Tam Quốc: Bí ẩn câu nói trước khi chết của Phượng Sồ, ngầm ám chỉ Lưu Bị không thể phục hưng Hán Thất

Ngọa Long-Phượng Sồ, được một trong hai là có thể an thiên hạ. Lưu Bị sau này đồng thời có được sự phò tá của cả hai người nhưng lại không thể phục hưng Hán Thất.

Thủy Kính tiên sinh từng nói với Lưu Bị rằng:"Ngọa Long-Phượng Sồ, có một trong hai là có thể an thiên hạ". Lưu Bị sau này cùng lúc có được sự phò tá của cả Ngọa Long và Phượng Sồ nhưng đến cuối vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện thống nhất thiên hạ, phục hưng Hán Thất. Nguyên nhân có lẽ là do thiên ý, trời đã định Hán Thất phải diệt vong, Lưu Bị không thể đi ngược lại ý trời. Điều này sớm đã được Phượng Sồ Bàng Thống nhận ra.

Ngọa Long-Phượng Sồ, có một trong hai là có thể an thiên hạ

Bàng Thống tự Sĩ Nguyên, hiệu Phượng Sồ, là người tề danh cùng với Gia Cát Lượng. Tuy nhiên cho dù là trên lịch sử hay trong tiểu thuyết, Gia Cát Lượng vẫn là người có nhiều thành tựu hơn Bàng Thống. Cũng bởi vì sau khi đi theo phò tá Lưu Bị, ông chưa thực sự có nhiều đóng góp thì đã tử trận ở gò Lạc Phượng.

Con đường làm quan của Bàng Thống cũng không thuận lợi như Gia Cát Lượng. Lưu Bị phải "tam cố thảo lư" và làm phật ý hai nghĩa đệ Quan Trương mới có thể mời được Gia Cát Lượng xuống núi phò tá, còn Bàng Thống phải ngao du tứ phương vẫn không thể tìm nổi một chủ công phù hợp.

Giang Đông Tôn Quyền không cần Bàng Thống, ngay đến Lưu Bị ban đầu cũng vì vẻ ngoài quá xấu của ông mà không trọng dụng, chỉ được làm một chức quan huyện lệnh nhỏ nhoi.

Sau đó Bàng Thống đã thể hiện tài hoa của mình khiến Lưu Bị chú ý và trọng dụng, tuy nhiên trong Thục doanh thì Gia Cát Lượng vẫn là người đứng đầu, Bàng Thống không thể lính mới đòi đè lính cũ được.

Bàng Thống đã nói rằng cái chết của mình là thuận theo thiên mệnh

Sau khi đi theo Lưu Bị, ông chỉ đóng góp được cho Lưu Bị một kế sách. Đó là lúc Lưu Bị công đánh Lưu Chương, ông đưa ra ba kế thượng sách, trung sách và hạ sách, Lưu Bị lựa chọn trung sách.

Lưu Bị không ngờ rằng quyết định lựa chọn trung sách lại tiễn Bàng Thống vào cửa tử. Bàng Thống tại gò Lạc Phượng bị bắn hơn 40 mũi tên mà chết. Phượng Số danh tiếng lẫy lừng trước đó đến cuối lại hạ màn như vậy ở gò Lạc Phượng, khiến nhiều người cho rằng ông thực chất rất tầm thường.

Nhìn sang Gia Cát Lượng, đi theo Lưu Bị rất nhiều năm nhưng không bao giờ đưa mình vào thế nguy hiểm như vậy. Cho dù Khổng Minh không may đối mặt với nguy hiểm cũng có thể nghĩ ra mưu kế để ứng phó. Ví dụ như thuyền cỏ mượn tên, không thành kế...

Bàng Thống cùng Gia Cát Lượng tề danh, tại sao lại không thể "thăng hoa" giống như đồng nghiệp của mình? Thực ra trước lúc lâm chung, Bàng Thống đã nói ra một câu, nếu chú ý vào câu nói đó có thể thấy được tầm nhìn chuẩn xác của ông. Thậm chí câu nói này còn thể hiện sự cao minh hơn Gia Cát Lượng, ông nói:"Hôm nay ta chết, là do thiên mệnh!". Bàng Thống đã nhìn ra thiên ý, là ý trời muốn ông phải chết.

Lưu bị không thể đi ngược ý trời để phục hưng Hán Thất

Từ câu nói của Bàng Thống có thể thấy trời đã định Hán Thất bị diệt vong, Bàng Thống và Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị chính là chống lại ý trời, tất cũng sẽ bị diệt. Trên thực tế không chỉ có mỗi Bàng Thống là người nhận ra được thiên ý.

Thủy Kính tiên sinh, người đặt hiệu cho Bàng Thống là Phượng Sồ, gọi Gia Cát Lượng là Ngọa Long, trong lúc nhìn Lưu Bị đón Gia Cát Lượng xuống núi cũng đã nói một câu:"Ngọa Long tuy tìm đúng chủ nhưng không gặp thời". Câu nói này của Thủy Kính tiên sinh cũng giống như thiên ý mà Bàng Thống sau này đã nhìn thấy, Lưu Bị không thể phục hưng Hán Thất.

Thực tế sau đó đã chứng minh những lời Bàng Thống và Thủy Kính tiên sinh nói là hoàn toàn chính xác. Quan Vũ bị tử trận, Trương Phi bị giết, Lưu Bị đại bại, Khổng Minh phạt Bắc không thành, tất cả đều thuận thiên ý.

Hoa Anh Thịnh (Theo Sohu)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/6h45-sang-268tam-quoc-bi-an-cau-noi-truoc-khi-chet-cua-phuong-so-ngam-am-chi-luu-bi-khong-the-phuc-hung-han-that-a290237.html