'Tân kinh tế học thể chế': tâm huyết cuối cùng của TS. Phạm Sỹ Liêm

LTS: 'Tân kinh tế học thể chế' là tác phẩm nghiên cứu của TS. Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam...) thực hiện liên tục trong suốt 10 năm, vừa được NXB. Tri Thức phát hành. Đây là công trình học thuật mà những thân hữu của TS. Phạm Sỹ Liêm nhận định 'tâm huyết cuối cùng của ông' – một trí thức khảng khái, một lãnh đạo tiến bộ, một chuyên gia đô thị hàng đầu, không ngại phản biện chính sách và sẵn sàng bày tỏ ý kiến trước các sự kiện xã hội.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam môn “Tân kinh tế học thể chế” ra mắt độc giả, trong bối cảnh Việt Nam chưa có đại học nào dạy môn học này - một môn học tổng hợp các vấn đề liên quan và gắn kết với nhau thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội học, triết học, chính trị, thể chế, quản lý, văn hóa...

Để độc giả cận cảnh những giá trị của tác phẩm “Tân kinh tế học thể chế” thực hiện bởi TS. Phạm Sỹ Liêm, Người Đô Thị trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam), tựa do Người Đô Thị đặt.

TS. Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; nguyên Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị... Ảnh: CTV

TS. Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; nguyên Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị... Ảnh: CTV

Tân kinh tế học thể chế là một môn kinh tế học mới phát triển khoảng mấy chục năm gần đây, với nhiều nhà kinh tế được giải thưởng Nobel, như: Ronald Coase (1991), Douglass North (1993), Elinor Ostrom và Oliver Williamson (đồng giải 2009), mặc dù vấn đề thể chế cũng đã được các nhà nghiên cứu đề cập tới từ hơn trăm năm nay, kể cả nhà kinh tế học nổi tiếng K. Marx.

Cuốn sách “Tân kinh tế học thể chế” của TS. Phạm Sỹ Liêm, thành viên của Hội khoa học kinh tế Việt Nam, là tài liệu đầu tiên giới thiệu đầy đủ môn học này với người đọc Việt Nam.

Để làm rõ các vấn đề cơ bản của Tân kinh tế học thể chế, TS. Phạm Sỹ Liêm đã chia cuốn sách thành một số chương mục khá hợp lý.

Hai chương I và II trình bày khái quát về lịch sử hình thành và cơ sở lý luận của môn kinh tế học này, bao gồm quyền tài sản, chi phí giao dịch và vấn đề khế ước. Tiếp đến, trong các chương III, IV và V tác giả giới thiệu kết quả vận dụng lý luận Tân kinh tế học thể chế của các nhà kinh tế học quốc tế trong việc nghiên cứu ba cấp độ thể chế cơ bản của xã hội hiện đại là: doanh nghiệp, thị trường và nhà nước.

Chương VI đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế, tìm hiểu nguyên nhân thay đổi, quá trình thay đổi và kết quả thay đổi thể chế. Đây là những điều rất bổ ích cho các nhà làm chính sách và những người có thẩm quyền quyết định.

Chương VII kết thúc cuốn sách bằng cách đưa ra cái nhìn toàn cảnh về Tân kinh tế học thể chế, giúp người đọc biết được các nhánh của nó và chiều hướng phát triển của môn học này trong tương lai.

“Tân kinh tế học thể chế” được nhiều chuyên gia đánh giá là nghiên cứu công phu, với hơn 200 tài liệu nước ngoài cùng rất nhiều tài liệu, văn kiện của Việt Nam. Ảnh: CTV

TS. Phạm Sỹ Liêm cũng không quên làm rõ quan điểm của nhà kinh tế học K. Marx đối với một số vấn đề của kinh tế học thể chế được trình bày. Và rất đáng trân trọng khi tác giả đề cập tới vấn đề đổi mới thể chế ở các nước như Việt Nam một cách nhẹ nhàng nhưng khá sâu sắc, tuy không quá mức cần thiết.

Tác giả đã có nhiều cố gắng trình bày môn học chứa đựng nhiều khái niệm phức tạp và mới mẻ này bằng ngôn ngữ trong sáng, mạch lạc, có dẫn chứng căn cứ chuẩn xác. Một đôi chỗ tác giả cũng tế nhị đưa ra quan điểm cá nhân.

Cuối cuốn sách là một danh mục tài liệu tham khảo khá đầy đủ, có thể giúp ích cho những người muốn tiếp tục đi sâu nghiên cứu môn kinh tế học còn non trẻ này.

Hội khoa học kinh tế Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (VIDERI) trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách tuy không nhiều trang nhưng cho thấy nỗ lực của một tác giả cao tuổi (sinh năm 1931), trong việc giới thiệu đến các độc giả Việt Nam môn kinh tế học mang tầm lý luận rất cao này.

Hy vọng kiến thức trong cuốn sách có thể giúp ích cho người đọc khi cần xem xét và xử lý một cách khoa học những vấn đề thể chế chính trị, kinh tế và xã hội gặp phải trong các hoạt động quản lý hay nghiên cứu của mình.

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái

(Tổng thư ký hội khoa học kinh tế Việt Nam; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam)

TS. Phạm Sỹ Liêm nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam khóa I, II, III; nguyên Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam các khóa IV, V, VI, VII; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng; nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị...

Cùng với nhà báo Trần Trung Chính (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng), TS. Phạm Sỹ Liêm là người đã sáng lập ra Tạp chí Người Đô Thị từ năm 2006 đến nay, ông đồng thời là Trưởng ban tư vấn chuyên môn của Người Đô Thị.

Không chỉ là tác giả của nhiều sách nghiên cứu học thuật uy tín về quy hoạch, quản trị đô thị, phát triển hạ tầng, kinh tế đô thị... TS. Phạm Sỹ Liêm còn là tác giả của nhiều bài báo ấn tượng trên truyền thông, là một chuyên gia luôn đồng hành với báo chí để kịp thời phản biện chính sách và góp ý các lĩnh vực đô thị, hạ tầng, phát triển xã hội,...

Với riêng tác phẩm “Tân kinh tế học thể chế” (NXB Tri Thức phát hành 9.2018), được nhiều chuyên gia đánh giá là nghiên cứu rất công phu, với hơn 200 tài liệu nước ngoài cùng nhiều nguồn tài liệu, văn kiện của Việt Nam.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tan-kinh-te-hoc-the-che-tam-huyet-cuoi-cung-cua-ts-pham-sy-liem-16458.html