Tâm tình của người lính Tây Nam

Phải nói thật rằng cho đến nay, đã tròn 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1979-2019) nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm tái hiện lại hình ảnh, tinh thần, tâm tư của người lính trong giai đoạn ấy.

Một khi nói chưa nhiều tức vẫn có. Vâng, năm 1989, nhân chào mừng quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về, hầu hết trên báo chí, đặc san văn nghệ đều có thơ văn kịp thời phục vụ cho sự kiện quan trọng này. Dù các sáng tác ấy đáng quý, cần thiết nhưng do phải kịp thời đáp ứng thời sự nên không ít nhà văn, nhà thơ sau những đợt nhanh chóng đi "thực tế sáng tác" chỉ mới dừng lại ở "cưỡi ngựa xem hoa". Vì thế, đọc những gì họ cảm nhận khiến công chúng lẫn người lính chúng tôi cảm thấy nhẹ hều, chưa thể hiện được những sự khốc liệt và bi tráng của cuộc chiến nơi "đất khách quê người". Một cuộc chiến chỉ có người lính đối đầu trực tiếp với kẻ thù dã man khủng khiếp nhưng hậu phương đất Mẹ lại từ phía bên kia biên giới.

Bìa những cuốn sách: “Mùa linh cảm”, “Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn), “Mùa xa nhà” (Nguyễn Thành Nhân) và “Rừng khộp mùa thay lá” (Nguyễn Vũ Điền)

Bìa những cuốn sách: “Mùa linh cảm”, “Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn), “Mùa xa nhà” (Nguyễn Thành Nhân) và “Rừng khộp mùa thay lá” (Nguyễn Vũ Điền)

Vậy, đã là người trong cuộc, trực tiếp có mặt tại chiến trường K sao các anh không viết đi? Chần chừ gì nữa?

Thưa, chúng tôi cần độ lùi thời gian để có cái nhìn tỉnh táo và bao quát hơn. Dù chưa nhiều nhưng đã có tác phẩm của cựu chiến binh: Phạm Sỹ Sáu, Sương Nguyệt Minh, Thanh Nguyễn, Huỳnh Kim, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Vũ Điền, Trung Sỹ… Nói cách khác, bức tranh về chiến trường K nhìn từ nhiều góc độ đã được dựng lại với sự đa sắc, đa cung bậc tình cảm. Có thể nói, đây chính là một dòng văn học dù ít, dù nhiều đã góp phần tái hiện lại những năm tháng gian nan nhưng chan chứa nghĩa tình đồng đội, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của "Anh Bộ đội Cụ Hồ" lúc tác chiến ở "đất bên ngoài Tổ quốc".

Cái nhìn đó cực kỳ hấp dẫn người đọc bởi cảm nhận, cảm xúc của người viết đã từng là lính, từng trải qua năm tháng nhọc nhằn, chết chóc mà sự trở về của họ để nay có thể bình tâm ngồi viết chính là nhờ máu, xương thịt của đồng đội, của một lớp người chết trẻ, "liệt sĩ trinh tiết" đã chết thay họ. Do đó, một khi viết về ngày tháng đó, cũng chính là lúc người viết tri ân đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì tinh thần nghĩa vụ quốc tế.

Trong tinh thần bổ sung cho dòng văn học viết về năm tháng đó, nay NXB Trẻ ấn hành tác phẩm của 3 cựu chiến binh: "Mùa linh cảm", "Mùa chinh chiến ấy" (Đoàn Tuấn), "Mùa xa nhà" (Nguyễn Thành Nhân) và "Rừng khộp mùa thay lá" (Nguyễn Vũ Điền). Đây là những ấn bản mới có bổ sung, sửa chữa - độ lùi thời gian khi nhìn về cuộc chiến đã cho phép tác phẩm được viết đầy đủ hơn nữa, dài hơn nữa.

Thiết nghĩ, không phải ngày 27-7 hằng năm mới là dịp đền ơn đáp nghĩa mà lòng biết ơn được ý thức từng ngày. Vì lẽ đó, tôi tin rằng một khi tìm đến 4 ấn bản này, bạn đọc sẽ hài lòng, sẽ hiểu nhiều hơn nữa về chân dung người lính ở chiến trường K. Và không chỉ đọc một lần, còn đọc lại nhiều lần nữa. Để biết rằng đã có một thời, một thế hệ đã sống như thế. Sống vì sự sống của một dân tộc anh em, đời đời thân thiện và hữu nghị: Campuchia. Lẽ sống ấy cao quý và hướng thiện biết bao nhiêu…

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tam-tinh-cua-nguoi-linh-tay-nam-20190802204548069.htm