Tâm sự của một người đã được gặp Bác Hồ

Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị, cá nhân sẽ có cách làm sao cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình. Với Giáo sư, bác sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thông (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, Thái Nguyên), sau khi được gặp Bác Hồ, được Người dạy bảo, ông luôn sống theo 4 điều tự răn mình nên đã đạt nhiều thành công trong sự nghiệp.

Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thông.

Sinh ra trong gia đình Nho giáo ở thôn Yên Trường, xã Đông Yên (Đông Sơn - Thanh Hóa), ông Thông (và gia đình) nổi tiếng với nghề bốc thuốc Nam. Năm 8 tuổi, ông đã biết dùng cây cỏ chữa một số bệnh thông thường cho bà con quanh vùng. Lớn lên, theo tiếng gọi của Đảng, thực hiện nghĩa vụ của một công dân, ông vào quân ngũ. Trong quân đội, ông vẫn thường dùng cỏ cây chữa khỏi bệnh cho rất nhiều đồng chí, đồng đội. Với 15 năm chiến đấu trong quân ngũ, 4 năm công tác ở Y tế khu Tây Bắc, 21 năm làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Y Thái Nguyên; dù ở vị trí nào, ông luôn là một cán bộ gương mẫu, một thầy giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Ông đã có tới 16 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều năm đạt lao động tiên tiến, cá nhân xuất sắc.

Nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc, GS.Thông vẫn ngày ngày chữa trị cho hàng chục người bệnh và truyền nghề cho thế hệ trẻ tại cơ sở khám - chữa bệnh của mình cũng như ở những nơi ông hợp tác. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia giảng dạy tại các trung tâm đào tạo y dược cổ truyền của Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. Với tấm lòng nhân ái, ông thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tích cực đóng góp xây dựng các quỹ nhân đạo...

Nhìn lại quãng đời làm thầy thuốc, tính tới nay, ông Thông đã chữa khỏi bệnh cho hàng trăm nghìn người; trong đó 1/3 số bệnh nhân ông không lấy tiền do hoàn cảnh của họ rất khó khăn. Gần 90 tuổi nhưng ông vẫn có được thần thái khá minh mẫn và nhanh nhẹn; ông đã có mấy chục năm cống hiến cho y học cổ truyền, được đi khoảng 24 nước để nghiên cứu, học tập; dù đi đâu ông cũng luôn sống theo 4 lời tự răn bản thân để học tập, lao động, công tác. Thứ nhất là, không ham địa vị (theo ông, địa vị là nhất thời, quanh quẩn với nó chỉ mất thời gian); Thứ hai là, không ham tiền bạc (ông cho rằng, tiền bạc làm cho con người trở lên lắt léo, tàn bạo); Thứ ba là, không là kẻ hèn nhát (ông lý giải: kẻ hèn nhát có phần giống như đàn cá thấy bóng người là vội chìm xuống nước; kẻ hèn nhát dễ phản thầy, phản bạn, phản Tổ quốc); Thứ tư là, không chơi bời lêu lổng (mục đích sống của ông chỉ muốn được như cỏ cây bé nhỏ, đời tiếp đời ra hoa kết trái, giúp cuộc sống đâm chồi nảy lộc,...).

Ông Thông tâm sự: Tôi có được như ngày nay là nhờ vào Đảng, Nhà nước và đặc biệt là bản thân đã may mắn được gặp Bác Hồ, được Người dạy bảo rất sâu sắc từ khi còn trẻ; ấy là năm 1958, tôi được gặp Bác do có thành tích chiến đấu và chữa bệnh cho bộ đội. Khi ấy, Bác Hồ hỏi tôi: “Cháu Thông thích làm gì?”, tôi thưa: “Thưa Bác, cháu thích trồng cây ạ”; Bác gật đầu và nói: “Trồng cây cũng khó đấy nhưng trồng người còn khó hơn”. Thật lòng lúc đó tôi chưa hiểu ý trồng người của Bác, chỉ sau khi tôi đọc bài viết “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác in trên báo, tôi mới hiểu Bác muốn tôi trở thành thầy giáo. Từ đó, tôi luôn nghiêm túc tu dưỡng, không ngừng cố gắng, bản thân đã tự răn mình phải thực hiện 4 điều mà sau khi gặp Bác tôi đã cảm thụ được”.

Nếu ai có dịp tiếp xúc, trò chuyện với GS.Thông, ắt sẽ thấy trong suy nghĩ của ông luôn có lời dạy của Bác Hồ. Hiện, hàng ngày ông vẫn hỗ trợ khám - chữa bệnh, ban đêm thường xuyên đọc sách, viết sách nhằm tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của nền y học cổ truyền nước nhà; đó cũng là một cách học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất thiết thực.

Đình Hợi

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tam-su-cua-mot-nguoi-da-duoc-gap-bac-ho-post10527.html