Tận dụng ưu đãi thuế để thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Chi Lê là một trong những đối tác có quan hệ kinh tế quan trọng của Việt Nam tại khu vực Mỹ La tinh. Sau hơn 9 năm đi vào thực hiện, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê (VCFTA) đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan mà hiệp định mang lại trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê tăng gần 8 lần

Hiệp định VCFTA ký kết ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiệp định này chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa và các vấn đề liên quan đến hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư… Đây cũng là hiệp định thương mại (FTA) đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia ở khu vực châu Mỹ.

Tính đến hết năm 2022, 9 năm kể từ khi hiệp định VCFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chi Lê đạt 2,16 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2013 (thời điểm trước khi VCFTA có hiệu lực). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt 1,723 tỷ USD, gần gấp 8 lần so với năm 2013; nhập khẩu đạt 431,84 triệu USD, tăng 37% so với năm 2013.

Nguồn: Nghị định 112/2022/NĐ-CP. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Nghị định 112/2022/NĐ-CP. Đồ họa: Văn Chung

Ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2022/NĐ-CP (Nghị định 112) về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VCFTA giai đoạn 2022 - 2027 thay thế Nghị định số 154/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VCFTA giai đoạn 2018 - 2022. Đảm bảo tính thống nhất trong thực thi, cũng như duy trì tính ổn định của quy phạm pháp luật, các điều kiện, quy định tại Nghị định 112 cơ bản kế thừa các quy định trước đây.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa của Việt Nam sản xuất ở khu phi thuế quan, Nghị định 112 tiếp tục bảo lưu quy định tại Nghị định số 154/2017/NĐ-CP cho đối tượng này. Theo đó, cho phép áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như hàng hóa nhập khẩu từ Chi Lê vào Việt Nam.

Thuế suất trung bình các dòng cam kết năm 2023 là 3,71%

Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (Danh mục AHTN 2022). Theo đó, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 112 thực hiện thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 và thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2027 tại Hiệp định VCFTA.

Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong biểu thuế không thay đổi so với biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 154/2017/NĐ-CP. Như vậy, việc ban hành nghị định không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ hiệp định, đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt, cũng như không ảnh hưởng đến thu ngân sách và các chính sách quản lý hoạt động sản xuất trong nước cũng như các chính sách quản lý mặt hàng.

Cụ thể, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với 11.480 dòng thuế, trong đó có 11.360 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 120 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Nghị định 112 tiếp tục quy định thuế suất theo các bước cắt giảm đã cam kết tại Hiệp định VCFTA. Theo đó, thuế suất trung bình các dòng cam kết tại năm 2022 là 4,44%; năm 2023 là 3,71%; năm 2024 là 2,12%; năm 2025 là 2,03%; năm 2026 là 1,94%; năm 2027 là 1,84%. Nghị định cũng quy định diện mặt hàng không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (ký hiệu “*”).

Thuận tiện tra cứu thông tin về biểu thuế nhập khẩu

Để thuận tiện cho công tác tra cứu và thực thi, Nghị định số 112/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VCFTA giai đoạn 2022 - 2027 đã được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật cũng như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng 04.07 (trứng gia cầm), 17.01 (đường), 24.01 (lá thuốc lá), 25.01 (muối), nghị định quy định thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định 112; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Việc ban hành Nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VCFTA là công tác hoàn thiện việc xây dựng thể chế để tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết thuế quan của Việt Nam, thực hiện các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo về công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này cũng thể hiện tính tuân thủ của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế, là đối tác, bạn hàng đáng tin cậy. Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị định biểu thuế VCFTA giai đoạn 2022 - 2027 góp phần tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê, dự kiến sẽ tiếp tục đem lại những hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam./.

Trần Tiến Đạt (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-dung-uu-dai-thue-de-thuc-day-tang-truong-thuong-mai-124292.html