Tân Liêu Trai: Tự mình lừa mình

Là một trong những cây bút Nam bộ có số lượng tiểu thuyết, truyện ngắn… đồ sộ, nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng có mảng sáng tác lớn viết về đề tài tâm linh. Tuy vậy khác với Thế Lữ (Trại Bồ Tùng Linh), Vũ Bằng (Bóng ma nhà mệ Hoát)… truyện ngắn của ông lại được bắt nguồn từ những điều khoa học, hay có thể nói là 'không có ma'.

Trong đó, tập truyện Tân Liêu Trai (1959) in bởi NXB Bến Nghé dưới bút danh Phong Ngạn và tiểu thuyết Cõi âm nơi quán cây Dương (1972) ở NXB Mây Hồng là hai đại diện có thể nói là chủ chốt cho xu hướng này. Tuy vậy nếu như tác phẩm ra đời sau này thuộc dạng mơ hồ không thể giải thích, thì chiếm phần lớn trong Tân Liêu Trai là các tình huống thường được tạo ra do các ảo tưởng cá nhân cũng như những trò nghịch dại, mưu mô xảo trá.

Đọc truyện ta được nếm trải những lần trái khoáy cũng như buồn thương, từ đó rút được kinh nghiệm cho bản thân mình.

“Ma” là con người

Ngoài là nhà văn thì Bình Nguyên Lộc cũng đồng thời là một nhà báo, nên các truyện ngắn trong tập sách này là những mẫu nhỏ đã được trích đăng trong tờ feuilleton (phơi-dơ-tông) hằng ngày, dẫn đến ngôn ngữ của ông thường rất dung dị, đậm tính đời thường của người lao động. Không phải một mình nghĩ ra tình huống, mà Bình Nguyên Lộc cũng lấy cảm hứng từ những tin vặt, từ câu ca dao, từ các mẩu truyện vốn được truyền khẩu… hoặc cũng có khi là được người khác lén mách nước cho… Từ đó ông đã viết lại bằng sự giản dị nhưng cũng gửi gắm rất nhiều thông tin.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ảnh: Trần Cao Lĩnh

Nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ảnh: Trần Cao Lĩnh

Nói về cuốn Tân Liêu Trai, nhà phê bình Võ Phiến đã từng nói rằng: “Ở đây ma nhiều hơn, biến hóa ly kỳ hơn (Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ) nhưng toàn quyển truyện không thể bảo là đem đến cho ai một cảm tưởng sợ hãi nào. Trái lại, có thể coi đó là những mẩu chuyện vui. Ông Phong Ngạn kể thoăn thoắt một lát, xem chừng người ta hơi lo lắng, ông đã vội vàng cười xòa bảo ngay cho biết là nói dối cho vui đấy thôi.”

Thật vậy, với các truyện ngắn chứa đựng dung lượng gần gần ngang nhau, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết như đang đối thoại cùng với người đọc. Kết cấu truyện ngắn của ông tương đối đơn giản, khi phần mở đầu sẽ đề cập đến các tình huống, phần thân bài tạo thêm kịch tính và đến cuối cùng là những lý giải theo hướng khoa học. Không giống những bậc thầy khác như Maurice Level hay Edgar Allan Poe, truyện ma của ông ngắn gọn, khúc chiết nhưng vẫn mang đến những giây kinh hoàng đậm chất “kinh dị”.

Là một cây bút gắn với Nam bộ, không khí trong các truyện này cũng luôn đậm đặc những thanh âm đó. Không tả quá nhiều theo kiểu gothic phương Tây, nhà văn Bình Nguyên Lộc dùng những chi tiết tưởng chừng thân quen, từ đó tạo ra đòn bẩy cho nỗi sợ hãi. Đó là tứ bề vắng lặng ghê hồn, xa xa có tiếng chó sủa, là những tiếng tru từ các ngôi nhà đã bị bỏ hoang, là con mèo rên xiết hay con rù rì hầm hừ…

Từ trên nền không gian đó, những hình tượng như ma nơ canh, ma da, ma giò dài, hồ ly tinh… hay những ngôi nhà xây trên nghĩa trang và các bùa chú… bắt đầu xuất hiện. Ẩn trong những hình tượng đó, nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng cho ta thấy xét đến tận cùng chúng không có thật. Đó đều bắt nguồn từ chính trong ta, bởi các căn bệnh và nỗi sợ hãi, và rồi sau đó từ phía khách quan, là những trò đùa hay là lòng tham, chứ không có một vật chất khó giải thích nào.

Bài học giá trị

Do đó đọc Bình Nguyên Lộc ta có cảm giác như đang nghe lại những truyện ngụ ngôn, từ đó có cách cư xử sao cho đúng đắn và chuẩn mực hơn. Ở đây chỉ vì vài món gia sản mà con người ta có thể hại nhau, và rồi khiến cho chính mình cũng phải tử nạn vì phản ứng ngược “gậy ông đập lưng ông”. Ngoài ra nhà văn cũng đi đến được tận cùng đối với tình yêu, với những con người khát khao nhưng không đến được với nhau, từ đó cho thấy tình cảm ấy đẹp đến mức độ nào.

Các nhân vật nữ trong tác phẩm này thường được khắc họa với sự dịu dàng cũng như vẻ đẹp hình thể, thế nhưng họ lại bị vu như là hồ ly đùa giỡn “tao nhơn mặc khách”. Điều đó xuất phát từ chính mong muốn của những nam nhân, những người ngại ngần hay không dám nói, do đó đêm về họ sẽ mơ thấy vì đã nghĩ quá nhiều. Điều này khác với Cõi âm dương nơi quán cây Dương, nơi Bình Nguyên Lộc đi đến tận cùng của sự liêu trai, khắc họa một cuộc tình buồn và đầy đau đớn.

Tập truyện Tân Liêu Trai. Ảnh: NXB Trẻ

Một chủ điểm khác cũng thường xuất hiện trong các truyện ngắn là những căn bệnh gây chết lâm sàng. Nếu Poe có chứng bắt thế trong các câu chuyện về gia tộc Usher vô cùng nổi tiếng, thì Bình Nguyên Lộc cũng đã vận dụng những triệu chứng khác, từ sưng gân máu, chứng thùy du, bệnh mất trí nhớ (aminesia) cho đến tích nước ở bụng (ascite), phong đòn gánh… để làm nguồn cơn giải thích cho các hiện tượng như “quỷ nhập tràng” hay ác mộng báo ứng…

Bằng sự tương đồng trong các dữ kiện như hồn thư với đom đóm, áp suất với “ma dở hủ”… mà những câu chuyện dở khóc dở cười cũng được kể lại. Ông cho ta thấy rất nhiều nghịch lý trong cuộc đời này, rằng người trong ngành khoa học hóa ra lại tin dị đoan hơn là ai hết. Và cách đối xử giữa mỗi con người, khi nỗi sợ và sự ích kỷ lên ngôi, thì “mới thoáng trước còn thân còn yêu, nhưng sau đó đã sợ, đã hoảng”. Cũng chính điều này cho ta một góc nhìn khác đối với nhân tình thế thái, từ đó có cách sống sao cho thật hợp lý.

Và cũng như sự phóng khoáng của người miền Nam, dẫu cho mọi chuyện có bi có hài, thì Bình Nguyên Lộc cũng lướt rất nhanh những sự kiện buồn, để ta được sống trong những ngày vui. Ở đó những truyền thống tốt như đốt nhang cho ông bà để tưởng nhớ họ, việc kết hôn với cô em gái khi mà người chị đã không còn nữa hay sự đùm bọc, che chở của những lưu dân đến vùng hoang vu khai hoang vỡ đất… cũng được kể lại một cách sâu sắc và nhiều ý nghĩa.

Nhưng quan trọng hơn hết, ông giúp cho người đọc thôn quê bớt đi những nỗi sợ hãi rất không đáng có của mình. Lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, nên những hiện tượng con lộn, con ranh, hồn thư, ma da, lá bùa Lỗ Ban hay là chiêm bao linh ứng… đã được giải thích một cách cặn kẽ, giúp cho những người ít chữ nhìn những sự kiện có phần trùng hợp theo cách nhìn khác khoa học, thực tế và duy vật hơn.

Và cuối cùng thì cũng như những tác phẩm khác, tập truyện Tân Liêu Trai cũng đã khắc họa nên một bức tranh xã hội miền Đông Nam bộ suốt nhiều thập kỷ phong phú cũng như biến động. Ở đó có những con người lần đầu đến để khai hoang và rồi mắc bệnh vì chốn rừng thiêng nước độc, nhưng cũng lại có những người thành thị vui say với đời qua các bữa tiệc và rồi những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chân chất, thật thà, rất dễ bị lừa và bị lấy hết bởi sự nhẹ dạ cũng như cả tin của bản thân mình.

Như vậy có thể thấy rằng trong các truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, thì “ma” chính là con người, và được sinh ra từ sự khinh ghét, đố kỵ cũng như là lòng ích kỷ giữa người với nhau. Với cách viết giản dị, ngôn từ dễ hiểu và các cốt truyện đa dạng, tác giả không chỉ ghi lại những chuyện mắt thấy tai nghe, mà thông qua đó, cũng gửi đi thông điệp về sự sẻ chia, tình yêu thương… Để rồi con người sẽ nhìn thấy nhau dưới ánh mắt khác, thêm sự thứ tha và đầy tình cảm.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tan-lieu-trai-tu-minh-lua-minh-39702.html