Tâm thư nữ y tá ở bang thảm họa New York: Bao giờ bình yên mới trở lại nước Mỹ?

'Tôi tâm niệm khoảng thời gian trước đây là khoảng thời gian bình yên, bởi khi Covid-19 bùng phát, nước Mỹ như thể bước vào thời chiến'.

Đó là những dòng tâm sự của Simone Hannah-Clark, nữ y tá đang làm việc tại Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở New York, Mỹ. New York đang trong “tâm bão” với 103.476 ca nhiễm và 3.218 người chết do Covid-19. Các bác sĩ, y tá phải làm việc ngày đêm để đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2.

Đội ngũ y tế đang oằn lưng chống dịch. (Ảnh: Eleni Kalorkoti)

Đội ngũ y tế đang oằn lưng chống dịch. (Ảnh: Eleni Kalorkoti)

Cuộc chiến dai dẳng

Tôi tỉnh giấc trước khi báo thức kịp kêu. Tự pha một tách cafe, rửa mặt và phun chất khử mùi hai lần. Thứ hóa chất ấy không thể xua đi mùi mồ hôi khó chịu, nhưng tôi vẫn thử. Chồng và các con tôi vẫn đang ngủ. Tôi cố gắng ăn, bụng dạ quay cuồng khi tưởng tượng đến những gì sẽ tới trong hôm nay.

Không khác gì nhau cả, ngày nào cũng như ngày nào. Những bệnh nhân chuyển biến nghiêm trọng, và họ đều bị nhiễm Covid-19.

Khoảng thời gian trước dịch, đối với tôi, là khoảng thời gian bình yên, bởi khi dịch bệnh bùng phát, Mỹ cứ như thể bước vào thời chiến. Tôi phải rất cẩn trọng trước kẻ thù dai dẳng này. Chúng vô hình, tàn nhẫn và tấn công bừa bãi.

Tôi là một trong số hàng nghìn y tá đang làm việc tại ICU ở New York. Chúng tôi không phải những người hầu gái hay một thiên sứ được cử xuống trần thế. Chúng tôi đều chuyên nghiệp với nghĩa vụ của mình, biến những kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thành hành động, đặt câu hỏi khi có vấn đề phát sinh ngoài ý muốn, tìm ra giải pháp cho bệnh nhân.

Y tá đánh giá và quan sát, đặt vấn đề và điều chỉnh. Chúng tôi luôn đứng ở trận địa giữa bệnh nhân và kẻ thù.

Đi tàu điện hay Lyft (một ứng dụng gọi taxi phổ biến ở Mỹ)? Tôi phân vân trước mỗi ca trực. Tôi thấy không an toàn khi đi tàu, bởi nó quá vắng vẻ lúc này, nên tôi chọn Lyft. Tôi đón bạn trên đường đi, thảo luận về “kẻ thù vô hình” đang tấn công bệnh nhân kia. Điểm đến của cả hai đều là Covid ICU, nơi chúng tôi gắn bó và đã có cảm giác thân thuộc.

Chúng tôi có cuộc thảo luận nhanh để trao đổi về tình hình bệnh nhân, ai đang ở tình trạng nặng nhất, ai sắp sửa có chuyển biến xấu, ai đã có gia đình liên hệ và yêu cầu thông tin cập nhật, thiết bị nào đang thiếu. Chúng tôi đeo khẩu trang N95, thứ gắn liền với y tá suốt cả ngày.

Mỹ đang khổ sở vì thiếu dụng cụ y tế, số người chết lên tới hàng nghìn người mỗi ngày.

Tôi không được phân công bệnh nhân cụ thể nào. Tôi là y tá đa năng, làm một loạt công việc. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là chăm sóc thi thể một bệnh nhân nhiễm bệnh vừa qua đời. Chúng tôi chứng kiến cô ấy chết từ từ trong vài ngày qua. Đội ngũ y tế đã làm mọi thứ có thể. Lúc này, trong phòng chỉ còn tôi và một đồng nghiệp.

Đó là công việc thật nghiệt ngã. Chúng tôi quấn chặt thi thể bệnh nhân, vuốt trán và cầu nguyện cô ấy bình an ở cõi vĩnh hằng. Đồng nghiệp của tôi sẽ tháo trang sức của bệnh nhân để gửi lại cho con gái cô.

Tôi phải thu dọn đồ đạc bệnh nhân, vì lực lượng an ninh không được phép vào đây. Lần lượt ví, bản kế hoạch hay dụng cụ vệ sinh của cô ấy được mang đi. Chỉ một tuần trước, cô ấy vẫn tràn đầy sức sống với tương lai, với những dự định và có đôi môi tô son dưỡng vị anh đào.

Nhiều quốc gia đã và đang đối diện tình trạng quá tải bệnh nhân.

Tôi dành vài giờ tiếp theo để tìm cách nhân đôi sức chứa ICU. Làm thế nào để lắp đặt 2 giường, 2 máy thở, 2 màn hình theo dõi trong mỗi phòng? Chúng ta lấy thêm màn hình ở đâu, liệu ICU có đủ máy thở cho bệnh nhân?

Chúng tôi nhận thêm vật tư y tế. Tôi và đồng nghiệp có thêm áo choàng, gấp đôi số găng tay và thêm một lớp bảo vệ để phủ lên khẩu trang N95. Đây là thiết bị bảo hộ của đội ngũ y tế.

Chúng tôi lại bắt đầu chuỗi công việc quen thuộc và công phu trước đây: chuyển một bệnh nhân từ cáng lên giường, cởi quần áo và đánh giá toàn diện cơ thể. Đồng nghiệp của tôi giúp anh ta theo dõi nhịp tim và nhận biết các dấu hiệu nhiễm bệnh, trước khi đặt ống thông tiểu và hai đường truyền tĩnh mạch.

Chúng tôi tắm rửa cho bệnh nhân và kiểm tra những vết thương ngoài da, lót kỹ phần dưới gót chân và lưng để ngăn các khu vực chịu áp lực đau đớn vì nằm giường, rồi đặt ống thông dạ dày qua miệng để truyền dinh dưỡng khi bệnh nhân phải thở máy.

Các điều dưỡng phía ngoài phòng thiết lập đường ống cho máy bơm truyền dịch để chúng tôi có thể kiểm soát giọt truyền từ xa, không cần trực tiếp mặc đồ bảo hộ để theo dõi. Đó là cách chúng tôi “phát minh” để giữ an toàn cho bản thân, thật kinh ngạc!

Giờ tháo đồ bảo hộ đã đến. Chúng tôi cẩn thận vệ sinh tấm chắn mặt, để vào túi giấy để tái sử dụng. Sau một giờ, tôi và đồng nghiệp đều toát mồ hôi, khuôn mặt hằn lên vết khẩu trang N95. Nỗi lo lắng lại thường trực: liệu mình đã cẩn thận khi tháo đồ chưa, vì đó là khẩu trang và tấm chắn duy nhất còn cho cả ngày, mình rửa tay đủ sạch, đủ lâu chưa…

Tiếp theo, tôi gặp bác sĩ để thảo luận về phác đồ điều trị, những thay đổi và bổ sung, gọi cho nhà thuốc để kiểm tra kỹ các loại thuốc. Tôi cần một thiết bị và mà đang không thấy ở đâu, một trợ lý như thể đọc được suy nghĩ của tôi và tìm thấy nó ngay lập tức.

Tôi đọc tài liệu, trong khi một điều dưỡng viên thực tập mặc đồ bảo hộ và đặt ống thông động mạch, thiết bị đặc biệt giúp theo dõi huyết áp, động mạch và đánh giá khả năng hô hấp của bệnh nhân. Tôi cũng thảo luật về kết quả với bác sĩ ở ICU, rồi trở lại để thay đổi cài đặt máy thở cho bệnh nhân.

Video: Tổng thống Trump cảnh báo có thể có 200.000 người thiệt mạng do Covid-19 ở Mỹ

Hy sinh thầm lặng

Vẫn còn một tiếng rưỡi nữa trước khi đổi ca. Tôi muốn về nhà, nhưng thật khó để nhấc chân rời ICU. Còn quá nhiều thứ phải làm. Chúng tôi luôn nói với nhau rằng điều dưỡng là công việc 24/24.

Chúng tôi giao ca cho các y tá trực đêm, rồi tháo giày và rửa sạch. Tôi cùng đi xe về với bạn, nhưng khác với buổi sáng, chúng tôi không nói chuyện nhiều. Tôi nhìn chằm chằm ra ngoài cây cầu Brooklyn ở thành phố xinh đẹp của mình, tự hỏi bệnh nhân nằm ở giường 8 đang làm gì, và liệu hòa bình có trở lại?

Tôi bước vào nhà, để giày ở cửa, xịt khử trùng và đằm mình dưới vòi hoa sen. Lũ trẻ đã ngủ, còn chồng tôi đang nở nụ cười, nhưng hiểu rằng chúng tôi không thể chào nhau cho đến khi tôi tắm rửa, chà xát sạch sẽ từ đầu đến chân. Sau đó, tôi và chồng giữ khoảng cách và ngủ ở 2 phòng khác nhau.

Gương mặt y tá ở Italy hằn những vết xước do đeo khẩu trang và dùng thiết bị bảo hộ quá nhiều.

Sẽ có những ngày không suôn sẻ khi bệnh nhân chuyển biến xấu, hay ICU thiếu người làm. Dù vậy, chúng tôi giữ nguyên phương pháp với mọi bệnh nhân, lần này đến lần khác, ngày này qua ngày khác. Bệnh nhân cứ tiếp tục kéo đến. Họ nhiễm bệnh, một số người qua đời, có già, có trẻ.

Chăm sóc bệnh nhân là nỗ lực của tập thể. Chúng tôi đều sợ hãi và đau đớn, nhưng khi bệnh nhân cải thiện tình hình và có thể rời ICU, đó là chiến thắng của tất cả. Làm việc nhóm là cách thúc đẩy đội ngũ điều dưỡng ở ICU. Các y tá chiến đấu cho bệnh nhân và luôn biết sau lưng vẫn có ai đó hỗ trợ mình.

Các bác sĩ là kiến trúc sư trưởng của bệnh viện, còn chúng tôi là thợ xây, nỗ lực làm việc giữa bộn bề hỗn loạn. Chúng tôi cố gắng xây dựng, ngay cả khi kẻ thù vô hình kia đang cố gắng phá bỏ công sức của mình.

Chúng tôi sẽ luân phiên nhau tiếp tục chiến đấu, nhanh chóng và tận tụy bằng cả trái tim.

Hồng Nam (Nguồn: NYTIMES)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-lieu/tam-thu-nu-y-ta-o-bang-tham-hoa-new-york-bao-gio-binh-yen-moi-tro-lai-nuoc-my-ar538039.html