Tầm soát ung thư sớm: Hi vọng cho bệnh nhân ung thư

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó, bệnh ung thư vú chiếm khoảng 11.000 ca mới mắc và hơn 5.000 trường hợp tử vong. Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị và chữa khỏi căn bệnh đáng sợ này có thể tăng cao.

Nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng.

Chiến thắng nỗi sợ hãi

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang- Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K trung ương, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Người bệnh càng được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam được phát hiện muộn do người dân không có thói quen tự kiểm tra vú và đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ.

Theo các chuyên gia y tế, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm bẩn và thói quen ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học là những nguyên nhân khiến các ca mắc ung thư ở nước ta đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, với các gói tầm soát ung thư được thiết kế đa dạng và hiện đại như hiện nay thì mọi người hoàn toàn có thể thoát khỏi “bản án tử” của căn bệnh nguy hiểm này nếu thực hiện sàng lọc sớm.

Ngoài ra, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong top 2 trên bản đồ ung thư thế giới với khoảng 150.000 ca mắc mới ung thư mỗi năm; 115.000 ca tử vong, tương đương 315 người/ngày và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Thoát “án tử” bằng tầm soát ung thư sớm

Hiện nay, ung thư mặc dù vẫn đang là nỗi lo của nhiều người, tuy nhiên ung thư hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị thành công nếu được tiến hành khám và tầm soát ung thư sớm.

Hiện, tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV) ở nước ta chiếm tới 70% các ca ung thư, do đó tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này đang ở mức rất cao. Theo khuyến cáo của các chuyên gia ung bướu, nam giới và nữ giới độ tuổi từ 40 trở lên nên tầm soát ung thư toàn diện mỗi năm để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, với một số trường hợp như tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư; bản thân có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư như có polyp đại tràng, viêm loét dạ dày, xơ gan, hút thuốc lá nhiều năm, sinh nhiều con hoặc có nhiều bạn tình…

Chia sẻ về quá trình điều trị ung thư của mình, chị Nguyễn Minh H. (40 tuổi, Thái Nguyên) là nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội. Cuối năm vừa rồi, công ty chị có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên của tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Tại buổi khám, chị H. được siêu âm, chụp vú và phát hiện một khối u kích thước 1 cm, ở phía dưới 1/3 vú phải, sát thành ngực. Nghi ngờ khối u ác tính nên chị đã được các bác sĩ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác, kết quả chị H. mắc ung thư vú ở giai đoạn đầu.

Chị H. chia sẻ: “Tôi rất sốc khi cầm kết luận của bác sĩ trên tay. Do công việc công ty và chăm sóc gia đình quá bận nên tôi chưa có thời gian cũng như chưa nghĩ tới việc khám sức khỏe định kỳ hay sàng lọc ung thư cả. Nhưng may mắn, nhờ khám định kỳ do công ty tổ chức nên tôi mới kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm”.

Có thể thấy, tầm soát ung thư sớm đem lại rất nhiều lợi ích đối với người ung thư trong giai đoạn đầu không chỉ đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh mà còn giảm bớt chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh. Từ đó, người bệnh mắc ung thư có thêm hy vọng vào cuộc sống, kiên trì chữa bệnh.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Không ít người nghĩ ung thư là “trời kêu ai nấy dạ” hay ung thư không thể chữa được nên đi khám sớm cũng không thay đổi được gì mà chỉ sống thêm lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ung thư không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ nếu được phát hiện sớm. Với sự tiến bộ của nền khoa học y tế trong tầm soát và chẩn đoán bệnh, nhiều bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi, kiểm soát bệnh trong thời gian dài. Tầm soát ung thư có thể phát hiện bệnh khi ung thư chưa hình thành hay chưa có biểu hiện.

Bác sĩ Nguyễn Lê (Bệnh viện 103) nhấn mạnh, trong điều trị ung thư, cần phân ra 2 việc. Thứ nhất, “tấn công” mạnh trong giai đoạn đầu bằng phẫu thuật, hóa chất, tia xạ như hiện nay. Đó là những biện pháp cơ bản, chưa có biện pháp nào thay thế. Thứ hai, điều trị nội khoa, giữ gìn tránh tái phát, di căn, nâng cao thể trạng sau khi làm việc thứ nhất. “Cái thứ nhất có thể chọn hoặc không nhưng cái thứ hai bắt buộc phải làm”- BS Lê đưa ra lời khuyên.

Với ung thư, đến nay vẫn là bệnh rất khó chữa. Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra chữa trị nội khoa đã mang lại hiệu quả cho một bộ phận bệnh nhân.

Bên cạnh đó, BS Lê cho biết, hầu hết các BV, chuyên khoa ung bướu tư vấn cho bệnh nhân chưa tốt, đa phần bệnh nhân không biết bị bệnh ở giai đoạn nào, mức độ nào, liệu trình ra sao, bác sĩ bảo hóa chất là hóa chất, tia xạ là xạ, không biết mổ thì sẽ như thế nào, không biết tác dụng phụ ra sao...

Sau phẫu thuật, hóa chất, tia xạ, các bác sĩ cũng chưa hướng dẫn cụ thể bệnh nhân điều trị nội khoa và ăn uống, sinh hoạt để tránh tái phát và di căn vì đa phần bệnh nhân ung thư không phải chết vì khối u đầu tiên mà chết vì tái phát, di căn. Trong nội khoa có 2 trường phái: Dùng những loại đắt tiền nhất hoặc dùng những thuốc cơ bản, sơ đẳng. Nhưng thực tế bệnh nhân không được tư vấn cụ thể.

“Quan trọng nhất là tư vấn, không chỉ là vấn đề y học, điều trị mà cả tâm lý, kinh tế. Trong khi đúng ra phải định hướng rõ để bệnh nhân lựa chọn chứ không phải chỉ định”- BS Lê chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy nếu được tầm soát ung thư sớm, những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh nguy hiểm, tàn phá cơ thể dần dần hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/tam-soat-ung-thu-som-hi-vong-cho-benh-nhan-ung-thu-tintuc417907