Tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất từ 1/11 lúa mì nhiễm cỏ kế đồng

TGTTO Dù đã được cảnh báo từ cách đây 6 tháng, tuy nhiên, lượng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng không những không giảm mà ngày càng gia tăng. Trước các kiến nghị của doanh nghiệp (DN), Cục sẽ tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11 tới đây.

Trước nhiều thông tin trái chiều về việc đề xuất tạm nhập tái xuất các lô hàng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, sáng nay (17/10), Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã có cuộc họp với các bên liên quan, các nhà khoa học để thông tin thêm về loại cỏ này và giải pháp xử lý thích hợp đối với lúa mì nhiễm loại cỏ này.

Đặc biệt nguy hại đến môi trường, sản xuất nông nghiệp

Liên quan đến những nguy cơ đến từ cỏ kế đồng, ông Dương Minh Tú - Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật - Cục BVTV - cho hay: Cỏ kế đồng là loại cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng, xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thì cỏ kế đồng được xem là loại cỏ xâm hại nhất trên trái đất, mang tính toàn cầu. Loại cỏ này thậm chí còn bị xem là loại xâm hại tại nơi xuất xứ của nó và hiện nay chúng đã lây lan gây hại tất cả các châu lục trên thế giới.

Chính vì vậy, nhiều nước và vùng lãnh thổ như Úc, Braxin, Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan… xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho chúng xâm nhập, lây lan theo hàng hóa nhập khẩu vào trong nước. Ngay tại Hoa Kỳ, dù loại cỏ này đã xuất hiện và gây hại phổ biến nhưng vẫn được xếp vào danh sách nhóm 1 - các loại cỏ gây hại nguy hiểm và xâm hại vì rất khó phòng trừ và khả năng lây lan rất nhanh. Tại Mỹ, hàng năm, loại cỏ này làm giảm năng suất, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế hàng chục triệu USD và mất thêm hàng chục triệu USD chi phí phòng trừ chúng. Ngoài ra, do loại cỏ này nên nhiều quốc gia hạn chế nhập khẩu các nông sản có nguy cơ nhiễm cỏ.

Ngay tại Canada, Hoa Kỳ là những nước loại cỏ kế đồng xuất hiện và gây hại rất phổ biến, nhưng do tác hại rất lớn của loại cỏ này đối với nền sản xuất cũng như nguy cơ mất thị trường xuất khẩu do các nước nhập khẩu cấm nên Hoa Kỳ và Canada cũng đã có quy định pháp luật bắt buộc kiểm soát rất chặt chẽ và liên tục thực hiện các chương trình phòng trừ tốn kém để kiểm soát loại cỏ này. “Ngay tại Hoa Kỳ, trường hợp nếu kiểm tra trên mẫu lấy từ các lô hàng nhập khẩu mà bị phát hiện có hạt cỏ kế đồng thì lô hàng đó cũng sẽ không được cho phép nhập khẩu”, ông Dương Minh Tú cho biết thêm.

DN kiến nghị lùi thời hạn áp dụng tái xuất xuống 6 tháng

Tại cuộc họp, các DN lúa mì trong nước đều có chung kiến nghị đối với Cục BVTV về việc cần có nhưng nghiên cứu kỹ hơn về quy định tạm nhập tái xuất cũng như đề xuất kéo dài thêm thời gian 6 tháng trước khi thực hiện quy định về tạm nhập tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng để DN có thể tìm kiếm nguồn cung hàng cũng như đàm phán đối với các nhập khẩu. Đồng thời, cần có quy định về tỉ lệ % nhất định lúa mì nhiễm cỏ kế đồng.

Nhiều DN cho hay, quy định này sẽ tác động đến sống còn của các DN lúa mì. Với thông tin này, hiện giá bột mì tại thành phố Hồ Chí Minh đã giục dịch tăng giá. Đại diện một DN cho hay, việc thực hiện tạm nhập tái xuất đối với các lô lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ này là rất khó cho các DN. Hiện, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu tấn lúa mì chi phí 1,3 tỷ USD, nếu chuyển sang nhập khẩu bột mì thì sẽ phải chi ra 1 tỉ USD.

Trước các ý kiến của các DN, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV - nhấn mạnh: Từ đầu năm đến nay, chúng ta nhập khẩu 4 triệu tấn lúa mì, thì có 1,6 triệu tấn nhiễm loại cỏ này. Dù đã được cảnh báo từ cách đây 6 tháng, tuy nhiên, lượng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng không những không giảm mà ngày càng gia tăng. Nếu tháng 5 chỉ có vài lô hàng thì đến tháng 8 kiểm đếm đã có khoảng 1,6 triệu tấn lúa mỳ nhiễm cỏ.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam trước hết là ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường. Sau đó, nguy cơ một loạt thị trường các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam sẽ lần lượt đóng sập lại hoặc bị kiểm soát gắt gao hơn. Khi loại cỏ kế đồng đã được đưa vào danh mục thực vật nguy hại, bị cấm ở nhiều quốc gia.

“Chúng tôi chưa có bất cứ văn bản nào nói cấm hay ngừng nhập khẩu các lô hàng lúa mỳ, chỉ yêu cầu các DN phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn không để loại cỏ này xâm nhiễm vào VN. Nếu tình trạng khắc phục không được cải thiện, Cục BVTV sẽ kiên quyết yêu cầu tái xuất các lô hàng và đây là điều bình thường theo thông lệ, quy định của quốc tế”, ông Trung nói.

Sẽ không có % nào lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng

PGS. TS Nguyễn Kim Vân - Chuyên ngành BVTV - một lần nữa khẳng định: Cỏ kế đồng vào Việt Nam thì sẽ rất nguy hại. Đây là vấn đề lợi ích lâu dài, lợi ích đất nước. Đây là nhiệm vụ quốc gia. Khi cỏ này đã xâm nhiễm vào Việt Nam thì chữa không kịp. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Ông Vân cho hay, không có chuyện đối tượng đã là đối tượng kiểm dịch rồi còn đưa vào nghiên cứu. Sẽ không có % nào lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng. Đặc biệt, hiện nay, vấn đề cỏ dại là vấn đề quan trọng, việc phòng chống vô cùng tốn kém. Do đó, phải thực hiện tái xuất không chỉ đối với lúa mì mà cần phải kiểm soát chặt trên các loại nông sản nói chung.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ Thưc vật nói: "Các nước trên thế giới rất quan ngại đến các sinh vật ngoại lại. Chúng ta đang cân nhắc về thiệt hại vài triệu USD hay vài tỉ USD. Nhưng đây chỉ là đánh giá của DN. Tuy nhiên, ở góc độ nhà khoa học, thì nó ảnh hưởng đến 50 triệu nông dân, và nguy cơ “đóng sập” cánh cửa xuất khẩu nông sản là rất lớn. Việt Nam chưa nhiễm loại cỏ này là việc cực kỳ may mắn. Do đó, việc tái xuất, ngăn chặn không cho vào Việt Nam là việc phải làm."

Tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất từ 1/11

Khẳng định lại lần nữa đây là vấn đề kiểm dịch thực vật chứ không phải vấn đề an toàn thực phẩm. Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa có văn bản nào công bố cấm nhập khẩu hay tạm ngừng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Chúng ta phải dựa vào quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, điều kiện thực tế để có quy định cho phù hợp.

“Quốc tế không ai làm như vậy, EU chỉ cần 5 lô hàng nhiễm sinh vật gây hại là họ sẽ cấm ngay lập tức. Trong khi đó, Việt Nam mới nâng lên 1 bước đó là tái xuất. Chúng ta cũng đã có 1 lộ trình gần 6 tháng để cho DN chuẩn bị”, ông Hoàng Trung nói.

Tuy nhiên, trước kiến nghị lùi lại thời hạn 6 tháng, các nước cũng muốn lùi thời hạn để 2 bên đàm phán, tìm giải pháp tháo gỡ. Ông Hoàng Trung cho hay, sẽ tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất từ 1/11. Còn khi nào áp dụng biện pháp tái xuất hoặc các biện pháp khác thì sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT.

Với 3 thị trường xuất khẩu lúa mì lớn của Việt Nam là: Mỹ, Nga và Canada, Cục sẽ đàm phán đề bàn giải pháp để có thể đạt được phương án giải quyết. Nếu không đạt được thỏa thuận, Cục sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT để đưa ra những quyết định cuối cùng về tái xuất hay tạm ngừng nhập khẩu. Các DN cần chia sẻ và chuẩn bị kế hoạch việc tái xuất hoặc tạm ngừng. Nếu áp dụng hình thức tái xuất, Cục sẽ thông báo trước cho DN ít nhất trước 1 tháng.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tam-thoi-chua-ap-dung-hinh-thuc-tai-xuat-tu-1-11-lua-mi-nhiem-co-ke-dong-15333.html