Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế, thúc đẩy thương mại Việt Nam - Cuba

Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020. Thông qua cơ hội tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan, hiệp định là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cuba.

Mức thuế trung bình giai đoạn 2023-2027 là 2,1%

Xem xét số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu, việc thực hiện hiệp định từ năm 2020 đến nay đã thể hiện nhiều tác động tích cực trong thương mại hàng hóa song phương. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng hóa tận dụng điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại (FTA) Việt Nam - Cuba vẫn còn thấp. Các mặt hàng nhập khẩu chính vào Việt Nam từ thị trường Cuba tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng dược phẩm và nguyên phụ liệu thuốc lá.

Thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022), ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA Việt Nam - Cuba cho giai đoạn 2022 - 2027. Nghị định này thay thế Nghị định số 39/2020/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA Việt Nam - Cuba giai đoạn 2020 - 2023.

Bộ Tài chính đã đăng tải toàn bộ nội dung nghị định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật và tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Việc ban hành nghị định biểu thuế giai đoạn 2022 - 2027 là công tác hoàn thiện nội luật hóa để tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam tại hiệp định. Các quy định tại các điều khoản về cơ bản kế thừa Nghị định số 39/2020/NĐ-CP.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA Việt Nam - Cuba giai đoạn 2022 - 2027 gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn đối với từng mã hàng. Đặc trưng của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện hiệp định là biểu từng phần, đảm bảo thực hiện đúng các cam kết với các mặt hàng mà Việt Nam cam kết cắt giảm thuế. Về tổng thể, biểu thuế giai đoạn 2022 - 2027 gồm 618 dòng thuế ở cấp độ 8 số.

Thuế suất ban hành được xây dựng trên cơ sở bám sát cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam tại FTA Việt Nam - Cuba. Hiệp định sẽ về cuối lộ trình vào năm 2023. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trung bình năm 2022 là 2,4%; từ năm 2023 đến năm 2027, mức thuế suất trung bình giữ ổn định ở mức 2,1%.

Riêng đối với các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc các nhóm: 17.01 (đường), 24.01 (lá thuốc lá), thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là mức thuế suất trong hạn ngạch cho hàng hóa nhập khẩu từ Cuba. Danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương (nằm trong lượng hạn ngạch chung cho toàn bộ thành viên WTO) và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Cụ thể hóa các điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt

Để cộng đồng doanh nghiệp có thể tận dụng có hiệu quả các ưu đãi thuế quan, tương tự quy định tại các nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành, Nghị định số 114/2022/NĐ-CP cũng quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Cuba. Cụ thể, gồm các điều kiện sau: thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ Cuba; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của FTA Việt Nam - Cuba.

Đồng thời, Điều 5 nghị định này tiếp tục duy trì quy định tại Nghị định số 39/2020/NĐ-CP cho hàng hóa của Việt Nam sản xuất ở khu phi thuế quan. Theo đó, cho phép áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như hàng hóa nhập khẩu từ Cuba vào Việt Nam.

Việc ban hành Nghị định số 114 để thực hiện FTA Việt Nam - Cuba cho giai đoạn 2022 - 2027 góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Giao thương Việt Nam - Cuba còn rất nhiều dư địa để phát triển

Việt Nam và Cuba luôn duy trì mối quan hệ đoàn kết anh em truyền thống đặc biệt giữa hai nước, tạo tiền đề tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả trên đa dạng các lĩnh vực. Cuba là một thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa đa dạng, tiêu chuẩn kỹ thuật không khắt khe như các thị trường khó tính khác, song kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ thế giới. Theo đó, hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển

Ngô Thanh Loan (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-dung-hieu-qua-uu-dai-thue-thuc-day-thuong-mai-viet-nam-cuba-123783.html