Tạm thời chưa khảo sát hộ nghèo

(Chinhphu.vn) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm thời chưa tổ chức triển khai việc khảo sát hộ nghèo trên địa bàn để chờ chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi cả nước theo chuẩn nghèo dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015.

Được biết, trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch hướng dẫn các địa phương tiến hành khảo sát hộ nghèo theo mức dự kiến chuẩn nghèo mới, trên phạm vi cả nước. Theo kế hoạch, Bộ sẽ tổ chức tập huấn phương pháp, công cụ và quy trình rà soát hộ nghèo cho các tỉnh, thành phố vào cuối tháng 8/2010 tại 3 khu vực: các tỉnh phía Bắc (tại Hà Nội); các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); các tỉnh phía Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh). Chuẩn nghèo là thước đo (hay tiêu chí) để xác định ai là người nghèo hoặc không phải người là nghèo. Cho đến nay, nước ta đã 5 lần điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo. Chuẩn nghèo hiện hành được ban hành theo Quyết định số 170/2005/QĐ -TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ dựa trên cơ sở xác định nhu cầu chi tiêu tối thiểu để duy trì hoạt động lao động và sinh hoạt bình thường của con người trong cuộc sống. Theo Quyết định số 170/2005/QĐ - TTg, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 -2010 như sau: Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống; khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống. Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm xuống còn 31,2%; 75,2% xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản; 83,6% số xã có đủ trường, lớp tiểu học kiên cố. Cơ bản các xã có trên 90% học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường; 100% xã có trạm y tế; 91,8% số xã có điện. Kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010) hồi đầu năm 2010 cũng cho thấy, sản xuất nông nghiệp của vùng đặc biệt khó khăn có bước phát triển nhờ áp dụng giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; các tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi. Những nơi đoàn giám sát đến làm việc đều có đủ trường lớp, các xã có trên 90% học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường; cơ sở y tế được cải thiện. Đa số các xã đặc biệt khó khăn có thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4%, cao hơn bình quân cả nước 2 lần. Về chuẩn nghèo dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, theo truyền thông đưa tin thời gian qua, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã dự kiến phương án chuẩn nghèo mới ở mức 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị; 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Nếu theo chuẩn này, nước ta sẽ có khoảng 3,3 triệu hộ nghèo, tương ứng với 16,5 triệu người nghèo. Chuẩn nghèo do Chính phủ ban hành là mức tối thiểu. Từ cơ sở này, các tỉnh, thành phố có thể ban hành chuẩn nghèo riêng để áp dụng cho địa phương với nguyên tắc tự cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo với đối tượng tăng thêm. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng. Hiện trên cả nước có 9 tỉnh, thành phố áp dụng mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Phước, Long An. Ở Hà Nội, chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là từ 330.000 đồng/người/tháng trở xuống (áp dụng trong giai đoạn 2009- 2013). Tại TP Hồ Chí Minh, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống), không phân biệt nội thành, ngoại thành (áp dụng trong giai đoạn 2009 – 2015). Mai - Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tam-thoi-chua-khao-sat-ho-ngheo/20109/35729.vgp