớt nỗi đau của các gia đình liệt sỹ. Sự trăn trở của bác cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống - đó là tìm và đưa được hài cốt liệt sỹ về an nghỉ tại quê nhà.

Ekip thực hiện chương trình "Tâm nguyện đời người" và bác Phạm Ngọc Mậu

Ekip "Tâm nguyện đời người" thực hiện chương trình trực tiếp kéo dài 60 phút nhưng cuốn hút người nghe từ đầu tới cuối chương trình nhờ kịch bản được xây dựng chặt chẽ và sinh động với nhiều yếu tố bất ngờ; có những xung đột tạo cao trào đẩy cảm xúc của khách mời và thính giả lên cao.

Đan xen những chia sẻ của nhân vật khách mời là những phóng sự chân thực về thân nhân những gia đình liệt sỹ. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép của chiến tranh. Mỗi câu chuyện là một ký ức đong đầy. Kịch bản được xây dựng với những yếu tố gây bất ngờ; có những xung đột tạo cao trào đẩy cảm xúc của khách mời và thính giả lên cao.

Thính giả Lê Văn Bổng (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Mặc dù chương trình kéo dài tới một tiếng đồng hồ nhưng tôi nghe không dứt ra được. Chương trình rất hấp dẫn nhờ lựa chọn được những nhân vật tiêu biểu, lại có những kịch tính khiến thính giả muốn dõi theo để biết diễn biến câu chuyện sẽ kết thúc ra sao. Chương trình rất cảm động, tôi đã khóc khi nghe chương trình này”.

Nhà báo Thanh Hương nhận xét: “Với một chương trình trực tiếp kéo dài 60 phút, để “giữ chân” thính giả từ đầu tới cuối chương trình không phải là chuyện dễ. Khi xây dựng kịch bản, chúng tôi đã tạo yếu tố gây bất ngờ cho khách mời.

Đó là cuộc gặp gỡ cảm động giữa cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với anh Nguyễn Văn Thiếu - con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Tựu (nhờ có sự góp sức của bác Mậu mà liệt sỹ Tựu được trở về an nghỉ tại quê nhà) ngay tại phòng thu trực tiếp của chương trình. Giây phút gặp gỡ cảm động mang lại những cảm xúc nghẹn ngào không chỉ cho bác Mậu mà còn cho tất cả ekip thực hiện chương trình và thính giả nghe đài”.

Trong chương trình "Tâm nguyện đời người", thính giả còn lắng nghe cuộc trò chuyện cảm động giữa bác Mậu với em trai liệt sỹ Trần Xuân Út, người bạn thân thuở thiếu thời đã kề vai sát cánh bên bác trong cuộc chiến và đã anh dũng hy sinh nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt.

Hay như việc mang các vật dụng cùng những kỷ vật của người lính đã theo ông trong suốt cuộc hành trình dài 30 năm đi tìm đồng đội vào trong phòng thu trực tiếp tưởng như không cần thiết với báo nói nhưng thực tế hiệu ứng của nó mang lại là vô cùng lớn, giúp cho khách mời và người dẫn chương trình cùng các thính giả được sống trong một không khí ngập tràn cảm xúc nhờ sự chân thực của câu chuyện.

Một điểm mới trong cách thức thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt này, đó là chương trình được thực hiện theo hình thức đa phương tiện, vừa phát sóng trên radio, trực tuyến trên trang web VOV2.VN và livestream toàn bộ chương trình trên fanpages VOV2- Cuộc sống muôn màu.

Mọi sự tri ân của những người đang sống với các anh hùng liệt sỹ sẽ không bao giờ là đủ. Công việc thầm lặng nhưng đầy nhân văn của cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu sẽ là một hành trình dài không có hồi kết, để trả nghĩa, để tri ân những người đã ngã xuống. Mong sao Hành trình của ông không bao giờ đơn độc. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện chương trình mong muốn truyền tải.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII năm 2018 có 147 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Hội đồng chấm giải đã chọn được 106 tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.

Trong đó, VOV có 7 tác phẩm đoạt giải gồm:

- 2 tác phẩm đạt giải A là “Liên kết: Động lực cho nông nghiệp bứt phá” của Hương Lan, Hồng Liên, Hà Phương, Phương Hà (VOV1) và “Tâm nguyện đời người” của Hồng Quyên, Thanh Hương, Tạ Trúc (VOV2).

- 2 tác phẩm đạt giải B là “Phát triển Đảng viên, tre già, măng chưa mọc” của Tấn Tư, Thanh Hà, Đặng Năm, Đình Thiệu (VOV Miền Trung) và loạt bài "Phá nát thành trì u mê Hội thánh đức chúa trời mẹ" của Báo điện tử VTC News.

- 3 tác phẩm đạt giải C là “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” (VOV1); “Sập bẫy dự án, hàng ngàn ha đất vàng Kon Plong bị bỏ hoang” của Nguyễn Khoa Điềm (VOV Tây Nguyên) và “Rubic 2018” (VTC1).

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tam-nguyen-doi-nguoi-dat-giai-a-giai-bao-chi-quoc-gia-2018-chuong-trinh-phat-thanh-khien-thinh-gia-khong-dut-ra-duoc-d481917.html