Tâm trạng của người chăn nuôi ở Huế khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện

Nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cảm thấy lo lắng và bất an khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn.

Liên quan đến việc "Phát hiện đàn heo mắc dịch tả lợn châu Phi", ngày 21/3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn (49 tuổi), một hộ dân chăn nuôi ở thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết. Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, gia đình ông cảm thấy rất lo lắng và bất an bởi kinh tế của gia đình ông tất cả phụ thuộc vào đàn lợn.

Người chăn nuôi heo cảm thấy lo lắng, bất an khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện.

Người chăn nuôi heo cảm thấy lo lắng, bất an khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện.

Theo ông Sơn, mấy ngày qua, khi dịch tả lợn bắt đầu xuất hiện, giá heo liên tục giảm xuống và đứng trước nguy cơ tiếp tục giảm sâu. Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn bệnh dịch lây lan đến đàn heo của mình, gia đình ông đã chủ động mua vôi về khử trùng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

"Trước đó khi dịch chưa xuất hiện, gia đình tôi đã bán hơn 10 con heo thịt, hiện tổng số heo của gia đình còn 30 con, trong đó, hơn 20 con đang độ tuổi xuất chuồng. Tuy nhiên, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gia đình tôi rất lo sợ không biết rồi đàn lợn có bán được không", ông Sơn thở dài.

Đàn lợn của người dân đứng trước nguy cơ bị rớt giá vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, cách nhà ông Sơn không xa là nhà của chị Nguyễn Thị Tường My (41 tuổi), một hộ dân chăn nuôi lợn khác. Chị My cho hay, lúc hay tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, gia đình chị đã chủ động mua vôi bột về rải và phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại nuôi lợn để phòng tránh dịch bệnh.

Chị My chia sẻ, mặc dù gia đình chị cảm thấy rất lo lắng khi đàn lợn đang trong độ tuổi xuất chuồng, tuy nhiên, gia đình chị sẽ không đồng ý bán lợn với giá thấp. " Về vấn đề này, gia đình tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn, như hỗ trợ các loại thuốc để phun, tiêu độc khử trùng nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan", chị My nói thêm.

Lực lượng chức năng tiến hành rải vôi bột trên đường để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng chi cục thú Y tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, đơn vị đã thành lập 9 chốt phòng ngừa, kiểm dịch từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hóa chất dùng để phun tiêu độc khử trùng đã được cấp lên đến 17 tấn, khi người dân phát hiện đàn lợn có triệu chứng mắc bệnh thì cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng đến xử lý.

"Để ngăn ngừa dịch bệnh, người chăn nuôi nên vệ sinh các phương tiện chuyên chở thức ăn cho đàn lợn, hạn chế người đi lại trong các trang trại, các loại thức ăn cần được nấu chín khi cho lợn ăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên tẩy chay thịt heo, bởi những loại thịt heo có nguồn gốc thì không ảnh hưởng gì", ông Hưng nhấn mạnh.

Như tin đã đưa, trước đó, có 3 con lợn nái của vợ chồng ông Tạ Hồng Uẩn và bà Hà Thị Hồng, trú ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị chết với những triệu chứng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau đó, các hộ dân này đã trình báo vụ việc cho chính quyền địa phương, nhận được thông tin, lực lượng chức năng huyện Phong Điền đã phối hợp với các cơ quan trên địa bàn cùng cán bộ thú y vùng III đến khu vực xảy ra lợn chết để lấy mẫu xét nghiệm.

Qua quá trình xét nghiệm, kết quả cho thấy những con lợn này dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, lập tức, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 3 con lợn nái bị chết cùng 2 con lợn nái còn sống của gia đình ông Uẩn.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền xác nhận vụ việc nêu trên, ngoài ra, nhằm tránh tình trạng dịch lây lan, lực lượng chức năng của huyện đã sử dụng 80 lít hóa chất và 2 tấn vôi để tiêu độc khử trùng tại thôn Hiền An và các khu vực lân cận.

Công Định

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-trang-cua-nguoi-chan-nuoi-o-hue-khi-dich-ta-lon-chau-phi-xuat-hien-a426755.html