Tâm tình của cha mẹ có con LGBT: 'Hãy cho chúng tôi thời gian để chấp nhận sự thật'

Việc công khai với cha mẹ của người LGBT không bao giờ đến từ một phía. Đó là một cuộc chiến thật sự chống lại định kiến của xã hội và chỉ thành công khi cả 2 phía, phụ huynh và người LGBT, cảm thông cho nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn.

Chiều 22.10, hội thảo Hành trình hiểu về nhau đã được diễn ra tại khách sạn Sen Việt. Đây là một hoạt động thường niên do hội Phụ huynh và Người thân của cộng đồng LGBT Việt (gọi tắt là PFLAG) tổ chức với mục đích tạo ra cầu nối giữa những người đồng tính, song tính và chuyển giới với cha mẹ của họ, từ đó giúp cho 2 bên thấu hiểu lẫn nhau. Kể từ buổi chia sẻ lần đầu tiên vào năm 2014, Hành trình hiểu về nhau (trước đây là 'Hành trình hiểu về con') đã đi qua 20 tỉnh thành và thu hút hàng ngàn người tham gia trong 3 năm qua.

Bà Tiêu Hạnh Nhi, phó Chủ tịch hội PFLAG, khai mạc buổi hội thảo

Ngồi ở hàng ghế đầu là những phụ huynh có con là người LGBT

Hội thảo diễn ra trong không khí ấm cúng và thân mật

Bên cạnh những bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT, hội thảo lần này tại TP. HCM còn có sự tham gia của khoảng 20 phụ huynh có con LGBT đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Bình Dương, Long An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Nha Trang, Vũng Tàu...

Mở đầu chương trình, những người con của các thành viên trong hội PFLAG đã lần lượt chia sẻ về trải nghiệm thuộc cộng đồng LGBT của mình. Theo đó, hầu hết đều nhận ra bản thân "khác thường" từ rất sớm và thường xuyên vấp phải sự trêu chọc, kỳ thị từ những người xung quanh. Tuy nhiên, tất cả lại có cùng một điểm chung. Đó chính là nỗi sợ hãi không biết làm cách nào để công khai với cha mẹ. Có người công khai thành công ngay từ lần đầu tiên nhưng cũng có người phải mất tận 5 năm với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Bạn Phan Minh Nhật (áo vàng) cho biết: "Em cũng chỉ biết rằng mình khác so với những người khác. Cho đến năm 15 tuổi thì em tự thốt lên: 'Tại sao vậy? Tại sao mình lại… kỳ cục vậy?' Cảm giác lúc đó rất là hoảng hốt. Em sợ cả chính bản thân mình, không dám đối mặt với điều đó".

Chị Huỳnh Nguyễn Tố An (32 tuổi) là một người chuyển giới khá nổi tiếng tại TP. HCM. Trong buổi hội thảo lần này, chị có dẫn theo mẹ đến tham dự.

Kể về trải nghiệm phải ra đời mưu sinh từ rất sớm do bất đồng với gia đình, Tố An không khỏi nghẹn ngào và bật khóc

Ở phần tiếp theo, những phụ huynh được các bạn LGBT đề cập đến trước đó lần lượt bước lên sân khấu. Sự thay thế tinh tế này đã khiến cho khán giả bên dưới cảm thấy thích thú. Bà Đinh Thị Yến Ly, Chủ tịch của hội PFLAG, cho biết: "Buổi hội thảo lần này hơi khác so với những lần trước. Bởi vì đây là lần đầu tiên chúng tôi để cho các bậc phụ huynh chia sẻ nhiều hơn câu chuyện từ phía họ, thay vì tập trung quá nhiều đến các con. Mục đích là kêu gọi sự cảm thông từ những người LGBT. Hãy cho cha mẹ thời gian, đừng quá gấp rút mà không nghĩ đến cảm nhận của họ".

Thông thường, khi một người LGBT công khai với cha mẹ mà gặp phải phản ứng tiêu cực đều bày tỏ sự lo lắng, buồn bã, thậm chí là tức giận. Họ cho rằng phụ huynh "cổ hũ", "ích kỷ", "cứng nhắc" hoặc "không yêu thương con cái vô điều kiện". Thế nhưng, về phía những người làm cha mẹ, họ cũng có những nỗi niềm riêng.

Ông Nguyễn Tấn

Ông Nguyễn Tấn, cha của một người song tính nam, cho biết: "Tôi là người miền Trung nên rất coi trọng truyền thống gia đình. Thằng con trai duy nhất là cháu đích tôn của cả dòng họ nhưng lại nói rằng nó là người song tính. Sau khi chấp nhận cái sự thật ấy xong, tôi còn phải đi 'công khai' với ông bà nội. Mẹ nó khi ấy 'trốn' mất dạng, báo hại chỉ có mình tôi đối diện với 2 người lớn nhất nhà".

Bà, mẹ của Huỳnh Nguyễn Tố An, cho biết: "Tôi đã mất gần 2 năm mới có thể chấp nhận được thực tế đứa con trai của mình là chuyển giới. Nhiều đêm nằm xuống mà đầu óc nghĩ lung tung. Rồi sau này nó sẽ sống như thế nào, công việc làm ăn ra sao, ai sẽ yêu thương nó... Ôi đủ thứ hết. Nhiều lúc đâm ra nghĩ quẫn luôn".

Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc

Câu chuyện của bà Đinh Thị Yến Ly là "ác liệt" nhất. Sau khi phát hiện ra cuốn nhật ký của con trai cách đây 10 năm, bà đã sử dụng quyền làm mẹ để ép con trai sống theo ý mình. Không những bắt đốt cuốn nhật ký, bà Ly còn đem con trai đi khắp nơi để "chữa bệnh". Thậm chí, bà còn sẵn sàng "từ" con nếu như anh chàng không chịu nghe lời. Bà Ly chỉ chịu bỏ cuộc sau gần 5 năm cố gắng không thành và dần nhận ra chuyện con trai đồng tính vốn là thuộc về tự nhiên, là thứ không thể thay đổi.

Bà Ly cho rằng phụ huynh cũng có sự sợ hãi của riêng mình. Biết con đồng tính rồi đó nhưng làm thế nào để công khai chuyện này với gia đình nội ngoại 2 bên, còn bạn bè và đồng nghiệp nữa. Trong một xã hội vẫn còn kỳ thị gay gắt thì việc có con LGBT đôi khi cũng đồng nghĩa với việc chính mình là LGBT vậy. Theo bà Ly, cả 2 bên cần phải thông cảm cho nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bà Cao Thị Minh Nguyệt (giữa)

Mặc dù vậy, cũng có những phụ huynh như bà Cao Thị Minh Nguyệt và bà Tiêu Hạnh Nhi chấp nhận con mình ngay lập tức. Điều duy nhất mà họ lo sợ chính là thái độ của xã hội dành cho con cái của mình.

Sau phần chia sẻ của các phụ huynh trên sân khấu, một người đồng tính nam ở hàng ghế khán giả đã đứng lên gửi lời xin lỗi đến mẹ của mình đang ngồi kế bên. Anh cho rằng bản thân vì sợ hãi trong lúc công khai mà đã thực hiện nhiều hành vi quá đáng trong quá khứ khiến cho cha mẹ buồn lòng. Tâm tình của anh đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía khán giả và khiến cho nhiều người trong khán phòng rớt nước mắt.

Lời xin lỗi của chàng trai trong ảnh đã khiến cho mẹ của anh ngồi bên cạnh bật khóc

Các thành viên của hội PFLAG Việt Nam

Buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều cảm xúc khác nhau dành cho những người tham gia. Sắp tới, Hành trình hiểu về nhau sẽ tiếp tục đi đến Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Long An.

Bài và ảnh: Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/lgbt-c-131/tam-tinh-cua-cha-me-co-con-lgbt-hay-cho-chung-toi-thoi-gian-de-chap-nhan-su-that-74280.html