Tâm tư, nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm sau cuộc gặp Chủ tịch TPHCM

Một số người dân Thủ Thiêm cho biết dù đã được trả tiền đền bù từ nhiều năm trước nhưng họ không cần tiền bồi thường nữa và sẽ trả tiền, yêu cầu trả lại nhà vì người dân cho rằng nhà của họ nằm ngoài ranh giới.

Cần khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt

Ngày 18.10, trong cuộc tiếp xúc của Chủ tịch UBND TPHCM với những gia đình có nhà đất trong khu 4,3 ha - được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị cưỡng chế, TPHCM gợi ý ra một vài hướng giải quyết.

Tuy nhiên, đó mới chỉ để ghi nhận ý kiến, sắp tới HĐND TPHCM sẽ họp bất thường để giải quyết chính sách cho người dân Thủ Thiêm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đang trao đổi với người dân Thủ Thiêm sau buổi tiếp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước khi chốt lại phương án đền bù cuối cùng, chia sẻ với PV báo Lao Động, người dân Thủ Thiêm cho biết họ có một số tâm tư, nguyện vọng.

Đối với lời xin lỗi của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, bà Nguyễn Thị Kim Phượng – người dân Thủ Thiêm hơn 10 năm đi kiện đòi đất - cho rằng mình không cần lời xin lỗi từ phía lãnh đạo thành phố mà cần giải quyết khắc phục hậu quả bao năm qua càng sớm càng tốt.

“Nếu chính quyền thực tâm xin lỗi thì phải có hành động là giải quyết rốt ráo và đúng pháp luật, sớm ổn định cuộc sống cho người dân thì chúng tôi mới chấp nhận lời xin lỗi đó” – bà Phượng nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - người dân Thủ Thiêm hơn 10 năm đi đòi đất chia sẻ với PV Lao Động. Ảnh: M.Q

“Để xây dựng phát triển đất nước thì người dân sẵn lòng bắt tay với chính quyền để xây dựng thành phố. Nhưng chính quyền phải làm đúng pháp luật. Giữa nhà đầu tư, thành phố và người dân thì chính quyền nên đặt lợi ích của người dân lên nữa” – bà Phượng chia sẻ.

Người dân Thủ Thiêm muốn về nơi cũ

Trước đó, thông báo trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết, sau khi Sở Tài nguyên - Môi trường cắm ranh chính thức mới, sẽ xác định những hộ nào có nhà đất trong khu 4,3 ha - được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.

Sau khi xác định pháp lý, tổ công tác sẽ nghiên cứu các quy định của pháp luật và cơ bản là hoán đổi đất. Nhưng trước mắt chỉ xác định hoán đổi đất đúng diện tích mà người dân đang có ở vị trí di dời.

Về hơn 300 trường hợp đã được bố trí tái định cư ở vị trí khác, nếu người dân vẫn muốn giữ vị trí đó quận sẽ thẩm định giá tại chỗ và nơi di dời để nhận phần chênh lệch, tránh xáo trộn cuộc sống.

Một số hộ dân Thủ Thiêm cho biết, dù đã được trả tiền đền bù từ nhiều năm trước nhưng họ không cần tiền bồi thường nữa và sẽ trả tiền lại, yêu cầu trả lại nhà vì người dân cho rằng nhà của họ nằm ngoài ranh giới.

Bà Kim Diện - người đã di dời khỏi khu Thủ Thiêm cho biết, ngày đó, nếu gia đình bà không đi thì sẽ bị cưỡng chế. Khi đồng ý chuyển đi, gia đình bà Diện được hoán đổi một căn chung cư 47,26 m2. Nếu không đồng ý hoán đổi, gia đình bà Diện được đền bù 720 triệu đồng, số tiền này thì bà Diện chỉ đủ để thanh toán nợ nần.

“Tôi không hiểu số tiền đền bù này theo quy định nào, nhưng vì tôi bị siết chặt nên phải chuyển đi, chẳng còn sự lựa chọn nào. Nay tôi xin được trả tiền lại cho chính quyền và trở về nơi mình ở trước đây" - bà Diện - chia sẻ.

Bà Kim Diện - người đã di dời khỏi khu Thủ Thiêm muốn trả lại tiền đền bù và về lại nơi ở cũ. Ảnh: Lê Quân

Trong khi đó, bà Lê Thị Cẩm Vân – người dân bị cưỡng chế ở Thủ Thiêm - cho rằng, theo quy định, đất của dân không nằm trong ranh quy hoạch thì không phải đi đâu cả.

“Nguyện vọng của chúng tôi là đất của ai ở đâu thì được về lại nơi đó. Nếu cần thiết phải lấy đất để làm dự án thì phải được Chính phủ cho phép, hủy các quyết định cũ và tính giá đất bồi thường theo mức giá hiện tại” – bà Vân nói.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tam-tu-nguyen-vong-cua-nguoi-dan-thu-thiem-sau-cuoc-gap-chu-tich-tphcm-636950.ldo