Tầm nhìn về biển đảo của vua Lý Anh Tông

Trái với nhiều quốc gia lân bang chỉ quan tâm đất liền, triều đại quân chủ Việt Nam lại chú trọng đến biển đảo, xác lập chủ quyền trên các hải đảo. Đặc biệt, vị vua thứ 6 triều Lý còn trực tiếp tuần thú biển đảo, xem xét phong thổ cho vẽ bản đồ.

Nhìn xa trông rộng

Nước Đại Việt tiếp giáp với Biển Đông, các tiên đế của vua Lý Anh Tông (Lý Thiện Tộ, sinh năm 1136) quản lý, thực thi với các mức độ khác nhau. Đến thời ông trị vì, tầm nhìn, hướng về biển đảo rất mạnh mẽ, xác định đây là một bộ phận thiết thực không thể tách rời.

Sử sách ghi, vua Lý Anh Tông đã 2 lần thể hiện bằng hành động cụ thể. Năm 1147, ông cho xây dựng hành cung Yên Hưng ở ven biển Quảng Ninh ngày nay, coi đây là trạm kiểm soát từ xa để triều Lý khống chế vùng biển đảo trước các nước lân bang trong khu vực. Năm 1949, ông cho lập trang Vân Đồn ở các hải đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, cho mở ra thương cảng buôn bán sầm uất, trung chuyển các loại hàng hóa cho thương thuyền của các nước. Đây không chỉ là địa điểm khai thác vùng biển đảo, mà còn khẳng định năng lực kiểm soát hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tư duy hướng biển mạnh mẽ suốt thời gian ông nắm quyền.

Tượng vua Lý Anh Tông

Vua Lý Anh Tông là vị hoàng đế đầu tiên nhiều lần tuần du biển đảo, “thực địa” cho vẽ bản đồ biển đảo đầu tiên của đất nước. Những chuyến đi của vua Lý Anh Tông ra Biển Đông cho thấy triều đình nhà Lý quản lý, khai thác hải đảo ngoài phát triển kinh tế, xã hội, đã cơ động trong công tác phòng thủ, bảo vệ đất nước từ xa, từ sớm. Qua đó, cổ vũ cho thủy quân Đại Việt trong hoạt động thực thi nhiệm vụ tuần tra, giám sát; đồng thời, nhắc nhở ý thức, trách nhiệm bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Đóng nhiều loại tàu thuyền

Nhiều sử sách ghi chép, thời trị vì của vua Lý Anh Tông đặc biệt quan tâm đến biển đảo, coi nó có vai trò quan trọng, thiết thực với sự phát triển của quốc gia; quyết tâm bảo vệ và củng cố an ninh vùng biển đảo qua những hành động cụ thể, liên tục. Năm 1161, nhà vua sai Thái úy Tô Hiến Thành và Đỗ An Di đem hàng vạn quân đi tuần tra các vùng ven biển phía Nam, đích thân tiễn các tướng đến tận cửa biển Đại An (Ninh Bình). Liên tiếp trong 2 năm 1171 và 1172, vua thân hành đi tuần tra xem xét các vùng biển đảo, mục đích tìm hiểu đời sống dân tình, đúng như lời thơ trong sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi: “Tuần du đã tỏ dân tình/ Sơn xuyên trải khắp địa hình gần xa”.

Để bảo vệ vùng biển đảo, vua hạ lệnh cho đóng nhiều tàu với nhiều kích cỡ, tăng cường thực lực thủy quân và thường xuyên cho binh sĩ tập luyện. Cụ thể, năm 1151, ông cho đóng 2 chiếc thuyền hiệu Vĩnh Diệu, Thanh Lan; năm 1154, đóng thuyền Vĩnh Chương; năm 1167, đóng thuyền Nhật Long; năm 1173, đóng thuyền Ngoạn Thủy… Không có nhiều tư liệu về thủy quân triều Lý, nhưng những gì còn thấy trong một số thư tịch cũng đủ khẳng định thủy quân triều Lý tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ, giỏi thủy chiến. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” có đoạn: “Thành Nam mở chốn võ tràng/ Tập tành cung ngựa phô trương tinh kỳ/ Uy danh dậy đến biên thùy/ Chiêm Thành, Ngưu Hống man di cũng bình”.

Điều này được chính vua quan nhà Tống đương thời nhìn nhận. Trong sách “Lịch ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi xác nhận: “Quân Giao Chỉ giỏi thủy chiến. Về tổ chức, quân thủy thời Lý chia thành các đội, hạm, nhiều đội thuyền, hạm thuyền hợp thành đạo quân lớn với các loại thuyền khác nhau như thuyền mông đồng, lâu thuyền, lưỡng phúc thuyền (thuyền hai lòng), thậm chí có những thuyền loại lớn chở được nhiều quân lính, voi ngựa, như đã được sử dụng trong trận tập kích chiến lược đánh vào Khâm Châu, Liêm Châu đất Tống bằng đường biển cuối năm Ất Mão (1075)”.

Dưới sự quản trị của triều đình, vua tiếp tục thực hiện các hoạt động đảm bảo cho buôn bán, giao thương ở trang Vân Đồn. Đặc biệt, trong lần tuần du các hải đảo năm 1172, vua Lý Anh Tông hạ lệnh cho những viên quan có chức trách khảo xét và vẽ bản đồ các vùng biển, ghi chép thông tin về sản vật ở các nơi, làm thành bản địa đồ biển đảo hoàn chỉnh đầu tiên của vương triều. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại: “Mùa Xuân, tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Tuy các sách “Đại Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư” không ghi tên gọi của bản đồ, nhưng sách “Đại Việt thông sử” (soạn vào thế kỷ XVIII), nhà bác học Lê Quý Đôn sau khi thẩm tra đã xác định tên bản đồ là “Nam Bắc phiên giới địa đồ”. Ở mục “Nghệ văn chí” của sách còn ghi: “Vua Lý Anh Tông đi tuần thú ở các cửa biển, vẽ lại hình thế núi sông và phong vật, nay không còn”. Qua đó, đã xác định “Nam Bắc phiên giới địa đồ” là quyển địa đồ khởi đầu về việc biên vẽ hình thế biển đảo của nước nhà, tự nó đã có ý nghĩa và có địa vị rất lớn lao trong hệ thống các bản đồ cổ, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Với việc khai sinh ra phiên giới địa đồ, vua Lý Anh Tông đã nâng lên một bước rất đáng kể, đúc kết những hiểu biết của con người qua nhiều giai đoạn thành tri thức chuẩn về một phần giang sơn của nước Đại Việt. Qua nhiều phen binh lửa, đến nay “Nam Bắc phiên giới địa đồ” không còn, nhưng điều ấy không làm giảm giá trị của nó; mà thể hiện rõ tâm thế cùng tư duy biển đảo, hướng về biển mạnh mẽ của nhà vua Lý Anh Tông.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-nhin-ve-bien-dao-cua-vua-ly-anh-tong-a388616.html