Tấn công người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hứng 'búa rìu dư luận'

Thế giới lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, cho rằng đây là hành động xâm lược, có thể dẫn đến 1 thảm họa nhân đạo lớn.

Chiều 9/10 (theo giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chính thức phát lệnh tấn công lực lượng vũ trang người Kurd tại Đông Bắc Syria, sau 1 thời gian dài chuẩn bị, với chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân hòa bình”.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới với Syria hôm 8/10. Ảnh: AFP.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới với Syria hôm 8/10. Ảnh: AFP.

Ngay lập tức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành không kích, pháo kích và đưa quân đổ bộ tràn sang biên giới Syria. Thế giới đã lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chiến dịch là hành động xâm lược, có nguy cơ dẫn đến 1 thảm họa nhân đạo lớn “chưa từng có” và sự hồi sinh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 9/10 cho biết, mục đích của chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” là “phá hủy hành lang khủng bố đang được thiết lập ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, mang lại hòa bình cho khu vực”.

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng không quân và pháo binh đã tiến hành tấn công Đông Bắc Syria ngay khi có lệnh từ Tổng thống. Vài giờ sau đó, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cùng khí tài quân sự mới tràn sang khu vực phía Đông sông Euphrates của Syria. Khoảng 14.000 quân thuộc lực lượng phiến quân “Quân đội Syria Tự do”, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn từ lâu, cũng đã di chuyển từ Tây Bắc sang Đông Bắc để hỗ trợ chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến hết đêm 9/10 (theo giờ địa phương), 181 cứ điểm của lực lượng vũ trang người Kurd đã bị tấn công. Đã xuất hiện những báo cáo ban đầu về việc hàng chục người thương vong và hàng nghìn người dân phải di tản, chạy trốn.

Trước những diễn biến căng thẳng nhhư vậy và mối quan ngại về 1 đợt leo thang quân sự nghiêm trọng mới tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tiến hành họp khẩn ngay trong ngày 10/10, theo đề xuất của 5 nước, gồm Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan. Nhiều khả năng, cuộc họp sẽ đưa ra một tuyên bố chung lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Là 1 phần của cuộc chiến, Lực lượng người Kurd Syria hôm 9/10 đã lên tiếng kêu gọi Mỹ thiết lập 1 vùng cấm bay tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, lực lượng này đã để ngỏ khả năng hợp tác với chính phủ Syria và Nga để đẩy lùi chiến dịch mà họ gọi là xâm lược. Tuy nhiên, thực tế, cả 2 nguyện vọng của người Kurd Syria đều khó có khả năng xảy ra.

Trong khi đó, Mỹ - quốc gia ủng hộ người Kurd, Syria - có lẽ là bên “thất vọng nhất” về chiến dịch của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những phản ứng trước tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ là 1 “ý tưởng tồi” và hi vọng nó sẽ “không đi quá giới hạn”. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara dám “dọn sạch” người Kurd trong chiến dịch.

“Tôi sẽ xóa sổ nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu điều đó xảy ra. Tôi đã từng làm điều đó một lần trước đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Mục sư người Mỹ Brunson. Tôi chắc chắn và hi vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động một cách khôn ngoan và hợp lý. Mọi người cần nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã chiến đấu với nhau trong nhiều thập kỷ”, ông Trump nói.

Trong khi, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ ngay lập tức đề xuất về các biện pháp trừng phạt “mạnh nhất” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm một dự luật đóng băng tất cả các tài sản của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ - bao gồm cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng nước này.

Thế giới Arab cũng đã “sục sôi” trước chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là 1 hành động xâm lược, vi phạm trắng trợn chủ quyền của 1 quốc gia Arab. Dự kiến liên đoàn Arab cuối tuần này sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp Ngoại trưởng tại thủ đô Cairo, Ai Cập, để thảo luận chi tiết về chiến dịch này. Trước đó, hôm 9/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã gọi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức đối với an ninh khu vực khi các nỗ lực quốc tế trong chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị suy giảm. Còn Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập cũng coi đây là bước đi “nguy hiểm” và “không thể chấp nhận” được của Thổ Nhĩ Kỳ .

Các nước châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích quan ngại về chiến dịch này. Trong một tuyên bố chung phát đi ngày 10/10 , 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hành động quân sự đơn phương.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, chiến dịch quân sự không thể dẫn đến 1 kết quả tốt.

“Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan, hành động với sự kiềm chế Hành động quân sự này không dẫn đến kết quả tốt. Một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột Syria sẽ chỉ đạt được thông qua chuyển đổi chính trị thực sự”, ông Jean-Claude Juncker nói.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thì cho rằng, chiến dịch sẽ gây ra sự mất ổn định trong khu vực, làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời làm suy yếu những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn Bộ Ngoại giao Hà Lan, Pháp lên tiếng hyvọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng ngay chiến dịch tại Syria, trong khi Hà Lan cũng đã quyết định triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này lên để tham vấn về tình hình.

Dự kiến, ngày mai (11/10), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về tình hình chiến sự. Trước cuộc gặp này, Tổng thư ký NATO bày tỏ hy vọng những hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành tại Syria nên được tiến hành một cách cân đối và thận trọng. Hiện Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc, đồng thời cho rằng bất kỳ sự leo thang nào tại Đông Bắc Syria đều có thể gây phương hại tới người dân trong khu vực. Tổ chức này nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh như vậy, các động nhân đạo tại khu vực này càng cần phải được thúc đẩy hơn bao giờ hết./.

Đình Nam/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tan-cong-nguoi-kurd-o-syria-tho-nhi-ky-hung-bua-riu-du-luan-965406.vov