Tận dụng mạng xã hội

TP HCM là địa phương sớm đề cập đến xây dựng đô thị thông minh, trong đó không ngại ngần thí điểm nhiều tiện ích của thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Một trong số đó là chính quyền quyết định tận dụng mạng xã hội để tương tác nhanh hơn với những vấn đề nổi cộm của đô thị này.

Sử dụng hiệu quả mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) vốn là chủ đề của thời đại 4.0, thế nhưng chưa từng có địa phương nào hợp thức hóa sử dụng tiện ích này, do lo ngại khó quản lý về mặt hành chính – pháp luật. Do đó, việc mạnh dạn mở fanpage, tổng đài trực tuyến 1022 cho thấy TP HCM rất quyết tâm trong xây dựng đô thị thông minh.

Theo đại diện Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM (cơ quan chủ trì triển khai chỉ đạo của UBND TP về vận hành tổng đài 1022), fanpage được lập ra để mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, tương tác nhanh với công dân thành phố, bên cạnh việc vận hành hệ thống tổng đài trực tuyến 1022, tiếp nhận các thông tin về hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và giao thông công cộng.

Chưa dừng ở đó, việc Sở này tiếp tục tham mưu UBND TP mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, thông qua mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022 (địa chỉ: facebook.com/1022tphcm). Đây sẽ tiếp tục là một sáng kiến có hiệu quả để tăng sự tương tác giữa chính quyền với từng công dân của thành phố. Có chuyên gia cho rằng, so với các địa phương khác thì TP HCM có truyền thống, cũng như điều kiện để vận dụng các mô hình mới trong quản trị chính quyền nhờ cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua.

Không chỉ nhạy bén, chính quyền TP HCM cũng cho thấy khả năng cảm nhận nhanh sự thay đổi của xã hội đô thị. Đó là khi số lượng người dùng điện thoại thông minh đang tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm 60-70% lượng người dùng theo quy mô dân số. Khi việc tương tác nhanh hơn, các vấn đề bất cập cũng sẽ được xử lý kịp thời, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp như thời gian qua.

Đó là căn bản của một xã hội mà người dân cùng tham gia quản lý, đề xuất, đóng góp sáng kiến và giám sát chính quyền. Đó là tương lai không xa khi người dân có thể gặp chính quyền trên mạng, thanh toán và đóng góp trên mạng, doanh nghiệp bán hàng qua mạng, nghiên cứu khách hàng qua mạng; các tổ chức xã hội phục vụ, giao lưu với người dân qua mạng… Việc gia tăng các mô hình tương tác nhanh với người dân thông qua sự phát triển của công nghệ đang là xu hướng chung của các đô thị phát triển trên toàn cầu. Ở TP HCM, việc lập fanpage để lắng nghe dân không nằm ngoài xu hướng đó.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-pham-so/tan-dung-mang-xa-hoi-tintuc415997