Tâm trạng dân Qatar trước giờ G

Trong cuộc phỏng vấn với Guardian trước thềm World Cup 2022, người dân Qatar đã thể hiện những tâm trạng khác nhau về sự kiện đặc biệt này, từ háo hức, lo lắng cho đến tức giận.

 Cổ động viên của tuyển Qatar. Ảnh: Reuters.

Cổ động viên của tuyển Qatar. Ảnh: Reuters.

World Cup gây tranh cãi nhất từ trước đến nay ư? Mohammad al-Kuwari nhún vai, thể hiện không quan tâm tới câu hỏi đó.

“Chúng tôi không quan tâm lắm. Họ nói nếu bạn không có kẻ thù thì bạn không thành công. Mỗi người thành công đều có những người ghen tị với họ”, al-Kuwari, công dân Qatar, nói, Guardian đưa tin.

Chỉ còn vài giờ nữa là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sẽ chính thức khai mạc, và Qatar đã chứng kiến hàng loạt hoạt động khai trương: Những con đường, nhà hàng, sân vận động và công viên giải trí, cùng với thành phố Lusail hoàn toàn mới.

Theo chia sẻ của hơn chục người Qatar được Guardian phỏng vấn, họ đang rất háo hức chào đón thế giới đến với World Cup 2022.

Họ là khách của chúng tôi

Reem al-Bader, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cho biết đã dặn các con của mình tôn trọng tất cả vị khách. “Nếu thấy họ làm bất kỳ hành động kỳ lạ nào, chỉ cần bỏ qua. Đừng hét vào mặt họ, đừng thiếu tôn trọng bất cứ ai - họ là khách của chúng ta", Reem al-Bader nói.

Tuy nhiên, trên tất cả, người dân Qatar nói rằng họ tức giận trước cách một số chính phủ và truyền thông phương Tây mô tả về một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử 51 năm của đất nước.

Qatar đã hứng nhiều chỉ trích liên quan đến việc tổ chức World Cup 2022. Trước giờ khai mạc, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Qatar đã để những nhân viên an ninh làm việc liên tục trong nhiều tháng mà không có ngày nghỉ.

Cảnh sát đứng trước một sân vận động trước trận đấu khai mạc hôm 20/11. Ảnh: Reuters.

Nước này cũng phủ nhận cáo buộc lạm dụng người lao động và hối lộ để giành quyền đăng cai, theo Reuters.

“Điều đó làm tôi đau lòng”, Shaikha al-Marri, một nhà thiết kế đồ họa sống ở Doha, cho biết.

Qatar muốn cả thế giới chú ý. Tuy nhiên, họ đã hứng nhiều chỉ trích liên quan đến các luật xã hội, điều kiện không đạt tiêu chuẩn dành cho người lao động và nghi ngờ về việc họ thành công giành quyền đăng cai World Cup.

Trước sự giám sát của chính phủ nước ngoài và các phương tiện truyền thông, độ phủ ngày càng tăng chính là lý do Qatar muốn tổ chức giải đấu này.

Quốc gia này sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới, song họ cũng có cảm giác bất an sâu sắc.

Paul Michael Brannagan, một học giả về quan hệ quốc tế, cho biết số lượng công dân của Qatar chưa đến 350.000 người, chỉ bằng một phần nhỏ so với nước láng giềng Saudi Arabia.

Từ lâu, Saudi Arabia đã coi Qatar là một phần hợp pháp của lãnh thổ của họ, hoặc phải tuân theo đường lối của họ, ông cho biết. Theo Guardian, quốc gia này từng nhiều lần tìm cách kiềm chế Qatar.

Chất xúc tác mang tên World Cup 2022

Trong khi đó, Qatar đã thực hiện chiến lược kéo dài hàng thập kỷ nhằm xây dựng mối quan hệ an ninh và năng lượng với các nước lớn hơn, cũng như việc khéo léo nâng cao vị thế của họ như một điểm đến quốc tế để kết thúc chiến tranh, xem nghệ thuật và xem thể thao.

Theo ông Brannagan, World Cup trước tiên giúp Qatar thể hiện sự độc lập, có chủ quyền và tách hình ảnh của họ khỏi Saudi Arabia.

“Về lâu dài, việc thế giới có cái nhìn tiêu cực về Qatar bây giờ cũng không thành vấn đề. Đằng sau hậu trường, sự kiện này sẽ làm được rất nhiều điều cho đất nước mà họ không thể làm được (nếu không tổ chức World Cup 2022)”, ông nói thêm.

Một cổ động viên của tuyển Qatar trên khán đài hôm 20/11. Ảnh: Reuters.

World Cup là chất xúc tác cho những thay đổi nhanh hơn, sâu rộng hơn ở Qatar, bao gồm cả trong lĩnh vực lao động.

Đối với nhiều người Qatar, vấn đề người lao động rất mơ hồ và gây tranh cãi.

Theo số liệu được Guardian công bố năm 2021, khoảng 6.500 lao động từ Nam Á đã thiệt mạng tại Qatar từ năm 2010. Tuy nhiên, chính quyền Qatar từ chối công bố con số này.

Aisha a-Maadeed, 28 tuổi, một nhà hoạt động môi trường, cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không biết liệu có nhiều người chết hay bị thương hay không”.

Dưới sự giám sát của Tổ chức Lao động Quốc tế, Qatar đã thực hiện các bước đi hướng tới việc cải thiện hệ thống này.

“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong 15 năm qua và giờ đây bất kỳ công nhân nào cũng có quyền tự do thay đổi công việc”, al-Kuwari nói.

Trong khi đó, những người có ảnh hưởng tại Qatar cũng đang cố gắng xoa dịu tâm trạng của công chúng liên quan đến quyền của người đồng tính.

Ngoài ra, khả năng gặp phải hành vi ồn ào của cổ động viên và tình trạng say xỉn nơi công cộng tại quê nhà - hành vi được Qatar kiểm soát gắt gao - cũng là điều mà nhiều người dân nước này nghĩ đến.

Noora Fakhroo, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cho biết bản thân đang giúp con mình hiểu những điều đó có thể xảy ra trước mắt chúng, “để chúng không bị sốc”.

Chửi thề và có cử chỉ xúc phạm, ăn mặc thiếu đứng đắn và hôn nhau nơi công cộng thường có thể bị truy tố ở Qatar.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết họ cảm thấy thoải mái với những gì sắp xảy ra trong thành phố, với niềm tin rằng đó chỉ là tạm thời.

“Điều đó giống như khi bạn tổ chức một bữa tiệc. Ngôi nhà của bạn sẽ không được sử dụng theo cách của bạn, vì có người bên trong. Nhưng khi họ rời đi, bạn sẽ tổ chức lại theo ý muốn”, bà Mubaraka al-Marri, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, nói.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-trang-dan-qatar-truoc-gio-g-post1377150.html