Tầm nhìn mới cho đất chín rồng

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do một nhóm chuyên gia kinh tế và chính sách thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM), dự kiến tháng 11-2021 mới được công bố chính thức. Thế nhưng, ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo, đã có những nhận định rất đáng lưu ý.

Cần ưu tiên hoàn thiện trục giao thông đường bộ "xương sống" kết nối toàn bộ các tỉnh ĐBSCL.

Cần ưu tiên hoàn thiện trục giao thông đường bộ "xương sống" kết nối toàn bộ các tỉnh ĐBSCL.

Một đồng bằng "chân lấm tay bùn"

Tại cuộc tọa đàm khoa học do FSPPM tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, TS Vũ Thành Tự Anh có phát biểu gây sự quan tâm: "Đừng để ĐBSCL cứ mãi chìm dần, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Đừng bắt ĐBSCL vất vả gánh vác hầu hết trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực mà không quan tâm thích đáng đến đầu tư cho giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường… của vùng này. Chính sách cũ không thể đem lại kết quả mới như mong đợi". Nhận xét đầy hình ảnh của TS Tự Anh dựa trên những cơ sở đáng chú ý.

Sau hơn ba mươi năm đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng tốc độ phát triển của vùng này chậm lại một cách đáng kể, ngày càng tụt hậu so với cả nước về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập niên qua giảm mạnh. Nếu như năm 1990, GDP của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng hai phần ba so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay. Mặc dù có lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, lại nằm ngay sát TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song dường như ĐBSCL chưa phát huy được những thế mạnh ấy để có những đột phá.

Trong khi đó, ĐBSCL lại phải đối diện rất nhiều thách thức lớn, cả khách quan (biến đổi khí hậu gây ra hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng...), lẫn nội tại (chất lượng tăng trưởng giảm sút, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thật sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng).

Nhận thức rõ thực trạng này, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang). Quy hoạch xác định đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Tiếp đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu được ban hành vào năm 2017 một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của vùng ĐBSCL.

Thế nhưng, cho đến nay, những quyết định và nghị quyết này vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn. "ĐBSCL đang ở vào vị thế bất lợi, nhất là khi đứng trước những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và tập quán canh tác gây hại cho môi trường sinh thái. Sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư của người dân ĐBSCL về TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Kết quả là so các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số gần như bằng 0 trong giai đoạn 2009 - 2019", PGS, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định.

Phải làm nông nghiệp theo cách khác

Không nghi ngờ gì, một ĐBSCL màu mỡ, với tổng diện tích tự nhiên 40.572 km2, chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước cộng với vùng đặc quyền kinh tế trên biển với diện tích xấp xỉ 360.000 km2, gấp chín lần diện tích đất liền, có lợi thế to lớn về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản - cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Chính vì thế - TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét, dường như cả nước đã quá quen với danh xưng "vựa lúa lớn nhất cả nước" và trọng trách bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước nghiễm nhiên được đặt trên đôi vai của ĐBSCL. Điều này vừa đúng, vừa không đúng, nhất là trong bối cảnh những lợi thế trời phú của vùng đang từng bước bị xói mòn. Biến đổi khí hậu, việc thâm canh lúa ba vụ kéo dài khiến cho chất lượng đất nông nghiệp ngày một suy giảm, vùng đất nằm trong đê bao không nhận được phù sa trở nên bạc màu, dẫn đến phân hóa học và thuốc trừ sâu bị lạm dụng… Đó là chưa kể những xung đột lợi ích giữa các địa phương trong vùng (tỉnh muốn trồng lúa, tỉnh muốn nuôi tôm, trong khi trồng lúa thì không thể "mặn hóa" để nuôi tôm và ngược lại)… Những thách thức cấp vùng ấy, dĩ nhiên, không thể giải quyết bằng những ứng xử mang tính địa phương.

Để viễn cảnh đáng buồn đó không xảy ra, cần thay đổi tư duy về mô hình phát triển của ĐBSCL. "Đó phải là một khu vực không thuần túy làm nông nghiệp, mà phải kết hợp với sinh thái, du lịch, kinh tế tuần hoàn, trong đó có năng lượng sạch". Và đòn bẩy mà TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các chuyên gia kinh tế khác đều nhắc đến đầu tiên, chính là cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể là trục giao thông đường bộ "xương sống" kết nối toàn bộ các tỉnh trong vùng đồng bằng và trục ngang từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. "Nếu các địa phương trong vùng không xác định rõ ràng tính ưu tiên giữa hoàn thiện trục giao thông huyết mạch với phát triển cảng nước sâu cho toàn vùng thì kỳ vọng về một hệ thống giao thông hoàn thiện, đa dạng, có tính kết nối cho vùng ĐBSCL vẫn sẽ chỉ nằm trên quy hoạch như các giai đoạn trước", chuyên gia này nhấn mạnh.

Đối với sản xuất nông nghiệp, chính sách đất đai cần có sự thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là không quá cứng nhắc theo kiểu "chỗ này chỉ trồng lúa thôi". Nói cách khác, cần tạo ra thị trường đất linh hoạt hơn, tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp sao cho đất nông nghiệp có thể được sử dụng hiệu quả nhất (nhờ đạt quy mô hiệu quả, lựa chọn các sản phẩm phù hợp, áp dụng phương thức canh tác tiên tiến). Về nước, coi tất cả các nguồn nước - nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nước ngầm, nước mặt - đều là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng, bảo vệ một cách phù hợp, đây là điều được nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận đặt lên bàn nghị sự bàn về tương lai của vùng đất chín rồng.

CẨM HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/goc-nhin-kinh-te/tam-nhin-moi-cho-dat-chin-rong-651357/