Tâm sự của những người lầm đường, lạc lối

Mặc dù được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lừa phỉnh của các đối tượng phản động nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn hàng chục trường hợp người dân tộc thiểu số vượt biên sang Thái Lan. Họ bỏ quê hương đất nước ra đi vì nghe các đối tượng phản động nói, qua bên đó lao động sẽ có thu nhập cao, cuộc sống sung sướng và được tổ chức Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa đi nước thứ 3 định cư, cuộc sống sẽ an nhàn, hạnh phúc hơn ở quê hương, nhưng sự thật nào có phải như vậy!

Siu Suin (bên trái) đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày tháng sống tha phương, khổ cực trên đất Thái. Ảnh: Tiểu Mai

Vượt biên sang Thái Lan từ đầu tháng 5-2018, sau hơn 3 tháng sống chui lủi, đói khát, khổ cực, Siu Suin (trú tại làng Yon, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) vừa được lực lượng Công an giúp đỡ quay về với gia đình. Để thực hiện chuyến đi, Siu Suin phải trả cho các đối tượng môi giới dẫn đường hơn 20 triệu đồng. Số tiền ấy, đối với người dân miền núi như anh phải vất vả lao động nhiều năm mới dành dụm được. Vẫn chưa hết bàng hoàng, Siu Suin kể cho dân làng nghe về cuộc sống khốn khó ở Thái Lan. Anh phải đi phụ hồ làm việc hơn 12 giờ/ngày, nhưng tiền công nhận được khi quy ra tiền Việt chỉ là 280.000 đồng. "Cuộc sống rất khổ cực, cái gì cũng phải trả tiền, nào là tiền thuê phòng trọ, tiền điện nước, tiền mua đồ ăn... Khi không có việc làm, tiền hết thì ăn cơm với muối ớt để sống qua ngày. Mình thật may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, chứ giờ mà còn ở bên đó, bị Cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù thì còn khổ hơn nữa. Tiền mất thì cũng tiếc lắm, nhưng đổi lại, mình đã được một bài học để đời vì sự nhẹ dạ cả tin”, Siu Suin bộc bạch.

Cùng trở về với Siu Suin còn có người cùng làng là Siu Lim. Ngày Siu Lim bị bọn xấu lừa phỉnh vượt biên qua Campuchia rồi đến Thái Lan, mẹ anh là bà Siu Hbli suy sụp hoàn toàn. Bà không tin con mình sẽ có ngày trở về đoàn tụ với gia đình nên ngày đêm lo lắng cho con, tâm trạng buồn bã, không muốn ăn, muốn ngủ. Thương mẹ và ân hận với việc làm sai trái của mình, Siu Lim trở nên chăm chỉ lao động để nuôi sống gia đình. Những ngày tháng đi phụ hồ ở Thái Lan để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống đã giúp Siu Lim nghiệm ra rằng, ở đâu cũng vậy, phải lao động thì mới có thu nhập, việc không làm mà có ăn, được hưởng cuộc sống sung sướng như lời bọn xấu nói là hoàn toàn bịa đặt.

“Mình nghe người ta đồn là trong tháng 7, tổ chức UNHCR sẽ đưa hết những người dân tộc thiểu số nhập cư trái phép vào Thái Lan qua Mỹ hoặc Canada định cư. Ai không đi sẽ mất cơ hội đổi đời. Tin lời, mình liền xin mẹ 15 triệu đồng tiền tiết kiệm trả cho các đối tượng môi giới để qua Thái Lan. Qua đó được vài ngày, một số đối tượng người dân tộc thiểu số Việt Nam sang trước bắt chúng tôi phải viết bản tường trình vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, cướp đất của người dân tộc thiểu số. Mình thấy việc đó là hoàn toàn bịa đặt nên không thực hiện, mặc dù bị chúng đe dọa, đánh đập dã man. Thế là mình bỏ đi làm thuê cho người Thái, thế nhưng cực khổ lắm. Họ ép công nhân làm việc từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối mới cho về. Có khi họ không trả tiền công, mình xin thì họ báo Cảnh sát Thái đến bắt đi tù. Đến tháng 7 vừa rồi, Cảnh sát Thái Lan truy quét không cho những người nhập cư trái phép đi làm việc nữa, mình phải trốn trong phòng trọ suốt ngày. Để trở về Việt Nam, mình lại phải trả cho các đối tượng môi giới dẫn đường ở bên đó 6 triệu đồng. Hiện nay, rất nhiều người dân tộc thiểu số nhập cư trái phép ở Thái Lan đang rất muốn về nhà nhưng bị bọn xấu khống chế, đe dọa và họ cũng không có tiền để trả cho người dẫn đường”, Siu Lim kể.

Không may mắn như các trường hợp trên, Rơ Ô Muel (trú tại buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) ngoài số tiền bị mất, còn bị Cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù suốt 21 tháng trời. Trở về nhà hơn 1 tháng nay, nhưng Rơ Ô Muel vẫn chưa hết ám ảnh, sợ hãi về những ngày tháng sống cầu bơ cầu bất ở Thái Lan. Anh kể, đầu tháng 4-2015, khi nghe dì ruột là Rơ Ô H’Ui nói, trốn sang Thái Lan làm việc sẽ có tiền công rất cao, Rơ Ô Muel liền xin cha mẹ hơn 25 triệu đồng làm lộ phí. Được các đối tượng môi giới dẫn đường, sau 3 ngày, Rơ Ô Muel và mẹ con bà Rơ Ô H’Ui đã đến được Thái Lan, nhưng số tiền 25 triệu mang theo bị chúng khống chế lấy hết. Tại khu nhà trọ ở Thái Lan, chồng Rơ Ô H’Ui là Ama Yumin và một số đối tượng khác đã khống chế, ép buộc Rơ Ô Muel phải theo “Tin lành Đề Ga”. Quá sợ hãi, Rơ Ô Muel bỏ trốn ra ngoài đi làm thuê kiếm sống thì bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Sau 21 tháng ở tù, Rơ Ô Muel được Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan giúp đỡ đưa về quê hương.

Sau những ngày lầm đường lạc lối, được trở về quê hương và được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con buôn làng, những người hồi cư đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, cảm nhận được giá trị của tự do khi sống trên mảnh đất quê hương mình.

Được biết, đầu tháng 4-2018, chính quyền Thái Lan đã ban hành Luật lao động mới, quy định người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt đến 3.000 USD và có thể chịu đến 5 năm tù giam. Đồng thời, Cảnh sát Thái Lan cũng tăng cường truy quét, bắt giữ tất cả những người nhập cư và người lao động bất hợp pháp. Vì vậy, cuộc sống của người dân tộc thiểu số nhập cư trái phép vào Thái Lan đã và đang rơi vào cùng quẫn, đầy rủi ro và ngày trở về càng mù mịt.

Tiểu Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-su-cua-nhung-nguoi-lam-duong-lac-loi