Tâm thư kiến nghị bỏ mô hình học 'vẹo cổ, lác mắt' gửi Bộ trưởng

Mô hình học sinh vẹo cổ, lác mắt, cô giáo khản cổ, rát họng… nhưng lại khiến học sinh “không hiểu gì” là những bức xúc của một giáo viên mong muốn gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

“Phần chìm” khó khăn

Kính gửi tân Bộ trưởng, tôi biết Bộ trưởng mới nhậm chức, sẽ có rất nhiều điều phải quan tâm lo lắng, sẽ có rất nhiều chính sách phải ban hành, sửa đổi, sẽ có rất nhiều thứ phải điều chỉnh liên quan đến vận mệnh ngành giáo dục.

Tuy nhiên, chỉ mong ông một lần lướt qua các diễn đàn của giáo viên, lắng nghe những ý kiến thật nhất của họ về những vấn đề mà chỉ ở đó - nơi mà... không ai biết mình là ai, họ mới dám nói thẳng, nói thật về những bất cập trong giáo dục. Mạng xã hội, nói là ảo nhưng không hề ảo, nếu ông nhìn nó bằng cái tâm. Tôi tin rằng, những lời gan ruột của thầy cô trong đó, nếu ông chỉ lắng nghe hiệu trưởng nói, phòng giáo dục báo cáo, sở giáo dục trình bày thì sẽ không bao giờ thấy được. Cái tôi muốn nói đến nhiều nhất là mô hình trường học mới VNEN.

Tôi là một giáo viên có hơn 15 năm giảng dạy tiểu học ở khu vực phía Bắc, trường của tôi hiện phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số, các em hầu như thuộc diện có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Việc duy trì được các em đến lớp thường xuyên cũng là rất khó khăn.

Khi có VNEN, điều tôi nhận thấy rõ ràng nhất là học sinh đến lớp đều hơn vì được hỗ trợ tiền ăn trưa từ dự án. Học sinh dân tộc cũng mạnh dạn hơn trong các hoạt động giao tiếp, sách của chương trình cũng “3 trong 1” nên học sinh đỡ phải mang vác nặng nề; vì học 2 buổi/ ngày nên các em cũng không còn bài tập về nhà...

Đủ tư thế ngồi trong lớp học theo mô hình VNEN.

Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà lãnh đạo các trường thường mang ra để báo cáo trong thành tích thực hiện mô hình. Còn vô vàn những khó khăn mà thầy cô và học sinh phải đối mặt thì chưa bao giờ được nhắc tới trong các báo cáo.

Thứ nhất, mô hình không phù hợp với sĩ số quá tải của lớp học ở Việt Nam. Đa số các lớp học có 45 - 50 học sinh, diện tích lớp khoảng 50m2. Khi thực hiện mô hình VNEN, cô giáo phải loay hoay mãi không biết nên kê bàn ghế theo “mâm” như thế nào cho vừa. Bàn ghế thiết kế cho học sinh tiểu học thì toàn ghế dính liền với bàn vừa khó di chuyển, vừa tốn diện tích.

Các em phải ngoẹo cổ, ngoẹo lưng khi vừa phải quay học theo nhóm vừa phải nhìn lên bảng mỗi khi nghe trình bày hoặc giảng. Nhìn các em khổ sở với các tư thế học hành, nhiều khi tôi chỉ ước có thật nhiều tiền để mua cho mỗi em một cái ghế xoay 360 độ. Hoặc không thì xây thêm phòng học, chia nhỏ các lớp, mỗi lớp chừng 20 em thì may ra mới bớt khổ.

Sự thực không như là mơ

Ông Bộ trưởng cũ nói, VNEN lấy học sinh làm trung tâm, giảm rất nhiều áp lực cho giáo viên, giáo viên chỉ hướng dẫn và giảng giải kiến thức khi học sinh không hiểu. Nhưng... sự thực không như là mơ. Nếu trước đây, để 1 lớp đông như thế học tập có nề nếp đã khó, nay còn khó gấp bội. Cho các em ngồi “mâm” học thì ít, nói chuyện thì nhiều, học sinh tiểu học thì hiếu động, chỉ cần một em “phá đám” thì cả nhóm như cái chợ vỡ, một lớp 6 nhóm 6 cái chợ.

Không phải là thảo luận làm bài, chỉ 1-2 bạn trong nhóm đó làm, còn lại là chơi và chờ... trưởng nhóm. Chính vì thế, mỗi ngày ra khỏi lớp không phải giảng bài nhiều mà giọng tôi như muốn khản, họng đau rát vì “điều hành” mấy cái chợ ấy cho ra ngô ra khoai.

Ngành giáo dục để cho giáo viên được quyền quyết định lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp cho từng đối tượng học sinh, với từng nội dung bài học. Nhưng điều đó khiến giáo viên phải gồng mình hết sức. Đối với giáo viên tâm huyết thì phải liên tục mày mò, tìm tòi, làm các dụng cụ, học liệu và phải “căng mình” kèm học sinh kém. Bởi vì, học theo kiểu này đúng là chỉ tốt cho học sinh khá, giỏi, các em học yếu kém hoặc là ngồi im hoặc là phá bĩnh nhóm học. Có cố tình gọi các em ý đóng góp ý kiến thì các em này cũng chỉ lên bảng rồi đứng... đực mặt ra.

Cuối cùng giáo viên phải nhặt ra một nhóm gom lại cuối buổi học để giảng giải thêm. Nhưng rồi chỉ cần rời khỏi trường học là chữ rơi đằng chữ vì về nhà không có bài tập để ôn lại. Giáo viên thường than thở với nhau, phải chăng VNEN là “Vì Nó Em Ngu”? Ngành giáo dục cũng đã quay cả video các tiết học mẫu cho giáo viên tham khảo và áp dụng. Nhưng đúng là chả ở đâu giống ở đâu cả. Nếu giáo viên không có tâm, mặc kệ học sinh muốn hiểu thế nào thì hiểu sẽ nguy hại đến đâu?

Một giáo viên tiểu học tại Cao Bằng

“Tân Bộ trưởng cứ thử làm khảo sát cho giáo viên, học sinh VNEN đưa ý kiến nhưng được giấu tên thì sẽ biết kết quả thực như thế nào. Lãnh đạo các trường vùng cao vẫn sẽ nói VNEN tốt đẹp tuyệt vời chỉ vì nhờ nó mà... học sinh được ăn no. Nhiều thầy cô cũng sợ sau khi dự án kết thúc, học sinh sẽ bị cắt hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, không có tiền ăn các con sẽ nghỉ học hàng loạt... Do đó, dù khổ sở vẫn cố gắng “nhắm mắt làm ngơ”" .

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tam-thu-kien-nghi-bo-mo-hinh-hoc-veo-co-lac-mat-gui-bo-truong-673356.html