Tâm sự của người đàn bà 42 năm làm nghề... khiến lũ chó 'rất ghét'

'Mình đi mua chó nên lũ chó ghét lắm, đạp xe đi đến đâu là lũ chó trong những căn nhà ven đường túa ra sủa vang trời, gặp những con chó dữ chúng còn nhào vô cắn', bà Nguyễn Thị Hồng, người có 42 năm hành nghề mua chó dạo tâm sự.

Nghèo quá nên phải làm

Một ngày như mọi ngày, mỗi sáng tinh mơ là bà lục đục cột giỏ sắt lên ba-ga chiếc xe đạp cà tàng, cài chiếc kìm sắt lên giỏ. Thế rồi chiếc xe đạp cọc cạch đưa bà len lỏi khắp các làng quê ngõ xóm. Chiếc xe đạp “chở” theo tiếng rao: “Ai có chó bán mua”! Cứ thế bà rong ruổi cuộc mưu sinh suốt 42 năm qua với công việc mà theo bà là “cái nghề chẳng đặng đừng”.

Hàng ngày, bà Hồng đạp xe cả trăm cây số đi mua chó rong

Về xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), tôi hỏi thăm một người dân địa phương: “Anh biết nhà bà Hồng mua chó ở chỗ nào không?”. Người đàn ông kia trả lời ngay: “Gặp sao được giờ này mà hỏi nhà. Mờ sáng là bà ấy đã đạp xe đi rồi, có khi giờ này bà đang mua chó ở trên Tây Sơn, Vĩnh Thạnh hay đã vào tận xứ dừa Xuân Lộc, đến tối mịt mới về. Năm nay bà Hồng đã 63 tuổi mà đôi chân dẻo hơn chân cua-rơ, một tháng 30 ngày đều răm rắp, không ngày nào bà rời chiếc xe đạp và cái giỏ sắt. Nhà chỉ mỗi mình bà nên cửa khóa im ỉm quanh năm suốt tháng”.

Câu chuyện ngắn của người đàn ông khiến tôi há hốc, vì dù sức tưởng tượng có tốt đến mấy tôi cũng không thể hình dung một phụ nữ đã 63 tuổi thì sức lực đâu ra để có thể đạp xe mỗi ngày cả trăm cây số như thế. Bởi tôi biết, nếu đạp xe đạp đi huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) phải mất cả buổi, còn xứ dừa Xuân Lộc thì ở tận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cả đi lẫn về, mỗi ngày bà đi hơn trăm cây số như chơi.

“Anh muốn gặp bà Hồng chỉ còn một cách “đón đầu” tại đại lý thu mua chó gần nhà thờ Kim Châu ở thị xã An Nhơn. Ngồi cà phê cà pháo, đợi trưa hoặc chiều bà ấy về cân chó thì mới gặp được”, người đàn ông kia mách.

Anh Nguyễn Văn Cường (48 tuổi), một người có thâm niên gần 20 năm mua chó rong ở Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), đang uống cà phê trong quán góp chuyện: “Ở miền Trung, người đi mua chó toàn đàn ông, tui chưa thấy ai là phụ nữ mà đi mua chó như bà Hồng. Bởi nghề mua chó rong cực lắm, gì chứ chuyện bị chó cắn là thường xuyên. Đàn ông con trai như tui lớ quớ là sẩy mất con chó như chơi, vậy mà bà Hồng ngày nào cũng đi “lút” giỏ 4 - 5 con. Trong nghề mua chó rong, bà Hồng là “siêu sao”.

Sau đó, tôi phải ngồi cà phê quán ấy thêm 3 buổi trưa nữa mới gặp được bà Hồng. Hôm ấy bà đi gần, nên khoảng 11 giờ trưa là đã về một “cuốc”. Đúng như lời anh chủ quán mách, bà Hồng ghé vào quán ven đường để ăn trưa. Gọi là ăn trưa nhưng thật ra quán này chẳng có gì, chỉ có mì tôm và bánh tráng nướng. Trưa ấy bà Hồng ăn mấy cái bánh tráng nướng nhúng mềm, chấm vưới nước mắm.

Bà Hồng luôn mua được nhiều chó

Quán chỉ 2 người khách, tôi và bà Hồng. Câu chuyện của 2 thực khách lỡ đường trong quán nhỏ dễ thân mật. Đến bây giờ tôi mới được biết tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Hồng.

Nhắc đến chuyện vì sao bà “bén duyên” với nghề mua chó, bà Hồng kể với giọng buồn buồn: “Năm tui mới 15 tuổi cha mẹ đã ép gả chồng. Ở với chồng được 3 năm, tui sinh một lèo 3 đứa con. Tuy là mẹ của 3 đứa con rồi nhưng khi ấy tui còn khờ lắm, chồng ra ngoài bồ bịch mà tui không biết. Đến khi ông ấy bỏ nhà đi với người đàn bà khác, tui mới tá hỏa.

Mới 18 tuổi 1 nách 3 đứa con tui không biết làm gì để sinh sống. Mua bán thì không có vốn. Hồi đó có nhiều gia đình muốn cho những con chó cắn gà, cắn dép, ăn vụng, vậy là tui đến bắt rồi chở đi bán cho mấy tiệm bán thịt cầy ở Quy Nhơn. Không bỏ vốn mà kiếm ra tiền nên ham. Vậy là từ đó tui đạp xe đi rao mua chó, ai cho thì bắt, ai bán thì mua, thành cái nghề cho tới bây giờ. Từ sau ngày giải phóng đến nay kể cũng đã 42 năm tròn. Cách đây khoảng 15 năm, khi con chó thành món hàng thương phẩm thì nghề này làm ăn khấm khá hơn”.

Nghề hao nước mắt

Khi đã trở thành “siêu sao” mua chó, cuộc sống của bà Hồng trở nên thong thả hơn nhờ kiếm được khá tiền. Tuy nhiên, đối với bà Hồng đây là cái nghề chẳng đặng đừng vì nếu không làm thì không còn kế sinh nhai nào khác, và vì dù nghề này kiếm ra tiền nhưng cũng rất “hao” nước mắt.

Bữa trưa của bà Hồng chỉ là mấy cái bánh tráng nướng chấm nước mắm

“Phận mình đã khổ, đi mua chó tui gặp nhiều phận đời còn khổ hơn. Thời buổi này chăn nuôi gì cũng thua lỗ, gà heo xuống giá vùn vụt, nông dân bỏ trống chuồng chẳng dám nuôi con gì. Mấy sào ruộng mỗi mùa cho chục bao lúa ai nào dám bán, để dành đủ gạo ăn giáp hạt. Đến khi con cái nộp tiền học, hoặc phải đi đám cưới bà con hàng xóm, nhiều người phải bấm bụng bán đi con chó nuôi trong nhà lấy tiền xoay xở. Bán con chó 10kg cũng được 400 ngàn, đi được cái đám cưới, còn thừa đi chợ được vài ba bữa”, bà Hồng chia sẻ.

Đã có không ít lần bà Hồng phải rơi nước mắt trong “thương vụ” mua bán chó. Hôm ấy, bà Hồng mua được con chó thứ 2 trong ngày. Trong lúc tay trái bà mở nắp giỏ, tay phải kẹp con chó mới mua bỏ vào giỏ thì con chó mua trước từ trong giỏ nhảy thóc ra ngoài, chạy một hơi mất tích. Bà Hồng cầm chắc đã mất toi hơn 500 ngàn đồng vì con chó to đến hơn 10kg. Bà buồn bã đạp xe quay lại nhà đã mua con chó ấy, cách đó những 3km. Khi bà vừa đến ngõ nhà, lập tức bà nghe trong vườn tiếng chó sủa vang trời, đúng là con chó vừa sẩy ra khỏi giỏ của bà. Mặc dù được cậu con chủ nhà hơn 10 tuổi ôm ve vuốt nhưng chú chó vẫn cứ lồng lộn khi nhìn thấy bà Hồng.

Bà chủ nhà, người vừa bán cho bà Hồng con chó từ trong nhà đi ra, tay cầm sẵn mấy tờ tiền, nói: “Gần tết rồi, tui bán con chó để mua cho con mấy bộ đồ mới. Đi học về không thấy con chó đâu, nó lăn ra khóc bù lu bù loa. Vừa lúc đó con chó chạy xộc vào nhà, tui biết là chị làm sẩy. Thôi, kể như chuyện mua bán giữa tui và chị không thành, tui gửi tiền lại cho chị vậy. Chị thông cảm, con trai tui quí con chó lắm, bán chó mua đồ mới cho nó mà nó lăn ra đau bệnh còn tệ hơn”.

“Khi ấy tui thấy cổ họng mình nghẹn cứng, chỉ biết cầm tiền đạp xe đi mà nước mắt cứ chảy ròng”, bà Hồng bộc bạch.

Bà Hồng cân chó cho đại lý thu mua

Đi đâu cũng bị chó ghét

Đang mùa nắng nóng mà thấy bà Hồng mang đôi ủng đi mưa, lấy làm lạ, tôi hỏi như để xua tan chuyện buồn bà Hồng vừa kể: “Trời nắng quá, lại phải đạp xe đi đường dài mà chị mang chi đôi ủng cho nóng chân và nặng nề vậy?”.

Lúc nào bà Hồng cũng mang ủng đi mưa để khỏi bị chó cắn

Bà Hồng cười, nói: “Mình đi mua chó nên lũ chó ghét lắm, đạp xe đi đến đâu là lũ chó trong những căn nhà ven đường túa ra sủa vang trời, gặp những con chó dữ chúng còn nhào vô cắn. Thanh niên đi mua chó bằng xe máy thì còn rồ ga vọt chạy tránh chúng được, mình đi xe đạp nếu không mang ủng chúng cắn hoài hoài có ngày dính bệnh dại cũng chết”.

DƯƠNG LAM

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tam-su-cua-nguoi-dan-ba-42-nam-lam-nghe-khien-lu-cho-rat-ghet-post209108.html