Tầm nhìn chiến lược trong đào tạo vận động viên

Việc rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được dư luận và các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Đây là quyết định đúng và kịp thời trước tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, cũng như thực trạng cơ sở hạ tầng thể thao không đầy đủ, trong khi đề án tổ chức đại hội còn thiếu thực tế.

Có thể, đó là sự thất vọng đối với không ít người mong chờ đưa ASIAD 18 về Việt Nam. Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại sẽ thấy việc rút đăng cai là cần thiết để chúng ta có điều kiện chấn chỉnh, kiện toàn lại công tác xây dựng và đào tạo lực lượng thể thao thành tích cao.

Thực tế là thể thao Việt Nam hiện đang thiếu một tầm nhìn chiến lược trong công tác tìm kiếm, phát hiện và đào tạo các tài năng trẻ tầm quốc tế, châu lục và Ô-lim-pích.

Nhìn cách làm nghiêm túc, bài bản và công phu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần nhất là Thái-lan, Xin-ga-po, nhiều chuyên gia thể thao nước nhà đã phải lắc đầu: Với tầm nhìn ngắn hạn hiện nay, khát vọng vào tốp mười thể thao châu lục của Việt Nam sẽ chỉ là một giấc mơ.

Thành tích yếu kém của thể thao nước ta khi "trắng tay" ở kỳ Ô-lim-pích Luân Đôn 2012, cho thấy sự cách biệt quá lớn về trình độ vận động viên Việt Nam với thế giới. Một số môn thể thao thế mạnh của ta đã bị các nước khác vượt qua. Bóng đá ngày càng sa sút, vướng xì-căng-đan, tiêu cực và liên tục thất bại trên đấu trường khu vực, chưa nói đến đấu trường châu lục.

Mải mê với "giấc mơ" ASIAD 18 vấn đề vô cùng quan trọng là chuẩn bị lực lượng cho đại hội cũng gần như bị "bỏ quên" và cho đến tận bây giờ, chương trình đào tạo vận động viên cho đại hội này trong năm năm tới như thế nào vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thể dục - Thể thao, cả nước có mười nghìn vận động viên năng khiếu để chuẩn bị cho ASIAD 18 khi Việt Nam đăng cai nước chủ nhà. Đây là con số khá lớn, nhưng để chọn ra "đội hình" tiêu biểu cho đấu trường châu lục trong năm năm tới, lại không phải chuyện một sớm, một chiều.

Quá trình này đòi hỏi sự đầu tư chọn lọc, kỹ lưỡng, lâu dài và phải dựa trên một nền tảng thể thao cơ sở phát triển, chứ không thể "ăn xổi, ở thì", chạy theo thành tích trước mắt. Dường như ngành thể dục - thể thao cũng hiểu vậy, song cái khó là ngành đang thiếu, chưa xây dựng được một cơ chế đồng bộ, thống nhất và chưa có một đường hướng đào tạo tài năng rõ ràng, dựa vào địa phương hay từ ngân sách trung ương. Thực tế, những trung tâm thể thao lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hoặc các bộ, ngành như công an, quân đội... đang đảm nhận công việc này. Song, những vận động viên đẳng cấp quốc gia, đẳng cấp châu lục chỉ có thể xuất hiện và tỏa sáng khi có sự vào cuộc ở cấp cao hơn, với một chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo vận động viên. Việc đào tạo phụ thuộc vào ngân sách địa phương sẽ khiến Tổng cục Thể dục - Thể thao khó can thiệp để quyết định về quy hoạch đào tạo, số lượng vận động viên và số môn cũng như từng nội dung trong các môn thể thao thành tích cao, dễ dẫn đến tình trạng đào tạo thừa, thiếu hoặc không phù hợp. Cũng vì thiếu kinh phí, Tổng cục Thể dục - Thể thao hiện chỉ có đủ khả năng gọi được một số lượng không nhiều vận động viên tài năng để tập trung đào tạo và tập huấn dài hạn.

Muốn có đỉnh cao trên đấu trường châu lục và Ô-lim-pích, thể thao Việt Nam không thể cứ "chơi kiểu nước rút", chọn lựa, đào tạo tập huấn ngắn hạn, theo kiểu một, hai năm cho các mục tiêu trước mắt. Điều cần thiết là phải có một chiến lược lâu dài và bài bản.

TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/23093602-tam-nhin-chien-luoc-trong-dao-tao-van-dong-vien.html