TÂM TÌNH 'HƯƠNG'

Nhân đọc bài 'Hương' của Duy Nguyễn đăng trên trang thơ Người làm báo – mồng 2 tết Canh Tý 2020.

Đất trời đã vào xuân. Mưa giăng khắp trời Hà Nội. Dường như, dịch cúm corona không ngăn được sự cựa mình, trỗi dậy của những chồi non căng tràn nhựa sống, của hương đất trời thoang thoảng sắc xuân. Không gian ngập tràn hương. Hương đất trời tạo hóa. Hương cuộc sống nhân sinh. Hương huyền tích lịch sử và đặc biệt hơn cả đó chính là “hương lạ” cứ vấn vương, quấn quýt không nỡ rời xa.

Chỉ một chữ “Hương”, nhà thơ Duy Nguyễn đã thâu tóm trọn vẹn hương thanh tao, thầm nhẹ đến khẽ khàng của xuân.

Em là hương rừng

Gọi ong hút mật”

Nếu không thấy hình ảnh đàn “ong hút mật”, liệu khách thơ có cảm nhận được “hương rừng” chăng? Dường như, “hương rừng” thiên nhiên ấy mỏng, nhẹ tới mức dễ khiến ta vô tình. Cám ơn mẹ thiên nhiên đã gửi những chú ong đến như một lời nhắc khéo. Kìa, hương.

Em là hương bưởi

Tóc mềm mát thơm...

Ong gọi hương rừng, tóc mềm gọi hương bưởi. Từ không gian xa xôi, níu tâm người về không gian đời thường, thơm mát “hương bưởi”. Thoang thoảng đâu đây giai điệu “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/... Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”. Phải chăng, cái “mát thơm” của “hương bưởi” là đường link gắn kết tâm với tâm. Không để cảm xúc miên man, tỏa dài theo dấu hương, Duy Nguyễn đã khéo léo buông điệp ngữ “Em là hương” lặp tới hai lần trong một khổ thơ ngắn 16 chữ. Phải chăng điệp ngữ ấy như lời nhắc, lời khẳng định của thi sĩ về sự hiện diện của hương với muôn hình muôn vẻ trong cái se lạnh lắc rắc mưa bay?

Hương đi từ rừng, hương về miền quê, hương đến xứ Huế, hương sang đất Hà Tĩnh anh hùng

. Xứ Huế - Hương Giang

Thuyền nan trôi nhẹ

Hà Tĩnh – Hương Khê

Rừng Lim trùng điệp...”

Hương hiện diện trong từng địa danh. Huế mộng, Huế mơ với dòng sông Hương nổi tiếng, dòng sông thơm như người xưa thường nói, vẫn lặng lẽ, hiền hòa thả “Thuyền nan trôi nhẹ”. Chợt văng vẳng câu hò “Hương Giang ơi, dòng sông êm. Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình”. Mềm mại và dịu êm phải chăng là đặc tính riêng có của sông Hương?

Hương non nước, hương tình người, hương của những chiến công nối dài mạch sống dân tộc. Là con dân Việt Nam, ai chẳng biết đến Hương Khê – vùng an toàn khu của Liên khu 4, nơi sục sôi hào khí 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngược dòng lịch sử, cũng chính khởi nghĩa Hương Khê, đỉnh cao của phong trào Cần vương cuối thế kỷ 19, đã nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, hồn cốt dân tộc. Hương yêu nước ấy như mạch máu đỏ, chảy mãi trong lòng người Việt.

“Khẽ khàng xuân sang

Hương tình man mác

Tay trong tay nhau

Khói hương trầm mặc...”

Thoang thoảng “hương trầm” thanh tao tỏa bay trên mái chùa cổ kính. Xuân sang rồi. “Hương trầm” gọi người Việt nhớ về nét văn hóa truyền thống, lễ chùa đầu xuân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho đại dịch sớm qua, nhân dân an cư, lạc nghiệp, để “hương tình man mác”, để “tay trong tay” kết nối lòng người, giao hòa trong đất trời xuân mới.

Ai biết đất trời

Giao thừa mưa đá

Ai biết lòng ai

Vấn vương hương lạ?!...

Lại một lần nữa, Duy Nguyễn sử dụng biện pháp lặp. “Ai biết”. Cũng phải thôi, “Ai biết” được đất trời liên tục đổi thay? “Ai biết” được giao thừa năm nay lại có “mưa đá”? “Ai biết” được lòng người sâu thẳm? Băn khoăn, trăn trở. Nhiều nỗi niềm, nhiều tâm sự, thứ “hương lạ” ấy cứ “vấn vương” nối dài mạch suy tư của tác giả.

Thực tôi cũng tò mò lắm, “hương lạ” ấy là hương gì nhỉ, tại sao chính tác giả lại dùng đồng lúc nhiều loại dấu câu đến vậy khi kết thúc bài thơ. Phải chăng, tác giả như ngầm muốn nối tiếp “Hương” tỏa bay trên nền trời xuân mới, xuân của lòng người, xuân của thế sự???

Xuân 2020 - Bằng Lăng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tam-tinh-huong-n17596.html