Tầm vóc và vị thế Thủ đô ngày càng đi lên vững chắc

10 năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy tầm vóc và vị thế của Hà Nội ngày càng đi lên vững chắc. Kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đưa Hà Nội nằm trong top 10 TP năng động nhất thế giới; diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt; sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Đánh giá về 10 năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhận xét, cùng với việc phát triển toàn diện về kinh tế, nông thôn, văn hóa- xã hội, giáo dục…, công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, quy mô và diện mạo đô thị được mở rộng, ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó an ninh chính trị, TTATXH được đảm bảo; vị thế, vai trò của Hà Nội trong nước, khu vực và quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Nói về những đổi mới của TP 10 năm qua, GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, sự đoàn kết, hòa đồng trong nhân dân nói chung, trong kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính sau mở rộng nói riêng, không còn sự phân biệt vùng miền, trình độ… là thành tựu vượt bậc mà Hà Nội đã làm được. Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2 đến 3 lần, tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều công trình đáp ứng nhu cầu dân sinh, đồng thời khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình. Ảnh tư liệu

Nhìn lại thời điểm trước năm 2008, khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hạ tầng thương mại trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực Hà Tây (cũ) chưa phát triển mạnh. Cả TP có 10 trung tâm thương mại (TTTM), 78 siêu thị và 355 chợ. Trong đó, hầu hết các chợ đều được xây dựng từ nhiều năm trước, đã bị xuống cấp. Sau khi điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, đến nay, đã có 22 TTTM, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện lợi phủ khắp địa bàn TP, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2010-2017 tăng trưởng khá, bình quân đạt 13,7%/năm. Thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Hà Nội giữ vị trí thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI).

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 10 năm qua vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2017 tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Ðến hết năm 2017, Hà Nội đã có tám khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, trong đó có 325 dự án FDI với vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, 304 dự án trong nước với vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng. Doanh thu của các khu công nghiệp năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng ba lần so năm 2008.

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 14, tập trung thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô do Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) tổ chức đã khá lạc quan khi đề cập tới giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Những giá trị văn hóa trên ngày càng được duy trì và phát huy, lan tỏa. An sinh xã hội được bảo đảm; y tế, giáo dục được đầu tư hiệu quả; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ nhân dân...

Cũng tại Hội nghị, dựa trên nhiều ý kiến tham luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là đúng đắn và Hà Nội đã thực hiện hiệu quả, thể hiện bằng kết quả phát triển toàn diện đã đạt được.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô xứng với tiềm năng hiện có, Hà Nội kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô, nhất là khoản 3 Điều 21, đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội kiến nghị tăng phân cấp cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ; Bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính đối với Thủ đô Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát huy tính chủ động, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô...

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tam-voc-va-vi-the-thu-do-ngay-cang-di-len-vung-chac-118719.html