Tận dụng tốt những 'cơn gió xuôi', Việt Nam sẽ vượt qua thách thức năm 2023

Dù dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức, sức ép hơn nhưng nhiều chuyến gia lạc quan cho rằng nếu Việt Nam tận dụng được nhiều 'cơn gió xuôi', sẽ nối dài động lực tăng trưởng của Việt Nam sang năm nay...

TS. Cấn Văn Lực điều hành phiên thảo luận tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”.

TS. Cấn Văn Lực điều hành phiên thảo luận tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”.

Chia sẻ tại Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 – Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết có ba lý do cho tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam 2022.

Theo đó, Việt Nam mở cửa trở lại khá sớm; các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều và tăng trưởng so với nền thấp của năm trước.

Vậy các động lực tăng trưởng này có được duy trì trong năm 2023? Ông Lực cho rằng tín hiệu lạc quan đầu tiên là Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1 vừa qua, GDP toàn cầu dự báo tăng thêm 0,1 điểm %.

Tuy nhiên, động thái này đem lại tác động hai chiều, cả tích cực và cả tiêu cực. "Tác động tiêu cực liên quan đến việc phòng chống về dịch bệnh, chúng ta sẽ phải đề phòng hơn và cạnh tranh với Trung Quốc quyết liệt hơn", ông Lực lưu ý.

Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; đầu tư công được đẩy nhanh hơn. Cụ thể, chi đầu tư phát triển năm 2023 dự toán ở mức gần 730.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước. Theo tính toán, mức chi này tăng 38,1% so với dự toán năm 2022. Thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia trình bày tại diễn đàn. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Đặc biệt, "về cơ bản, nền tảng vĩ mô của Việt Nam mạnh hơn trước rất nhiều và tiếp tục được duy trì tương đối ổn định. Kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro, các kinh nghiệm xử lý những khủng hoảng của Việt Nam đã được tích lũy tương đối tốt thời gian vừa qua, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tạo dư địa cho năm 2023", ông Lực nhấn mạnh.

Cùng với đó, lạm phát được dự báo nhích tăng nhưng cơ bản được kiểm soát; áp lực tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và rủi ro nợ đang giảm dần.

Về bức tranh về lãi suất trong năm 2023, theo dự báo, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất hai lần nữa, sau đó sẽ dừng lại và có thể cân nhắc bắt đầu giảm lãi suất từ quý 1/2024, nếu tình hình kinh tế Mỹ không được tốt.

"Các quốc gia ở châu âu, Anh sẽ có độ trễ hơn khoảng một quý. Các quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng trễ hơn so với Mỹ một quý khi điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất", ông Lực đánh giá.

Về bức tranh giá cả hàng hóa cũng hạ nhiệt, giá dầu đã qua đỉnh và dự báo giảm khoảng 10% trong năm 2023 trừ khi có những biến số bất thường.

Bên cạnh đó, theo Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh, hội nhập tích cực.

Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững sẽ tạo đà nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Một điểm đáng chú ý năm 2023 được ông Lực nhấn mạnh là Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, một loạt các luật sẽ được Quốc hội luận bàn như sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật tổ chức tín dụng...

Tác động của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... sẽ thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi, mang lại cơ hội cho họ tăng cường chuỗi giá trị.

Để chống chịu với những cú sốc, biến động trong năm 2023, ông Lực gửi gắm cộng đồng với doanh nghiệp 8 chữ: "Vững tâm, vượt khó, nền tảng tương lai".

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực, cho rằng bước sang năm 2023, nền kinh tế thế giới đối mặt tình trạng suy thoái cục bộ, các quốc gia ứng xử dịch bệnh khác nhau, các động lực như thị trường xuất khẩu, đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại; du lịch quốc tế phục hồi chậm cùng nhiều cơn gió ngược thế giới.

Các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng cũng có những khó khăn, thách thức nhiều hơn. Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta...

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tan-dung-tot-nhung-con-gio-xuoi-viet-nam-se-vuot-qua-thach-thuc-nam-2023.htm