Tâm sự day dứt của kẻ buôn người

Mỗi khi nhắc đến vợ con, cái dáng cao to quá khổ của Sinh lại đổ gập về phía trước. Sinh bảo lỗi tại mình tham tiền, lười lao động nên vợ mới chán mà bỏ đi lấy người khác.

Từ việc mai mối cho chị gái có chồng

Nếu chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài, chẳng ai bảo Lầu Seo Sinh, SN 1987, ở Bảo Thắng (Lào Cai) là “tông dật” bởi ngoài dáng người cao to trắng trẻo ra, gương mặt Sinh rất có hồn, đặc biệt là đôi mắt một mí sắc lẹm…

Sinh là con trai út của một gia đình khá vai vế ở xã Thái Niên, trên toàn chị gái nên từ lúc lọt lòng đã được chiều chuộng. Cũng vì được nuông chiều nên khi Sinh phụng phịu không đi học như các chị, bố mẹ cũng chiều theo. Một chữ bẻ đôi không biết, thế nhưng nói tiếng phổ thông thì chẳng khác nào người Hà Nội. Hỏi Sinh sao nói giỏi thế mà không biết viết, anh ta gãi đầu cười: “Tại hay đi hát karaoke thôi”. “Không biết chữ sao hát được?”, Sinh cười xòa: “Cần gì biết chữ, nghe chúng nó hát mình hát theo, vài lần là thuộc mà”.

Sinh bảo tại học ở trường cứ phải nghĩ, chữ cái nào cũng có “ờ” đằng sau khó đánh vần. Học theo bài hát thuộc nhanh hơn lại còn được vui vẻ nữa. Lông bông đến năm 17 tuổi thì Sinh có vợ là một cô gái bản bên bị anh ta kéo về. Con nhà giàu lại nổi tiếng ăn chơi nên Sinh có nhiều bạn gái lắm nhưng các mối tình cứ vuột qua cho đến người vợ này. Sinh bảo vợ xinh lắm, con nhà nghèo nên chăm chỉ, hiền lành. Sinh phải rình mãi mới bắt được, đem về cúng ma nhà mình, thế là được vợ. Hỏi có yêu vợ không, anh ta cười, hàm răng trắng nhong nhóc: “Yêu chứ, nó xinh thế mà lại ngoan nữa”.

Kể về việc bán chị gái mình, Sinh nói: “Mình có bán đâu, tìm chồng cho chị đấy chứ. Tiền ấy là được thưởng thôi”.

Chẳng là người chị hơn Sinh 3 tuổi tên Cởn, chồng nghiện chết mấy năm rồi đang ở vậy nuôi con. Thương chị xinh xắn, còn trẻ nên khi được mấy người Trung Quốc gặp trong chợ nhờ giới thiệu, Sinh đã mai mối cho Cởn.

Sinh bảo Cởn có muốn lấy chồng Trung Quốc không, chị gái gật đầu nhưng hỏi Sinh rằng con nhỏ thì ai nuôi. Sinh đáp: “mang cả nó đi luôn”. Vậy là hai mẹ con Cởn khăn gói sang Trung Quốc lấy chồng. Người đàn ông chịu lấy Cởn và nuôi cả con của Cởn đã trả công cho Sinh 20 triệu đồng. Cầm món tiền lớn trong tay, máu tham trong lòng Sinh trỗi dậy. Anh ta hỏi người kia còn ai có nhu cầu mua vợ nữa, anh ta sẽ dẫn sang. Và chỉ sau đó không lâu, Sinh đã lừa bán 3 mẹ con chị Lý Thị Diêu cho một người đàn ông Trung Quốc, được ông ta trả công 10 triệu đồng. Số tiền này Sinh chưa kịp tiêu thì bị bắt và phải trả giá bằng bản án 21 năm tù.

Mỗi khi nhắc đến vợ con, cái dáng cao to quá khổ của Sinh lại đổ gập về phía trước. Sinh bảo lỗi tại mình tham tiền, lười lao động nên vợ mới chán mà bỏ đi lấy người khác. Ảnh: Nguyễn Vũ

Cay đắng vì vợ bỏ đi lấy người khác

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo, thời gian đầu Sinh lao động ở đội trồng rau, hai năm sau thì chuyển về đội đan lát. Nhớ lại ngày đầu tiên vác cuốc ra đồng cuốc đất, trồng cây, Sinh bảo đây là công việc mà ngày ở nhà anh ta chưa bao giờ phải nhúng tay vào. “Ngày ở nhà tôi chỉ có đi chơi, làm gì đã có các chị. Lúc có vợ thì vợ làm. Vào đây mới phải làm nhưng rồi cũng quen, cũng thấy thích”, Sinh kể. Anh ta bảo lắm lúc cũng muốn được về trại gần nhà nhưng rồi lại sợ chạm mặt người quen. Hỏi Sinh có hay được người nhà thăm gặp không, anh ta lắc đầu buồn bã: “Vợ bỏ rồi, dắt cả con trai đi rồi”.

Theo lời Sinh kể thì sau khi việc bán ba mẹ con chị Diêu vỡ lở, Sinh bị bắt nhưng ở nhà vợ và con trai chịu rất nhiều áp lực. Xấu hổ với dân làng nên vợ Sinh đã dắt con bỏ nhà đi. Sinh không biết đi đâu cho đến gần đây, qua một người đồng hương mới nhập trại, anh ta hay tin vợ đã có chồng mới ở bên Lai Châu. “Anh ấy kể là gặp vợ tôi trong một phiên chợ. Bụng cô ấy to như cái thúng, sắp sinh rồi nên chắc chỉ là lấy chồng khác thôi ”, Sinh kể.

Hỏi Sinh sau này ra trại có định đi tìm vợ về không, nam phạm nhân hồn nhiên: “Còn lâu lắm mới được về, mà lúc đó thì nó cũng già rồi, tìm làm gì”. Sinh bảo chỉ tìm con trai về thôi. Anh ta cho biết không trách vợ vì “nó còn trẻ, phải đi tìm người để tâm sự chứ”.

Theo lời kể của Sinh thì thời gian đầu anh ta còn lo nhưng khi biết vợ đã có chồng mới, anh ta chỉ nghĩ đến đứa con nhỏ. Sinh bảo sẽ quyết tâm cải tạo tốt để sớm ra trại, tìm đón con về nuôi. “Em là kẻ xấu cán bộ ạ. Em lừa người ta bán lấy tiền đi ăn chơi, chẳng nghĩ gì đến vợ con nên khi em vào đây, vợ con em nó bỏ. Em không trách nó đâu mà chỉ thương con trai em không biết có được bố mới nuôi dạy cẩn thận không”, Sinh buồn bã.

Nói về công việc của mình ở đội mây tre đan cải tạo, Sinh bảo công việc của anh ta là chẻ giang, tước lạt. Ngày đầu cầm dao chưa quen, Sinh đau tay suốt cả đêm, cái lưng nhức như có người cầm chày dần lên từng đốt sống. Phải mất một tuần hết than thở lại nằn nì xin đổi chỗ làm, cuối cùng Sinh cũng quen với việc phải ngồi một chỗ lao động. Giờ thì Sinh thạo việc chẻ lạt lắm rồi. Anh ta khoe ngày nào cũng đạt định mức, nhớ nhà lắm nhưng mỗi khi nhắc đến nhà là thấy “buốt ở trong óc, chẳng dám nghĩ nhiều đâu vì sợ lại bỏ trốn, tội nặng thêm”.

“Tội lỗi là tại em. Vì em con vợ mới không chịu được sự ghét bỏ của xóm làng nên nó mới phải bỏ nhà, bỏ họ hàng mà đi. Sang Lai Châu sinh sống, nó có dám ở chỗ đông người đâu, suốt ngày ở ngoài rẫy côi cút hai mẹ con nên cuối cùng phải kiếm một tấm chồng để che chở. Giá mà em sống tử tế, chăm chút gia đình thì hai đứa chúng nó đâu khổ như thế”, Sinh than vãn. Anh ta bảo lần đầu nghe người ta kể chuyện về cuộc sống của vợ, cả đêm anh ta không ngủ được vì thương, giờ thì cũng nguôi ngoai rồi.

Dường như đã quen với hành động của Sinh nên anh quản giáo trẻ gần đó ra hiệu cho tôi nên dừng cuộc trò chuyện. Anh bảo nam phạm nhân này thu gọn số ống giang đang chẻ vào một góc xưởng rồi ra tập đan hộp. Nghe thấy nói học đan hộp, Sinh như quên mất câu chuyện buồn của gia đình mình, giãy nảy lên: “Không không cán bộ ơi, em ngoan rồi để cho em chẻ lạt, nhanh hơn chứ đan hộp cái tay em nó không chịu làm”.

Đợi khi Sinh cắm cúi chẻ lạt, anh quản giáo trẻ mới bật mí: “Phạm nhân này trông thế mà hay khóc lắm. Lúc bức xúc quá còn giật tóc, đấm ngực, không chịu ăn uống. Anh ta rất sợ bắt đan hộp nên tôi phải làm thế để anh ta không còn nghĩ tới chuyện buồn mà nảy sinh tiêu cực”. Hiểu ra, chúng tôi thầm nghĩ: đúng là nghề vừa quản vừa giáo dục những kẻ hư, trông thì nhẹ nhàng thế mà không đơn giản chút nào.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-su-day-dut-cua-ke-buon-nguoi-128784.html