Tản mạn về chăm sóc người cao tuổi

Chúng tôi đến thăm anh chị, nay đã 79 tuổi, đều có lương hưu. Anh chị có ba người con, cả ba đều thành đạt. Một cháu đang định cư tại Mỹ. Hai cháu còn lại ở ngay tại thành phố, nhưng đều có gia đình riêng.

Khoảng trời riêng của người già. Ảnh: THÀNH HOA

Khi chúng tôi tới thì chị đang đi mua thuốc cho anh. Hỏi anh bị sao, thì ra anh hay có cơn xuất mồ hôi, rồi lịm đi, mấy lần liên tiếp trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nên không đi khám theo diện bảo hiểm y tế được. Chị ra tiệm thuốc kể bệnh, và người ta bán cho một túi thuốc.

Cả hai anh chị đều biết về Ngày quốc tế người cao tuổi, vừa được báo đài nhắc đến một cách khá rầm rộ. Có năm nhân ngày này, anh chị được phường tặng kỷ niệm chương gì đó, treo rất trân trọng trong nhà. Tuy nhiên, năm nay thì anh chị chỉ nghe qua ti vi và đọc báo mà thôi. Khi tôi hỏi ngày đó các cháu có về thăm anh chị không, anh cho biết, thường thì một cháu về vào chiều thứ Sáu - khi không có tiết giảng, còn cháu kia thì chiều tối thứ Sáu - sau giờ tan sở. Thứ Bảy, Chủ nhật các cháu phải lo cho gia đình riêng.

Chúng tôi chợt nghĩ đến mình. Ở lứa chúng tôi, con cái đều có xu hướng tách riêng ra, những người lớn tuổi thường chỉ sống với nhau. Việc sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình sẽ ngày càng ít đi. Phải làm sao để những người cao tuổi có thể sống độc lập được với con cái họ?

Chúng tôi vừa trở về từ Canada, sau chuyến đi tìm hiểu về hoạt động dưỡng lão của Canada, dưới sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Ontario và Québec. Chúng tôi nhớ đến hôm tham quan khu nhà dành cho người về hưu của Groupe Maurice ở Montreal.

Nơi chúng tôi tham quan giống như một chung cư thuộc loại trung bình khá ở TPHCM. Ở tầng trệt có siêu thị, khu thể thao nhỏ, quán cà phê. Rải rác có những sảnh nhỏ với ghế ngồi nghỉ hay khoảnh vườn vài mét vuông. Đây là nơi sống của những người già còn khỏe mạnh, hoặc chưa cần đến sự chăm sóc y tế đặc biệt.

Điều đặc biệt là hầu hết những người già mà chúng tôi gặp ở đây đều thể hiện sự vui vẻ và yêu đời. Chúng tôi không thấy ai có vẻ đăm chiêu, từ người khỏe mạnh đến những người ngồi xe lăn, hay di chuyển bằng khung tập đi...

Ông Maurice cho biết, việc đầu tiên là cần phải thiết lập một khu vực có thể phục vụ mọi nhu cầu cho người già (ông gọi là cư dân), từ ăn uống, giải trí, mua sắm, khám chữa bệnh... Việc tiếp theo, người già cần phải cảm nhận được, rằng họ được quan tâm, được lắng nghe, được tôn trọng. Và điều quan trọng là tạo sự kết nối cộng đồng trong khu vực.

Ông Maurice chỉ cho chúng tôi cái nút bấm chuông báo động khi có vấn đề về sức khỏe đặc biệt. Mỗi căn hộ đều có cái nút ấy. Khi cư dân bấm nút, chậm nhất là bốn phút sau y tá trực sẽ có mặt. Nhưng nút bấm ấy không chỉ báo ở phòng y tá, mà cả các phòng xung quanh. Trong bốn phút chờ đợi, các cư dân xung quanh đã biết và có mặt hỗ trợ.

Là người làm chuyên môn y tế, tôi hiểu việc các cư dân xung quanh tham gia vào việc cứu hộ có khi còn gây khó cho nhân viên cấp cứu. Nhưng việc họ chạy đến hỗ trợ sẽ tạo ra tình thân và mối quan tâm đến nhau giữa các hàng xóm.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu lão khoa thuộc Đại học Montreal, việc chăm sóc cho người cao tuổi tại Canada thuộc trách nhiệm của chính phủ. Chính phủ Canada và chính quyền các tỉnh có trách nhiệm xây dựng các nhà dưỡng lão, cung cấp miễn phí các dịch vụ cơ bản cho người cao tuổi.

Hiện nay, Chính phủ Canada chủ trương để người cao tuổi sống trong nhà họ lâu nhất có thể trước khi đưa họ vào các viện dưỡng lão (Nursing home). Để làm được việc ấy, chính phủ chi phí cho các nghiên cứu, để đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá, khi nào thì người cao tuổi cần phải đưa vào viện dưỡng lão. Ngoài ra, viện cũng có trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn phòng chống té ngã ở người cao tuổi.

Chưa hết. Để người già có thể sống tại nhà mà vẫn được quan tâm và phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe, cần có hệ thống hỗ trợ. Đó là một hệ thống các camera và các cảm biến, được lắp trong nhà, tại các thiết bị dùng điện, gas... có thể gây nguy hiểm như bếp, vòi nước, tủ lạnh... Hệ thống này không chỉ kết nối với trung tâm phụ trách, mà kết nối với các cơ sở y tế ở gần, để kịp thời cấp cứu hoặc hỗ trợ khi cần thiết.

Ngoài chi phí y tế được nhà nước bao cấp hoàn toàn. Chính phủ Canada còn trợ cấp cho tất cả người già một số tiền đủ trang trải các chi phí tối thiểu. Đây là cơ sở để người già có thể trả các chi phí khi vào sống trong các viện dưỡng lão tư nhân. Chi phí cho một người già sống tại các viện dưỡng lão công là khoảng 4.000-4.500 đô la Canada/tháng, hầu hết do nhà nước chi trả.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ người cao tuổi hiện vẫn còn rất manh mún. Ngoài việc hô hào, tổ chức các hoạt động bề mặt, chúng ta chưa có các chính sách cụ thể nào hỗ trợ cho các hoạt động công cũng như tư nhân trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Tất nhiên, mặt bằng kinh tế của chúng ta không cho phép nhà nước bao cấp toàn bộ cho người cao tuổi như ở Canada, nhưng một chính sách hỗ trợ là rất cần thiết.

BS. Võ Xuân Sơn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280997/tan-man-ve-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-.html