Tâm tình lính biên phòng

Những ngày cuối năm, chuyến công tác đã đưa tôi đến với đồn biên phòng Đắk Dang (xã Quảng Trực, H. Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), nơi tiếp giáp với tỉnh Monđulkiri- Vương quốc Campuchia. Tôi hiểu ra rằng, giữa mênh mông bạt ngàn sương trắng, núi rừng, tình người như xích lại gần nhau hơn và chính ở những nơi gian khó như thế, tình yêu thương, tình đồng chí đồng đội càng đáng trân quý...

Những ngày cuối năm, chuyến công tác đã đưa tôi đến với đồn biên phòng Đắk Dang (xã Quảng Trực, H. Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), nơi tiếp giáp với tỉnh Monđulkiri- Vương quốc Campuchia. Tôi hiểu ra rằng, giữa mênh mông bạt ngàn sương trắng, núi rừng, tình người như xích lại gần nhau hơn và chính ở những nơi gian khó như thế, tình yêu thương, tình đồng chí đồng đội càng đáng trân quý...

BĐBP tỉnh Đắk Nông với Chương trình "Nâng bước em đến trường".

BĐBP tỉnh Đắk Nông với Chương trình "Nâng bước em đến trường".

Phải thừa nhận, nghề báo đã cho tôi có nhiều cơ hội trải nghiệm ở các vùng miền khác nhau trên dọc dải đất nước hình chữ S. Trong số đó, có lẽ chuyến hành trình lên biên giới lần này là một kỷ niệm không thể nào quên.

Từ thị xã Gia Nghĩa để đến được với đồn Đắk Dang (Đồn 769, tỉnh Đắk Nông) phải vượt qua quãng đường dài, ngoằn ngoèo dốc núi. Ấn tượng về Đồn Đắk Dang trong tôi là một màu xanh bạt ngàn, trù phú, nào là xanh của núi rừng, của vườn chè và xanh của những luống rau. Có đến với người lính ở vùng núi xa xôi hẻo lánh như thế này mới thấy hết những khó khăn vất vả và những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của họ. Mỗi bước đi là mỗi gian lao, mỗi ngày sống là mỗi thử thách trước khắc nghiệt thiên nhiên, trước nghiệt ngã cuộc sống. Sự xuất hiện của chúng tôi khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ ở đồn ngạc nhiên và vui mừng. Các anh cho biết, đã khá lâu mới có nhà báo lên đơn vị mà nhà báo nữ lại vô cùng... "khan"! Tôi xin phép được bắt đầu câu chuyện ở ngay sân vườn để được tận hưởng khí trời và phong cảnh thiên nhiên, thứ mà ở phố thị là điều vô cùng..."xa xỉ". Trong câu chuyện tôi được nghe là vô vàn những kỷ niệm vui, buồn, về những chuyến tuần tra dưới mưa rừng dai dẳng hay nắng rát mặt bên tàn cây đỏ bụi trong những đợt cao điểm mùa khô. Đó là những lần cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để vừa tuyên truyền, vận động vừa giúp đỡ nhân dân vùng biên ổn định đời sống. Nhiều mô hình khu vực biên giới mà các anh thực hiện như: Giúp dân xóa đói giảm nghèo; Biên giới khúc tình ca; Mái ấm chiến sĩ biên giới; Nâng bước em đến trường; Tiết học vùng biên... đều hướng đến người dân bản địa. Có lẽ vậy mà người dân bon Bu Sóp đã ví "Bộ đội biên phòng là "bà đỡ" thoát nghèo của đồng bào biên giới". Bởi vì, từ chỗ đói ăn, thiếu mặc, nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi làm quen mô hình phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi dưới sự giúp đỡ con giống, vật nuôi của bộ đội biên phòng, từ đó chất lượng cuộc sống đã đi lên.

Khi được hỏi về công tác đón xuân của đơn vị, Thiếu tá Doãn Văn Tiến-Chính trị viên đơn vị cho biết, để giữ bình yên cho nhân dân đón xuân, người lính phải gác lại sự đoàn tụ, sum họp bên gia đình để đón Tết cùng đồng đội trên biên giới. "Với cán bộ chiến sĩ của đồn ai cũng tự hào vì mang trên mình quân hàm xanh. Nhiệm vụ nào được giao đều hoàn thành tốt, cho dù khó khăn, gian khổ đến mấy. Người dân được yên vui, quây quần bên nhau trong ngày tết là niềm vui của anh em chúng tôi", Thiếu tá Doãn Văn Tiến chia sẻ. Tết đến, xuân về cũng là dịp để các đối tượng xấu lợi dụng buôn bán, vận chuyển hàng lậu và xâm nhập biên giới trái phép, vì vậy, ngoài tuần tra, mật phục, các đồn tiếp giáp biên giới còn cử cán bộ, chiến sĩ tới thôn, bon, buôn trọng điểm của địa bàn phụ trách trên tuyến biên giới cùng vui xuân với bà con dân tộc thiểu số để nắm tình hình, kịp thời xử lý khi có vụ việc xảy ra. Thượng tá Rơ Lan Ngân- Phó Chủ nhiệm Chính trị BCH BP tỉnh Đắk Nông bộc bạch: Gần gũi, vui xuân cùng người dân trên địa bàn phụ trách cũng chính là giải pháp bảo vệ bà con đón tết an toàn. Trong khi dân cư trên địa bàn giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên dễ bị kẻ gian lợi dụng. Nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng này, cán bộ chiến sĩ ở các đồn chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật, quy chế biên giới cho nhân dân. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát các đoạn biên giới trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chương trình hỗ trợ bò giống của BĐBP đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Để có những ngày xuân ấm cúng, quan điểm của BĐBP là ngay từ đầu năm đã phải có kế hoạch phát triển kinh tế. Một khi người dân lao động, sản xuất và có thu hoạch thì ngày xuân đến với họ ấm áp hơn. Có gần 20 năm sống và chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất này, Trung tá Phạm Hồng Lam là cán bộ tăng cường của xã Quảng Trực hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Còn nhớ, cái thuở quanh năm chỉ nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa mà không biết đến tiếng xe máy, ô- tô như thế nào, cho đến bây giờ cuộc sống người dân nơi đây đã từng bước chuyển mình. Đã không còn tình trạng đốt rừng làm rẫy, thay vào đó họ nhận sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Biên phòng về các mô hình xóa đói giảm nghèo, từ đó vươn lên làm kinh tế. Ý thức về pháp luật cũng từ đó được nâng cao".

Theo chân cán bộ đồn Đắk Dang "mục sở thị", tôi thực sự ấn tượng với cách giúp dân làm kinh tế của đơn vị. Trong số những người dân tôi gặp là gia đình ông Hoàng Văn Bé (61 tuổi, trú thôn Đắk Huýt, xã Quảng Trực, H. Tuy Đức, Đắk Nông), là gia đình chị Nguyễn Thị Ná (43 tuổi, trú Bon Bu Sóp, xã Quảng Trực) nhờ sự hỗ trợ bò giống, cá giống, gà giống... nay cuộc sống đã ổn định. Ngày chúng tôi đến thăm, ông Bé vui mừng khoe "bò mẹ vừa sinh bê con", còn chị Ná giới thiệu về trang trại vườn-ao-chuồng của chị chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Trong câu chuyển kể về sự "đổi đời" của mình, những người dân nhắc đến đơn vị Đắk Dang với niềm tự hào và lòng biết ơn vô cùng. Điều đó thật dễ hiểu, bởi chính cán bộ đồn Đắk Dang đã góp công lớn giúp người dân để họ có điều kiện thoát nghèo và có được cuộc sống như hôm nay.

Trong chuyến công tác, tôi được các CBCS Biên phòng đưa đến các thôn, bon, buôn, đến những cột mốc, đường biên. Thực sự có đi mới thấu hiểu con đường đầy gian nan thử thách mà những người lính biên phòng phải đi qua. Giữa muôn vàn thử thách gian khó, họ vừa là chiến sĩ, vừa là thầy giáo, thầy thuốc và cũng là cán bộ thôn bản. Và tôi nhớ đến câu nói đầy tự hào của người dân bản địa "có các chiến sĩ quân hàm xanh, mùa Xuân biên cương luôn thêm phần đẹp và ấm áp". Trên chuyến xe trở về nơi phố thị, giữa đại ngàn mênh mông, tôi chợt nhớ đến giai điệu bài hát "Tiếng hát giữa rừng biên cương" của tác giả Dương Nhâm, đâu đó bên vệ đường các loại hoa bắt đầu đua nhau khoe sắc hòa cùng tiếng chim da diết gọi bạn tình báo hiệu một mùa xuân nữa đã về.

Trang Trần

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_201633_tam-tinh-linh-bien-phong.aspx