Tam quốc diễn nghĩa: Bốn mãnh tướng của Đổng Trác khiến Tào Tháo e sợ

Không chỉ nắm trong tay đội quân dũng mãnh mà dưới trướng của Đổng Trác còn có những mãnh tướng khiến quân địch chỉ nghe tên đã khiếp sợ.

Trong tập 3 phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, khi tham gia liên minh chống Đổng Trác do Viên Thiệu cầm đầu, Tào Tháo là người am hiểu quân Tây Lương của Đổng Trác nhất. Tại đây Tào Tháo có nói đến tứ đại mãnh tướng của Đổng Trác: thứ nhất là Lã Bố, thứ hai là Lý Giác (Lý Quyết), thứ ba là Quách Dĩ (Quách Tỵ), thứ tư là Hoa Hùng.

Cảnh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Hoa Hùng

Hoa Hùng (? - 190) là vị tướng quân đội dưới quyền Đổng Trác sống vào cuối đời Hán trong lịch sử Trung Quốc và cũng là một nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Hoa Hùng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Trong lịch sử, năm 190, các chư hầu liên quân lại tiến đánh Đổng Trác. Trong một trận chiến chống lại liên quân, Hoa Hùng chết khi thua trận trước Tôn Kiên.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Hoa Hùng cao 9 thước, tướng mạo oai phong, khi ông ra trận ở hồi 5 đã chém liên tiếp mấy tướng của liên quân chư hầu khiến Tôn Kiên phải rút quân. Về sau nhờ có Quan Vũ chém chết Hoa Hùng thì 18 đạo chư hầu mới tiến quân tiếp được. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng tình tiết này là hư cấu. Thực tế Hoa Hùng do Tôn Kiên giết chết, và Hoa Hùng cũng không có thành tích quân sự đáng kể, kể cả chiến công chém 2 tướng Du Thiệp, Phan Phụng cũng chỉ là hư cấu.

Quách Dĩ

Quách Dĩ (?-197) còn gọi là Quách Tỵ hay Quách Tỷ (sách bản cũ phiên sai là Quách Phiếm) là người Lương Châu, tên hồi nhỏ là A Đa, ông là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Quách Dĩ là người Lương Châu, tên hồi nhỏ là A Đa. Ban đầu làm trộm ngựa, về sau theo đầu quân cho Đổng Trác. Ông theo Đổng Trác tham gia các cuộc chiến chống quân Khăn Vàng.

Quách Dĩ.

Quách Dĩ xuất hiện trongTam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung từ hồi 5 đến hồi 13. Khi xuất hiện, ông theo Đổng Trác tham gia các cuộc chiến chống quân Khăn Vàng.

Năm 189, Quách Dĩ theo Đổng Trác mang quân vào kinh đô Lạc Dương theo lệnh của ngoại thích Hà Tiến. Đổng Trác nắm quyền điều hành triều chính.

Năm 190, các chư hầu do Viên Thiệu đứng đầu nổi lên chống lại Đổng Trác. Đổng Trác không chống nổi, mang vua Hán Hiến Đế chạy về Trường An. Trước sự truy kích của Tôn Kiên, Đổng Trác cử con rể là Ngưu Phụ giữ An Ấp; Quách Dĩ cùng Lý Thôi và Trương Tế dưới quyền Ngưu Phụ.

Sau cái chết của Đổng Trác, Quách Dĩ và Lý Thôi đánh vào Trường An và thao túng chính trường, sau đó Quách Dĩ lại xung đột với Lý Thôi được Tam quốc diễn nghĩa mô tả khá gần với sử sách. Tuy nhiên từ khi không nắm được Hán Hiến Đế, ông không còn xuất hiện. Cái chết của ông cũng chỉ được biết tới qua lời tâu báo của thuộc hạ cho Tào Tháo biết tình hình.

Lý Quyết

Lý Quyết.

Lý Quyết (?-198), nhiều tài liệu tiếng Việt phiên thành Lý Thôi hay Lý Giác, tên tự là Trĩ Nhiên, là người Lương châu, là dòng dõi danh tướng Lý Quảng nhà Tây Hán. Sau này Lý Giác là một quân phiệt nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông tham gia cuộc chiến quân phiệt, nắm triều đình nhà Hán trong 3 năm và cuối cùng bị giết.

Xuất hiện trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung từ hồi 5 đến hồi 13. Khi xuất hiện, Lý Giác đóng vai trò là bộ tướng của Đổng Trác tham chiến chống chư hầu.

Sau cái chết của Đổng Trác, hình ảnh Lý Giác đánh Trường An và thao túng chính trường, xung đột với Quách Dĩ được mô tả khá gần với sử sách. Tuy nhiên tình tiết ông cùng Quách, Trương, Phàn đi đánh Trường An báo thù lại được kể là đi cùng với Ngưu Phụ, trong khi sử sách xác nhận lúc đó Ngưu Phụ đã chết. Không những thế, Lý Giác còn được La Quán Trung mô tả là người chỉ huy Ngưu Phụ chứ không phải dưới quyền Ngưu Phụ.

Từ khi thôi nắm vua Hán Hiến Đế, ông không còn xuất hiện. Cái chết của Lý Giác cũng chỉ được biết tới qua lời tâu báo của thuộc hạ cho Tào Tháo biết tình hình.

Lã Bố

Lý Giác, Quách Dĩ và Hoa Hùng có thể đã được Tào Tháo nói quá, nhưng còn về phần Lã Bố thì đúng là mãnh tướng số một. Lã Bố không chỉ là mãnh tướng số một của Đổng Trác mà còn của cả thời kỳ Tam quốc, khi nhắc tới tài năng võ thuật của vị tướng này, người thời bấy giờ vẫn thường lưu truyền câu nói: “Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố” (người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố) để tôn vinh hai cực phẩm chốn nhân gian này.

Lã Bố trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố (160 - 199) tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên (Tinh Châu) là một danh tướng thời Tam quốc. Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng dũng mãnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Lã Bố sống trong một thời đại loạn ly, chiến tranh, cướp bóc liên miên, hoàng triều đổ nát, giặc cướp nổi lên như ong. Ông sớm có dịp được thi thố tài nghệ của mình. Năm 189, Hán Linh Đế qua đời, con là Hán Thiếu Đế Lưu Biện lên nối ngôi. Ngoại thích Hà Tiến mưu trừ hoạn quan chuyên quyền, bèn triệu tập quân các trấn. Đinh Nguyên theo lệnh dẫn quân đến Lạc Dương, Lã Bố đi theo. Sau đó Hà Tiến bị hoạn quan giết, Viên Thiệu diệt hoạn quan. Một tướng khác được Hà Tiến triệu tập là Đổng Trác cũng tiến vào Lạc Dương, tranh chấp quyền lực. Viên Thiệu yếu thế phải bỏ chạy còn Đinh Nguyên dàn quân chống lại.

Trong trận này Lã Bố đã thể hiện mình là mãnh tướng dũng mãnh vô song, đánh tan quân đội Đổng Trác và làm Đổng Trác kinh hoảng phải tế ngựa bỏ chạy. Sau trận đó Đổng Trác đã họp bàn với các mưu sỹ của mình với ý định chiêu mộ Lã Bố.

Lúc đó Đổng Trác dùng kế lấy lợi lộc và Ngựa Xích Thố, sai Lý Túc đến dụ Lã Bố để ông phản lại Đinh Nguyên. Lã Bố nhận lời, nhân lúc Đinh Nguyên tin tưởng mình không phòng bị bèn bất ngờ giết chết Đinh Nguyên, mang toàn quân về hàng Đổng Trác.

Lã Bố là mãnh tướng dũng mãnh nhất nhì thời Tam quốc.

Kể từ khi theo Đổng Trác, trên chiến trường, Lã Bố xứng đáng là “thiên hạ vô địch”, trong tay cầm cây Phương Thiên Họa Kích, cưỡi ngựa Xích Thố, tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người. Một trong những điển tích khiến người ta nhớ về Lã Bố nhiều nhất được La Quán Trung miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa là cảnh “tam anh chiến Lã Bố”. Khi Viên Thiệu tập hợp quân 18 lộ chư hầu giương cờ thảo phạt Đổng Trác, một mình Lã Bố ra nghênh chiến và thư hùng với hai huynh đệ Quan - Trương cùng liên thủ thì vẫn không có biện pháp hạ được Lữ Bố. Về sau, Lưu Bị cũng xông lên tiếp ứng. Vì lo lắng sẽ xảy ra sơ suất, Lữ Bố mới buộc phải rút lui trở về. Khi ấy Lã Bố đang là Trung lang tướng dưới quyền Đổng Trác.

Ngoài ra, còn có rất nhiều giai thoại liên quan đến sự anh dũng của Lã Bố, tiêu biểu như: “Viên môn xạ kích” (bắn kích ở Viên môn). Chuyện kể rằng khi ấy Viên Thuật sai tướng là Kỷ Linh mang 3 vạn tinh binh tấn công vào đất Tiểu Bái, vây khốn Lưu Bị. Lã Bố chỉ mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ đến nói chuyện giảng hòa với hai bên. Ông có một cách điều đình rất đặc biệt. Lã Bố sai quân lính cắm kích cách xa 150 bước, giao hẹn trước rằng nếu mình có thể bắn tên trúng vào ngạnh kích thì Kỷ Linh và Lưu Bị phải giảng hòa. Sau đó, ông lùi lại, giương cung bắn mạnh, trúng ngay vào ngạnh kích như đã nói. Lưu Bị tạ ơn Lã Bố đã giải nguy còn Kỷ Linh thấy Lã Bố quá kiêu dũng nên cũng rút quân về, không dám trái ý.

Tam anh chiến Lã Bố.

Tuy kiêu dũng vô song là thế nhưng nhiều sử gia đánh giá Lã Bố chỉ là hạng “hữu dũng vô mưu”, tham lợi bỏ nghĩa và háo sắc. Chỉ vì một con ngựa Xích Thố Lã Bố phản Đinh Nguyên theo Đổng Trác. Chỉ vì một nàng Điêu Thuyền, Lã Bố tiếp tục sát hại Đổng Trác theo về với Vương Doãn. Tới khi cơ nhỡ, lưu lạc, được Lưu Bị cho nương tựa, Lã Bố tiếp tục trở mặt, nhân lúc Lưu Bị sơ hở chiếm giữ thành Từ Châu.

Năm 198, Tào Tháo mang quân bản bộ đến đánh thành Từ Châu. Trong giai đoạn đầu của cuộc giao tranh, Tào Tháo và Lã Bố đánh không phân cao thấp.

Với võ nghệ cao cường của mình, lại thêm sự phò tá đắc lực của Trần Cung, thế lực của Lã Bố đã khiến Tào Tháo gặp không ít trở ngại, cuộc chiến cũng vì vậy mà bị đẩy vào thế giằng co suốt một thời gian dài.

Tào Tháo vốn đã từng có ý định rút lui, sau lại được các mưu sĩ khuyên ngăn nên quyết định tiếp tục cố thủ. Sau đó Lã Bố nhiều lần không nghe lời mưu sĩ Trần Cung, dần thua thiệt trong cuộc giao tranh. Tào Tháo theo kế của Tuân Úc và Quách Gia, dồn nước sông Nghi Thủy, Tứ Thủy cho lũ ngập vào thành Hạ Bì. Lã Bố bị vây khốn, phải lên lầu Bạch Môn cố thủ, thế cùng lực kiệt, đành phải hàng Tào. Sau đó đã bị Tào Tháo xử tử, khép lại cuộc đời của một mãnh tướng dũng mãnh nhất nhì thời Tam quốc.

Theo Quốc tiệp/Người đưa tin

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tam-quoc-dien-nghia-bon-manh-tuong-cua-dong-trac-khien-tao-thao-e-so/20190912081330343