Tận dụng cơ hội từ kinh tế số

Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với áp lực lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhanh, toàn diện nhằm tạo sự đột phá và tối ưu chi phí đầu tư.

Doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh hội nhập. Ảnh: KTSG.

Doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh hội nhập. Ảnh: KTSG.

Tăng hiệu quả từ số hóa

Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận suy giảm, các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và lạm phát như hiện nay, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, có nhiều DN tìm đến các công nghệ chuyển đổi số để thay đổi hoạt động. Đây là yêu cầu tất yếu từ thị trường để các DN có thể tăng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cũng cho biết: Từ cuối năm 2022 liên tục có những tín hiệu không tốt từ thị trường: Tình hình xuất nhập khẩu giảm, đầu tư hạn chế và tình trạng góp vốn mua cổ phần của DN nước ngoài tăng cao, nhiều DN Việt đã phải bán cổ phần. Trước thực trạng này, DN rất cần chuyển đổi số nhanh, toàn diện nhằm tạo sự đột phá và tối ưu chi phí đầu tư.

Trên thực tế, thời gian qua, cộng đồng DN cũng đang chú trọng, đầu tư dồn vào chuyển đổi số. Với ngành logistic, ông Đinh Hoài Nam – Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho biết trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đó là các đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Ông Nguyễn Triều Quang - Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, DN logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa; Ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững.

Còn về phía DN sản xuất, nhiều DN cũng đang tập trung vào số hóa mạnh mẽ hơn để gia tăng đơn hàng. Bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, công ty chuyên xuất khẩu hàng mây tre đan, thị trường chính là Mỹ và châu Âu. Tận dụng những cơ hội đến từ nền kinh tế số, DN đang tập trung đầu tư phát triển cho sản phẩm, quảng bá trên các nền tảng số để thúc đẩy cơ hội bán hàng ra thị trường thế giới. Với những nỗ lực đó, chi phí quản lý giảm đi đáng kể. “Trước đây công ty phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ lớn trên thế giới. Cách này rất tốn kém về thời gian chuẩn bị (có khi mất vài tháng cho một lần tham gia), chi phí gian hàng, vận chuyển và nhân sự là rất lớn. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu giữa online và offline khá chênh lệch. Doanh tu từ online là 85% và offline là 15%” - bà Tâm cho hay.

Đối mặt nhiều rào cản

Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của DN. Tuy nhiên, hiện DN vẫn đang gặp những rào cản như: Tư duy nhận thức của lãnh đạo về chuyển đổi số; văn hóa cục bộ Phòng ban; nhân viên tiêu cực, lợi ích nhóm, sợ nghĩ làm cùng lúc nhiều việc; sợ mất dữ liệu, không bảo mật; nhân sự còn yếu kém công nghệ thông tin, cái gì cũng muốn làm, không giới hạn mục tiêu; sự chủ quan, chưa làm chủ công nghệ…

Đặc biệt, tại khối DN nhỏ và vừa, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược chưa rõ ràng. Nêu lên nguyên nhân, nhiều chuyên gia lý giải, tiến trình chuyển đổi số của DN vẫn còn nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại lớn nhất đó là bảo mật và quản lý dữ liệu.

TS. Đỗ Đình Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty tư vấn quản lý OD CLICK cho biết, kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia cho thấy, có tới 48% DN Việt Nam mua phần mềm xong 2 năm sau thì… bỏ đi do liên quan đến tính tương thích khi vận hành hệ thống. Theo ông Long, nếu công nghệ không phù hợp sẽ khiến chi phí vận hành của DN bị đẩy lên cao, thiếu hiệu quả. Nhiều DN sẵn sàng đầu tư công nghệ hiện đại nhất từ nước ngoài nhưng lại gặp khó khăn khi công nghệ bị lỗi phải nhờ chuyên gia nước ngoài sang khắc phục, khiến DN tốn thêm thời gian và chi phí.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Khiêm - Phó Viện trưởng Viện tin học DN cho rằng, nếu không đảm bảo an toàn thông tin, đây chính là nguy cơ lớn đối với DN khi thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, vấn đề bảo mật thông tin cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, theo ông Khiêm, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần có chính sách khuyến khích, có chương trình đào tạo cho DN về bảo mật thông tin, dữ liệu, giúp họ yên tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tan-dung-co-hoi-tu-kinh-te-so-5718639.html