Tận dụng 'thời gian vàng' để rèn luyện

Năm cuối cùng của đại học, cao đẳng là khoảng thời gian quan trọng và là bước đệm vô cùng quý giá đối với mỗi sinh viên trước khi tốt nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội học tại thư viện. Ảnh: Đức Duy

Vì vậy, các bạn cần tận dụng tối đa thời gian này để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ, khắc phục những hạn chế của bản thân nhằm tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chủ động để không bị động

Là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An), anh Ngô Đức Thế chia sẻ: “Năm học cuối, thay vì xin thực tập ở quê nhằm tiết kiệm chi phí cho gia đình, tôi đã quyết định gửi giấy giới thiệu xin thực tập tại một công ty tự động hóa ở Hà Nội nhằm học hỏi kinh nghiệm cũng như được cọ sát với thực tế nhiều hơn. Cùng trong thời gian này, tôi đã tích cực tham khảo và nghiên cứu thêm một số môn chuyên ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội để gia cố lại kiến thức cơ bản cho mình”.

Anh Thế cho biết thêm: “Thời gian đầu từ Nghệ An ra Hà Nội thực tập, tôi rất bỡ ngỡ, nhút nhát bởi sinh viên ngoài này các bạn rất năng động, ngoại ngữ rất tốt, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống linh hoạt, vì vậy các bạn có lợi thế hơn nhiều. Nhưng cũng nhờ bị rơi vào môi trường có tính “cạnh tranh” cao ấy mà tôi rèn được cho mình tính chủ động trong quá trình làm việc và khả năng tự nghiên cứu nhiều hơn, đặc biệt là cập nhật các phần miềm thiết kế để phục vụ cho công việc của mình”.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Bá làm ở bộ phận Quản lý sự kiện, Tập đoàn Thiên Long (TPHCM) chia sẻ: “Sinh viên năm cuối ở một số trường sẽ học rất nhiều hoặc có một số trường sinh viên phải làm đồ án tốt nghiệp... Vì vậy nhiều bạn để có thể vừa học, vừa đi thực tập, lại vừa đi làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành mình học để tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường nên rất vất vả.

Thời điểm này, các bạn sẽ chịu áp lực rất lớn về thời gian vì phải vừa cân đối việc học ở trường, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ được giao tại doanh nghiệp. Do đó, nếu các bạn không biết cân bằng quỹ thời gian của mình một cách hợp lý thì rất dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả học tập cũng như công việc tại nơi thực tập”.

Tuy nhiên, theo sự nhìn nhận của anh Nguyễn Hoàng Bá, thời gian năm cuối quyết định rất lớn đến sự thành công của các sinh viên. Do đó, mỗi bước đi sẽ ảnh hưởng đến quá trình tích lũy kinh nghiệm cũng như xây dựng các kỹ năng cho bản thân vì vậy mỗi sinh viên rất cần biết lắng nghe những góp ý, lời khuyên của người đi trước, từ đó gom nhặt kinh nghiệm bỏ túi cho bản thân.

“Trong khoảng thời gian năm cuối, các bạn cũng nên mạnh dạn tham gia nhiều các cuộc phỏng vấn xin việc, dù là công ty nhỏ cũng được. Những lần phỏng vấn đó sẽ giúp bạn biết được những thế mạnh, hạn chế của mình để khắc phục để khi ra trường và tránh lặp lại những lỗi đó khi chính thức đi dự tuyển, tìm kiếm cơ hội việc làm.

Đồng thời, mỗi lần phỏng vấn xong cần xem lại và ghi ra những điểm yếu hay những điều đáng lưu ý mà nhà tuyển dụng họ góp ý cho các bạn trong quá trình phỏng vấn để hoàn thiện bản thân và tự tin hơn cho những lần sau”, anh Nguyễn Hoàng Bá lưu ý.

Ảnh minh họa ITN.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

Theo cô Trương Thanh Loan - Đại diện Trung tâm Trải nghiệm, việc làm sinh viên Trường Đại học Công nghệ miền Đông: “Để sinh viên có một nền tảng kiến thức, kỹ năng về ngành học cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp, trường chúng tôi ngoài chú trọng thiết kế chương trình giảng dạy còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như như hội thảo, tọa đàm hướng nghiệp cùng các chương trình trải nghiệm, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, hàng năm trường đều tổ chức Ngày hội việc làm nhằm hỗ trợ sinh viên chuẩn bị ra trường được tiếp cận, tham gia các buổi phỏng vấn của các doanh nghiệp ngay tại sự kiện để sinh viên thấy được những yêu cầu, đòi hỏi của nhà tuyển dụng đối với người ứng tuyển như thế nào”.

Trung tâm trải nghiệm, việc làm sinh viên luôn chú trọng đầu tư, bồi dưỡng các môn học kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng phỏng vấn xin việc, soạn thảo văn bản, thuyết trình, làm việc nhóm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. “Cùng với đó, chúng tôi có các buổi chuyên đề như Tuần lễ Sinh hoạt công dân, Tổ chức Hội diễn văn nghệ truyền thống, lễ hội Halloween, Sắc màu câu lạc bộ, Liên hoan đội nhóm… tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên”, cô Thanh Loan thông tin thêm.

Hàng năm, Trường Đại học Công nghệ miền Đông còn thực hiện kết nối mạng lưới doanh nghiệp với gần 100 đơn vị lớn, nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ thực tập, tìm việc làm cho sinh viên. Song song với đó, nhà trường cùng với các doanh nghiệp sẽ tổ chức tọa đàm hướng nghiệp, nâng cao kỹ năng dành cho sinh viên.

Cô Trương Thanh Loan cũng chỉ ra những hạn chế mà sinh viên đang gặp phải hiện nay như thiếu tự tin trong giao tiếp, yếu và thiếu kỹ năng mềm. Một số em chưa định hướng được nghề nghiệp một cách rõ ràng mặc dù đã được tư vấn và học hỏi thêm nhiều kỹ năng bổ trợ. Nếu không khắc phục được thì đây chính là điều bất lợi khi các em ra nghề.

“Sinh viên năm cuối ngoài việc rèn giũa kiến thức cần tăng cường tư duy, trang bị các kỹ năng mềm đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, quan sát và phát hiện vấn đề. Từ đó, các em sẽ có kỹ năng giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu phấn đấu trong công việc cũng như cuộc sống”, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-dung-thoi-gian-vang-de-ren-luyen-post651850.html