Tân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV ngày 8/4, tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ rõ 4 ưu tiên trong việc cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV ngày 8/4.

Xin chúc mừng Bộ trưởng đã vinh dự được tín nhiệm cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Xin ông cho biết cảm nghĩ của mình khi được cử giữ vị trí trưởng ngành Ngoại giao, ngành đã và đang có vai trò, vị thế ngày càng lớn trong đường lối, chính sách xây dựng, phát triển của đất nước hiện nay?

Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã phê chuẩn danh sách các Bộ trưởng, trong đó, tôi được phân công đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Lúc này, khi trả lời các phóng viên báo chí, tôi rất tự hào, xúc động nhưng cũng phải nói rằng trách nhiệm sẽ rất nặng nề.

Vinh dự, tự hào là bởi vì tôi cũng đã công tác trong ngành ngoại giao trên 35 năm, đã cùng với cán bộ công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao đồng hành cùng với các bộ, ngành hoàn thành tất cả nhiệm vụ của mình.

Đến bây giờ, với tư cách là đứng đầu Ngành, tôi sẽ phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình, lãnh đạo ngành ngoại giao phát huy truyền thống quý báu hơn 75 năm của ngành ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi cũng rất vinh dự, tự hào khi đất nước ta đang có một vị thế, một cơ đồ, một tiềm lực chưa bao giờ được như ngày nay. Với ngành ngoại giao, “nếu như thực lực có thì tiếng chuông vang xa”.

Chính vì thế, khi ngành ngoại giao phát huy được vai trò tiên phong cùng với các lực lượng khác trong đối ngoại, trong đó có đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ cùng các bộ, ngành, thì tôi tin chắc rằng ngành ngoại giao sẽ phát huy được vai trò của mình, đóng góp vào việc thực hiện khát vọng của dân tộc ta, tầm nhìn của Đảng ta là “Việt Nam phải trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong chương trình hành động sắp tới của mình, ông sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào để đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia?

Tôi rất may mắn khi nhận trọng trách là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã diễn ra thành công rất tốt đẹp, trong đó, đề ra đường lối đối ngoại rất cụ thể. Chúng ta kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đồng thời, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta phát huy tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi, theo đó, nhiệm vụ của tôi với tư cách là người lãnh đạo ngành ngoại giao sẽ cần phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn, để thực hiện trong 1-2 năm tới và trong 5 năm tới, 4 ưu tiên.

Thứ nhất, cần phải tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, các nước đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống. Khi chúng ta đã có quan hệ tốt đẹp với các nước này thì chắc chắn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của chúng ta sẽ vững chắc, vững bền hơn.

Thứ hai, đất nước ta đặt kỳ vọng rất lớn vào mục tiêu phát triển đất nước, do vậy, ngoại giao trong thời gian tới phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trong đó, chúng tôi cũng đã xác định ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đều phải phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Ngoại giao kinh tế sẽ là trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho nội lực, vốn là quyết định, song hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hội nhập, phát triển và qua đó thực hiện được mục tiêu khát vọng của mình.

Tôi cho rằng, ngoại giao có thể vừa có vai trò tham mưu vừa hỗ trợ thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện, với 96 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về mô hình phát triển, về hợp tác đầu tư… tranh thủ các nguồn lực, trong đó, có viện trợ không hoàn lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…

Nhưng quan trọng hơn là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành ngoại giao cần phải đi đầu, cần phải có những đột phá mở đường vào các thị trường khác nhau. Vừa là mở thị trường cho đất nước, vừa là áp dụng, tiếp thu những công nghệ mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ ba, như tôi nói ban đầu, vị thế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được nâng lên rất cao. Hoạt động đối ngoại đa phương đang được triển khai rất mạnh mẽ và chúng tôi đặt trọng tâm phải tham gia tích cực, chủ động vào diễn đàn các tổ chức đa phương, để trên cơ sở đó chúng ta tham gia định hình và phát triển các luật chơi khi hội nhập quốc tế. Và chúng ta cũng sẽ có những sáng kiến để nâng cao vị thế đất nước, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Với tinh thần đó, trước mắt, chúng ta phải hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021 và hoàn thành nhiệm vụ của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2021. Chúng ta cũng phải tham gia tích cực vào các hoạt động khác của Liên hợp quốc, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Vấn đề này chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với bên quốc phòng, công an và các bộ, ngành khác để triển khai những hoạt động thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam. Không chỉ ở Liên hợp quốc, tới đây trong các hoạt động của khu vực như ASEAN, APEC, ASEM hoặc các tổ chức khu vực khác, chúng ta cũng tham gia chủ động, tích cực.

Thứ tư, trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta có một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài 5,3 triệu người. Số người đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài cũng ngày càng tăng, nhưng do đại dịch Covid-19 nên mọi hoạt động bị ngừng trệ và công tác bảo hộ công dân cũng phải được tăng cường.

Trước mắt, chúng tôi cũng đặt đây là một trọng tâm rất quan trọng, vừa để kết nối với bà con, cộng đồng ta ở nước ngoài hướng về quê hương để phát triển đất nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần của Nhà nước ta với cộng đồng ở nước ngoài để, trong điều kiện cho phép, bà con được về nước an toàn hoặc yên tâm ở lại nước sở tại.

Các cơ quan đại diện của chúng ta cũng sẽ hỗ trợ tích cực bà con vừa đảm bảo gìn giữ được bản sắc dân tộc của mình, vừa giữ được tiếng Việt, vừa hội nhập tốt với nước sở tại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-141676.html