Tầm quan trọng của INF

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một động thái bị cả Moskva và đồng minh châu Âu mô tả là 'bước đi nguy hiểm'.

INF là gì?

INF là hiệp ước được ký kết năm 1987, yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại bỏ và cấm vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất với phạm vi từ 500-5.500 km, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí của Mỹ.

Hiệp ước INF đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc đồng ý giảm bớt kho vũ khí hạt nhân của họ, loại bỏ toàn bộ danh mục vũ khí hạt nhân, và sử dụng các cuộc thanh tra tại chỗ để xác minh quá trình hủy bỏ đó.

Nhờ Hiệp ước INF, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn, tầm trung theo thời hạn chót được quy định trong Hiệp ước là ngày 1-6-1991.

Các cuộc đàm phán INF bắt đầu tiến triển khi ông Mikhail Gorbachev lên làm lãnh đạo Liên Xô vào tháng 3-1985. Mùa thu năm đó, Liên Xô đã lên kế hoạch thiết lập sự cân bằng giữa số đầu đạn SS-20 với số lượng ngày càng tăng đầu đạn tên lửa tầm trung của các đồng minh Mỹ ở châu Âu.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó đã bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất của Liên Xô, và phạm vi đàm phán được mở rộng vào năm 1986 tới mức bao gồm tất cả tên lửa tầm trung của Mỹ và Liên Xô trên khắp thế giới.

Sử dụng động lực từ các cuộc đàm phán này, Tổng thống Reagan và lãnh đạo Liên Xô Gorbachev bắt đầu tiến tới một thỏa thuận loại bỏ tên lửa tầm trung toàn diện. Những nỗ lực của họ đã thành công bằng việc Hiệp ước INF được ký kết ngày 8-12-1987, và hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1-6-1988.

Các thanh sát viên Liên Xô và Mỹ đang giám sát việc tiêu hủy tên lửa theo Hiệp ước INF hồi tháng 1-1989

Hiệp ước INF ban đầu chỉ áp dụng cho các lực lượng Mỹ và Liên Xô, nhưng thành viên của hiệp ước đã mở rộng vào năm 1991, bao gồm các quốc gia của Liên Xô cũ. Ngày nay có Belarus, Kazakhstan, Ukraine, Nga và Mỹ tham gia hiệp ước.

Mặc dù chỉ có 5 quốc gia trên tham gia hiệp ước, nhưng một số quốc gia châu Âu khác cũng đã phá hủy các tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Đức, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã phá hủy các tên lửa tầm trung vào những năm 1990 và Slovakia là vào tháng 10-2000.

Ngày 31-5-2002, nước cuối cùng sở hữu tên lửa tầm trung ở Đông Âu là Bulgaria cũng đã ký một thỏa thuận với Mỹ về việc phá hủy tất cả các tên lửa bị cấm theo INF. Bulgaria đã hoàn thành cam kết trong vòng 5 tháng với sự hỗ trợ của Mỹ.

Rủi ro khi từ bỏ INF

Ngày 25-10, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này. Đức và một số đồng minh châu Âu kêu gọi Mỹ có nỗ lực phút chót nhằm thuyết phục Nga ngừng các hành động mà phương Tây cho là vi phạm INF, hoặc có thể cùng Moskva đàm phán lại INF với sự tham gia của Trung Quốc. Mỹ cho rằng việc Trung Quốc không bị gò bó bởi INF đã giúp nước này có thể tự do phát triển các tên lửa tầm trung và tầm xa vượt trội.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là "chỗ dựa" giúp kiểm soát vũ khí và quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng giới chức Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11-11 tới tại Paris (Pháp).

Cùng ngày, Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết tại LHQ, yêu cầu Đại hội đồng LHQ hối thúc Moskva và Washington nỗ lực củng cố INF và tăng cường hiệu lực của thỏa thuận, để INF trở thành "hòn đá tảng" trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Cũng theo dự thảo nghị quyết, Đại hội đồng hối thúc Nga và Mỹ tiếp tục đàm phán về thực hiện các nghĩa vụ của mình trong hiệp định; đồng thời đối thoại xây dựng về các vấn đề chiến lược trên cơ sở công khai, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Moskva coi việc bảo vệ INF là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga cũng kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới.

Đông Văn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tam-quan-trong-cua-inf-520000/