Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật chấn động mà La Quán Trung cố ý chối bỏ không đưa vào trong bộ tiểu thuyết

Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa tác giả La Quán Trung không viết một dòng nào về người vợ của Trương Phi. Dù những ghi chép sử liệu cho thấy, đây là một người phụ nữ có gốc gác xuất thân vô cùng đặc biệt.

Trương Phi (sinh ? – mất năm 221), tự Dực Đức, người tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hiện nay. Trương Phi giữ chức Hữu tướng quân, sau khi Lưu Bị xưng đế, được phong làm Tây Hương Hầu. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, làm nghề bán rượu, thân hình to lớn, dung mạo oai phong, được học hành cả võ nghệ lẫn sách vở.

La Quán Trung miêu tả Trương Phi “cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én”, tính cách vô cùng khảng khái, bộc trực và rất nóng nảy. Tuy nóng tính và dữ dằn, nhưng dân chúng lại rất yêu quý hình tượng Trương Phi, vì ông đại diện cho vị võ tướng trượng nghĩa, căm ghét cái ác, và hết lòng hết sức vì anh em.

Tạo hình Trương Phi trên phim.

Tạo hình Trương Phi trên phim.

Trương Phi là người sát cánh cùng Lưu Bị từ thuở hàn vi, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục. Trương Phi nổi tiếng với sức khỏe địch muôn người cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết.

Ông lập nhiều chiến công hiển hách như tham gia dẹp giặc Khăn Vàng, chặn quân Tào Tháo ở trận Trường Bản, truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, thu phục Nghiêm Nhan, giao tranh với Trương Cáp ở Ba Tây, đánh nhau với Mã Siêu…

Trương Phi thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù không chỉ là sức mạnh mà còn là cái uy kinh người. Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù, trong trận Tương Dương, Trường Bản, tuy chỉ còn vài chục quân sĩ, còn quân Tào đông đến mấy trăm vạn, nhưng sự dũng mãnh của ông đã khiến Tào Tháo hoảng sợ phải lui quân. Trong trận ấy, Hạ Hầu Kiệt, viên quan theo hầu Tào Tháo đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết. Ông đã cùng đơn đấu với Lã Bố đến hơn 50 hiệp mà bất phân thắng bại.

Trương Phi tuy là bậc anh hùng có mưu có dũng, nhưng tính tình quá nóng nảy, dễ nổi giận lôi đình, khiến không ít lần bị rơi vào bẫy của kẻ địch, cuối đời còn mang họa sát thân.

Hình ảnh Trương Phi có ảnh hưởng khá sâu đậm trong dân gian, là một trong những danh tướng được người đời truyền tụng và yêu mến. Trần Thọ, tác giả sách sử Tam quốc chí có đánh giá về ông như thế này: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà nóng, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.

Tam quốc diễn nghĩa có rất nhiều chương hồi viết về Trương Phi, nhưng La Quán Trung tuyệt không có 1 dòng viết về người vợ của Phi. Trong khi, nếu chiếu theo chính sử, gốc gác và xuất thân “người phụ nữ của Trương Phi” chứa đựng nguồn tư liệu tiểu thuyết vô cùng quý giá.

Vợ của Trương Phi làlà cháu họ của Tào Tháo

Vợ của Trương Phi - tên Hạ Hầu Thị - là cháu họ của Tào Tháo.

Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam quốc (190–280) với khoảng 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.

Chính vì tính chất bảy thực ba hư mà tác giả La Quán Trung, với tư tưởng xuyên suốt trong Tam quốc diễn nghĩa, là “thân Thục, bài Ngụy” đã cố tình bỏ qua nhân vật đặc biệt này. Vì vợ của Trương Phi - Hạ Hầu thị - thực ra có quan hệ họ hàng với… Tào Tháo. Thoạt nghe tưởng chuyện hoang đường và thật khó chấp nhận với những người coi Tam quốc diễn nghĩa là sách gối đầu giường. Nhưng đây lại là sự thật 100%, được ghi chép trong chính sử.

Tam quốc chí, Ngụy thư - Chư Hạ Hầu Tào truyện chú dẫn Ngụy lược, có đoạn như sau: “Năm Kiến An thứ 5 (tức năm 200), bấy giờ Hạ Hầu Bá có em họ tuổi tầm 14 là Hạ Hầu Thị tung tú cầu kén chồng trong quận. Trương Phi chính là người bắt được quả cầu ấy. Phi biết là Hạ Hầu Thị là con gái nhà gia giáo, lấy về làm vợ, sinh được 4 người con: hai trai và hai gái”.

Hạ Hầu Uyên, danh tướng Ngụy, bác Hạ Hậu Thị và là em họ Tào Tháo.

Hạ Hầu Thị, là em họ Hạ Hầu Bá. Mà Bá là con thứ hai của Hạ Hầu Uyên. Cha mẹ Hầu Thị mất sớm, nàng được Hạ Hầu Uyên nuôi dưỡng từ nhỏ, coi như con gái. Tức khi Hầu Thị thành vợ Trương Phi thì Phi theo lẽ chính là cháu rể của Hạ Hầu Uyên. Điều này là quá rõ ràng không phải bàn cãi.

Giờ chúng ta xét tới gốc gác của Ngụy Vương Tào Tháo. Cha của Tào Tháo là Tào Tung, con nuôi của Tào Đằng một cựu thần vào cuối đời Đông Hán, vốn thuộc dòng dõi Hạ Hầu. Theo “Tam quốc chí, Ngụy thư, Vũ Đế kỷ” chú dẫn hai cuốn “Tào Man truyện” và “Thế ngữ”: “Tào Tung, con của dòng tộc Hạ Hầu, thúc phụ của Hạ Hầu Đôn. Thái tổ (chỉ Tào Tháo) là anh em tòng phụ của Đôn”.

Điều này có nghĩa là, xét về quan hệ huyết thống, Tào Tháo chính là đời sau của dòng Hạ Hầu. Những đại tướng đứng đầu của Tháo, như Hạ Hầu Đôn hay Hạ Hầu Uyên đều là anh em họ ông. Hạ Hầu Đôn đặc quyền vượt xa muôn người trong khi Hạ Hầu Uyên nhiều lần nắm đại quân chinh phạt, rất được Tào Tháo trọng dụng.

Tào Tháo là anh họ của Hạ Hầu Uyên, thế nên Trương Phi khi thành thân với Hạ Hầu Thị, theo thứ bậc xưng hô trong gia đình dòng tộc chính là cháu rể của Ngụy vương vậy. Không chỉ thế, đến cả Hậu chủ Thục Hán là Lưu Thiện (con Lưu Bị) cũng phải tính là… chắt rể xa của Tào Tháo. Lý do là bởi, hai người con gái của Trương Phi và Hạ Hầu Thị, khi trưởng thành đều là vợ của Lưu Thiện.

Trương Phi lấy Hạ Hầu Thị, cháu họ của Tào Tháo, đương nhiên theo lý chính là cháu rể của Ngụy Vương.

Năm Kiến An thứ 14 (tức năm 219 SCN), Lưu Bị đưa quân vào tranh chấp vùng Hán Trung, từ sau năm Kiến An thứ 20 (năm 215 SCN) liên tục giao tranh với tướng trấn thủ Hán Trung là Hạ Hầu Uyên, rồi bộ hạ của Lưu Bị là Hoàng Trung giết được Hạ Hầu Uyên ở núi Định Quân. Vợ Trương Phi nghe tin bèn “xin đi làm lễ táng cho ông ta”, coi như là tận hiếu đạo đối với người chú họ. Hai mươi năm sau, những người lập ra hai triều Ngụy, Thục đều đã tạ thế, nhưng thế đối nghịch của hai nước vẫn y nguyên. Nhưng thế đối nghịch này cùng việc công phạt lẫn nhau của hai bên chủ yếu là xuất phát từ đòi hỏi về chính trị, còn về phương diện tình cảm, hai bên – con cháu Tào Tháo, Hạ Hầu Uyên cùng con cháu Lưu Bị, Trương Phi – đã phai nhạt dần đi tâm lý thù hận, quan hệ thân thích này càng trở thành một miếng ngọc bảo đảm lúc nguy nan.

Năm Chính Thủy thứ 10 nước Ngụy (năm 249 SCN), Tư Mã Ý phát động chính biến, mưu diệt tập đoàn Tào Sảng, độc chiếm đại quyền Tào Ngụy. Hạ Hầu Bá đương chức Tả tướng quân, “Chinh Thục Hộ quân” sợ bị liên lụy vội chạy sang phía Thục, trên đường Âm Bình bị lạc đường, lương thực cạn kiệt, phải giết ngựa để ăn, đi bộ tới gãy chân, thật quả vô cùng thảm hại. Bên Thục Hán nghe tin báo, vội vã cho người đi đón. Hạ Hầu Bá tới được Thành Đô, Lưu Thiền đích thân tiếp kiến, còn ra ý giải thích cặn kẽ: “cha ngài lâm hại bởi miệng lưỡi thị phi, không phải bởi lưỡi dao của tiên phụ tôi”. Lưu Thiền còn chỉ con trai mình mà rằng: “con dì con già của họ Hạ Hầu đây thôi”. Từ đó, Lưu Thiền đối với Hạ Hầu Bá “hậu đãi lại phong thêm quan tước”, một mực đưa Hạ Hầu Bá lên làm Tướng quân quân kỵ. Cứ như vậy, Hạ Hầu Bá trở thành một trong những trọng tướng vào cuối thời Thục Hán.

Tào Tháo và Trương Phi là họ hàng thân thích, đây vốn là một tư liệu hấp dẫn cho bộ tiểu thuyết, thế nhưng, khi La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa lại hoàn toàn không đả động gì tới điểm này, ông không những không cho vợ của Trương Phi xuất hiện bất cứ một lần nào mà còn có ý làm lơ sự thật này, có vẻ như lo rằng viết về nó sẽ làm mờ đi khuynh hướng tư tưởng “tôn Lưu đè Tào”. Đó vẫn là một câu đố lớn khó trả lời.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tam-quoc-dien-nghia-su-that-chan-dong-ma-la-quan-trung-co-y-choi-bo-khong-dua-vao-trong-bo-tieu-thuyet/20190906120126552