Tâm thư của ông bố 9X gửi ông bà chuyện can thiệp ăn dặm ở trẻ đầy xúc động, truyền cảm hứng mạnh khiến các mẹ ầm ầm chia sẻ

Theo anh Hiếu, (sống tại Hà Nội) ông bà và bố mẹ đều mong muốn những điều tốt nhất cho trẻ, tuy nhiên có những quan niệm cho trẻ ăn dặm của ông bà đã không còn hợp hoàn cảnh, khiến việc nuôi con của mỗi cha mẹ trở nên áp lực, căng thẳng.

Anh Hiếu tâm sự, những ngày vừa qua, anh nhận được nhiều chia sẻ của các bà mẹ gọi điện bật khóc vì stress. Nguyên nhân là sự mâu thuẫn trong cách nuôi con với ông bà.

Sợ con còi, thích bụ bẫm đang ám ảnh lên việc nuôi con của các bạn trẻ, họ phải nuôi con để hài lòng mong muốn của ông bà, chứ không phải đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các em bé.

Anh Hiếu và bé Ken (Ảnh: NVCC)

Anh Hiếu và bé Ken (Ảnh: NVCC)

Ông bà cũng đang có những nỗi sợ này, làm cho cuộc ăn dặm của cháu mình trở nên căng thẳng, xem tivi, youtube hay bé rong cháu cả giờ đồng hồ mới được bát cháo. Càng ngày, việc cho cháu ăn càng khó khăn thì anh Hiếu cũng mong nhân duyên cho bức thư này đến được với ông bà trước khi sự biếng ăn trở nên đỉnh điểm.

“Mình mong rằng, điều gì không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại mong ông bà ghi nhận. Ngày nay, khi đi ra ngoài hay thỉnh thoảng bắt gặp 1 vài video trên mạng xã hội, ông bà sẽ thấy một số em bé đang rất nhỏ tự cầm tay bốc ăn, thậm chí 1 tuổi cầm thìa, nĩa ăn như người lớn.

Một trong số đó chính là con của mình và hàng ngàn em bé khác đang theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm kiểu Nhật. Cái phương pháp mà ông bà đang sợ bé hóc đó ạ.

Mình biết các ông bà rất yêu thương cháu mình. Trước đây bà của Ken cũng yêu thương bao bọc Ken như vậy. Nhưng để yêu thương và lo lắng, mà làm cho các cháu vui, các cháu thông minh, tự lập thì phải bằng sự trải nghiệm, không chỉ riêng Ken mà còn rất nhiều đứa trẻ khác. Do đó, mình xin phép được chia sẻ kỹ hơn về phương pháp ăn dặm này, cũng như giải thích 3 cái nỗi sợ trên. Với một mục đích duy nhất là giúp cho “mỗi bữa ăn của con là một niềm vui”.

Ông bố trẻ cho rằng, ông bà nào cũng thương cháu nhưng đang có những quan điểm ăn dặm không còn hợp hoàn cảnh (Ảnh: NVCC)

Phương pháp ăn dặm Tự chỉ huy (Tên tiếng anh: Baby-led Weaning và Gọi tắt là BLW):

Đây là phương pháp ăn dặm cho phép em bé tự bốc đồ ăn, do đó không hề có thức ăn xay nhuyễn. Bé ngồi ăn trên bàn cùng với gia đình trong bữa ăn và tham gia ăn cùng với mọi người khi bé đã sẵn sàng, dùng tay bốc thức ăn trước và sau này tự đút mình bằng muỗng (thìa, nĩa, dao) rồi tiếp tục là giai đoạn cầm đũa.

Bé có thể ăn chung hầu hết món ăn tốt cho sức khỏe cùng với gia đình. Ví dụ như trái cây, rau, thịt, pho mai, trứng nấu chín kỹ, bánh mì (hoặc bánh mì nướng), gạo, mì và hầu hết các loại cá. Chọn loại thức ăn nào mà dễ cắt thành que hay cọng dài khi mới bắt đầu ăn dặm.

Cung cấp cho bé nhiều loại thức ăn khác nhau cho bé cơ hội khám phá các mùi vị và kết cấu khác nhau để đảm báo bé nạp đủ dinh dưỡng cần thiết.

Về phương pháp kiểu Nhật cũng là phương pháp hiện đại, độ thô tăng dần từ trạng thái lỏng, nhưng khác hẳn so với truyền thống cũ, là tách riêng từng loại thức ăn chứ không phải lẫn hết vào nhau.

Bé Ken được tập ăn BLW rất khoa học (Ảnh: NVCC)

Quay trở lại với 3 “nỗi sợ” của ông bà, anh Hiếu đưa ra phân tích cụ thể như sau:

Sợ hóc

“Thông thường, những mối lo lắng về sự cố nghẹn xuất phát từ việc nhìn thấy các bé ọe ra thức ăn. Ọe là động tác nôn nhằm đẩy thức ăn ra khỏi đường hô hấp nếu miếng thức ăn đó quá to không thể nuốt được.

Ở người lớn, phản xạ ọe được kích hoạt gần mặt sau của lưỡi. Chúng ta phải đưa ngón tay vào tít phía sau cổ họng mới ọe ra được. Tuy nhiên, phản xạ này được kích thích nhanh hơn ở lưỡi, và cách xa với đường hô hấp của bé 6 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé 6 hoặc 7 tháng tuổi ọe thức ăn ra, điều đó không có nghĩa là thức ăn đến quá gần đường hô hấp của bé và rất hiếm khi bé bị nghẹn”, bố Ken giải thích.

Phản xạ ọe có thể là một phần của quá trình bé học cách xử lý thức ăn, một cách an toàn khi bé nhét quá nhiều thức ăn vào miệng. Hoặc ấn vào sâu quá trong miệng, bé sẽ học được cách không làm vậy nữa. Vì vậy các bé không được phép khám phá thức ăn ngay từ đầu, có thể bỏ lỡ cơ hội vận dụng phản xạ này để giúp bé học cách để thức ăn tránh xa đường hô hấp.

Ọe không phải là vấn đề đáng lo lắng, mà cần phải nhớ rằng về bản chất: phản xạ này là đặc tính an toàn mà các bé cần trải qua. Để đem lại hiệu quả, bé phải ngồi vũng và thẳng lưng trong ghế ăn dặm.

Sợ con còi

Giai đoạn mới ăn dặm, cho tới khoảng 9 tháng thì lượng sữa mẹ hay sữa bình vẫn được giữ nguyên. Bé tập ăn thô nhằm phát triển các kĩ năng cần thiết, để làm quen với các thực phẩm khác nhau, các hương vị mới và cuối cùng sẽ sẵn sàng cho giai đoạn phụ thuộc vào lượng ăn dặm (tầm trên 1 tuổi).

Nhiều bố mẹ thực sự stress, bị ép dặm thêm sữa công thức, men tiêu hóa các kiểu,… cũng chỉ vì trông cháu không được bụ bẫm, tuy nhiên việc ông bà so sánh cân nặng giữa các bé sẽ khiến nhiều mẹ bị phân tâm. Sự phát triển của em bé không phụ thuộc mỗi yếu tố cân nặng mà còn chiều cao, vòng đầu, vận động. Và tốt nhất là hãy quẳng cái cân đi để sống, ông bà hãy nhìn sự vui vẻ, hạnh phúc, sự hào hứng của các cháu để đánh giá.

Một điều nữa: Không chịu ăn không có nghĩa là sẽ luôn tồn tại việc tăng trưởng kém. Trên thực tế, nhiều bé biếng ăn vẫn có thể tăng trưởng ở mức bình thường nếu đánh giá đúng. Hơn nữa, trẻ không chịu ăn nên được hiểu là biếng ăn tạm thời, có thể các bé đang mải học kĩ năng, trừ khi có tác động tâm lý lên hành vi này.

Sợ con không nhai được

Với nỗi sợ này của ông bà, anh Hiếu cũng chia sẻ chi tiết rằng, ở độ tuổi 6 tháng này, hầu như các em bé mới chỉ có 1 – 2 cái răng, thậm chí là chưa có, tuy nhiên vấn đề không ở chỗ đó, mà các bé vẫn có thể cắn hoặc gặm thức ăn chỉ đơn giản là dùng lợi của mình. Các bà mẹ đã từng bị con cắn bằng lợi chắc quá rõ điều này.

Do đó, mong ông bà cần hiểu rằng, biếng ăn hầu hết là tạm thời, nhưng nếu chúng ta tác động quá nhiều lên tâm lý trẻ lúc ăn (Ví dụ: ép trẻ ăn hoặc dụ dỗ trẻ khi ăn) sẽ có thể ảnh hưởng lâu dài đến việc biếng ăn của trẻ. Hãy suy nghĩ những cách làm trẻ có thể hứng thú, học được hành vi ăn uống, hơn là tìm cách cho trẻ ăn thật nhiều trong từng bữa ăn như:

- Cho cháu vận động trong giờ chơi

- Luân phiên thay người giúp cháu ăn. Thực tế nhiều ông bố có những kỹ năng đặc biệt để giúp trẻ chịu ăn

- Ăn cùng gia đình

“Một sai lầm rất nhiều ông bà thường mắc phải đó chính là sự kỳ vọng. Thời gian đầu các bé học kĩ năng là chủ yếu, thời gian làm quen, không nên cho các con ăn lúc đói, vì không làm được các bé sẽ cáu, không chịu ngồi. Dần dần khi em bé hiểu được ăn là để no, thì ba mẹ mới cho vào giờ ăn chính thức.

Mình chỉ hy vọng rằng, ông bà và con dâu, con đẻ sẽ có những giây phút bình tĩnh ngồi lại, đưa ra một quyết định đúng và nhất quán áp dụng ngay lập tức. Đừng để cháu của mình ở giữa ngã ba ngã tư, không biết chọn con đường nào”, bố Ken nhấn mạnh.

Ông bố trẻ cũng gửi lời khuyên đến các mẹ chưa dám cho con ăn dặm theo BLW rằng: Vì con chúng ta không sinh ra lần thứ 2, vì con không tự nhảy vào cuộc đời của chúng ta, mà chính chúng ta quyết định việc sinh con. Vậy nếu bạn chưa có kiến thức thì đầu tư ngay mấy cuốn sách, chúng ta có thể kiếm tiền bằng cái túi rỗng, chứ không thể nuôi con với cái đầu rỗng. Và nếu đã có kiến thức rồi thì luôn nhớ rằng: “Nếu bạn thực sự muốn, bạn sẽ tìm cách. Còn nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do”.

Bên cạnh đó, những người làm chồng làm cha cũng có tiếng nói vô cùng quan trọng. Nếu được, các anh hãy cùng san sẻ với vợ, còn không hãy chỉ cần ủng hộ thì người phụ nữ cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Muốn có một em bé hạnh phúc thì trước hết người mẹ cần hanh phúc.

Lê Huyền

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/tam-thu-cua-ong-bo-9x-gui-ong-ba-chuyen-can-thiep-an-dam-o-tre-day-xuc-dong-truyen-cam-hung-manh-khien-cac-me-am-am-chia-se-20200303150725122.htm