Tản mạn về nghề

Tôi bước vào nghề khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa có trong tay chút kinh nghiệm hay và vấp cuộc sống to tát nào. Những bài viết của tôi lần đầu tiên được đăng trên báo PL&XH thuộc trang Gia đình cuộc sống. Tôi bén duyên với chuyên mục này khi trên đường tác nghiệp bắt gặp cảnh một bà mẹ trẻ nhưng trên khuôn mặt không giấu nổi nỗi vất vả, lo toan ngồi khóc nơi hành lang BV Nhi Trung ương.

Hỏi ra mới biết con gái chị mắc tim bẩm sinh, cơn bạo bệnh đã khiến kinh tế gia đình mấy năm kiệt quệ, suy nghĩ “còn nước còn tát” nên gia đình vẫn cố gắng tới khi nào có thể.Câu chuyện về cuộc đời, số phận của cô bé cứ luẩn quẩn trong đầu tôi từ lúc đó. Thế rồi, từ ý tưởng viết về đề tài xã hội, tôi lại khai bút nghề bằng mục nhân ái để mong những nhà hảo tâm cùng đồng cảm để bớt đi cho gia đình họ những gánh nặng kinh tế.

Tôi vẫn nhớ bài viết đầu tiên ấy, tôi viết đi viết lại mấy lần, gạch xóa, thêm bớt, có khi cả câu chuyện được tôi bê nguyên vào bài viết. Tư liệu có sẵn nhưng phải mất cả buổi tôi mới cho ra đời tác phẩm chưa trọn vẹn. Chưa trọn vẹn bởi bài viết của tôi sau đó đã được gọt giũa rất nhiều bởi một chị đồng nghiệp nhiều năm kinh nghiệm trong làng báo, người đã dẫn dắt tôi những bước chập chững đầu tiên vào nghề một cách đầy kiên nhẫn, tỉ mỉ và tận tâm. Một vài bài viết sau đó, vẫn ở chuyên mục nhân ái, vẫn một tay đàn chị sửa sang, uốn nắn.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Tìm được đề tài đã khó, như tôi những ngày tháng ấy, bắt gặp hoàn cảnh thực sự khó khăn đặc biệt cần sự chung tay giúp sức của những mạnh thường quân giữa biển người mắc bạo bệnh không phải dễ khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của các y, bác sĩ BV nắm trong tay bệnh án và hoàn cảnh gia đình người bệnh. Đến khi tư liệu đã sẵn, việc cho ra đời “đứa con tinh thần” cũng đòi hỏi đầu óc văn chương mà khi ấy, lối hành văn của tôi được nhận xét là ngô nghê và “sáo”.

Càng được cầm tay chỉ việc tôi càng vỡ ra được nhiều điều về cách giật tít sao cho ngắn gọn nhưng vẫn lôi cuốn, sapo làm sao phải gợi trí tò mò, nội dung phải đúc kết, câu cú phải sắc sảo, kết bài phải mang tính định hướng, cảnh báo và một điều rất quan trọng, nó trở thành tôn chỉ mục đích của báo PL&XH trong suốt quá trình xây dựng và phát triển cho đến bây giờ là bài viết phải hướng đến giá trị nhân văn. Lý thuyết là vậy, nhưng để làm được điều đó quả không dễ dàng. Chẳng gì có thể đánh đổi được kinh nghiệm bằng thời gian. Đi càng nhiều, viết càng nhiều, va vấp càng nhiều thì những giá trị thu về càng lớn. Cứ như vậy, tôi viết đa dạng nhiều chuyên mục, gia đình xã hội, người đương thời, nhân ái, tản văn…

Nói vậy để thấy được tầm quan trọng của công tác biên tập. Những con người thầm lặng nhưng công sức không hề nhỏ bé. Đứng trước một tác phẩm báo chí, ngoài sự tài năng của tác giả thì đằng sau đó còn là những đóng góp không nhỏ của đội ngũ biên tập với những công việc dễ bị lãng quên.

Thực chất công tác biên tập có ảnh hưởng đến cấu trúc của tác phẩm, ý đồ của tác phẩm và ảnh hưởng trở lại đến hướng đi của người cầm bút ở những tác phẩm sau. Người biên tập là một người đọc khá đặc biệt. Bởi họ là người đọc đầu tiên trước cả nhà phê bình và độc giả. Tầm ảnh hưởng của biên tập tác động khá lớn đến ngòi bút của tác giả, chưa kể đến những trao đổi, cắt bỏ, thêm bớt… để tác phẩm không những đúng, đủ, kịp thời mà còn phải hay, phải nhân văn nữa.

Muốn vậy, bản thân những người làm công tác biên tập phải không ngừng trau dồi để có phông văn hóa rộng trên nhiều lĩnh vực, đồng thời phải nhạy bén, tỉnh táo để chắt lọc, lựa chọn những gì là tinh túy nhất cho một bài báo chất lượng. Càng phải biết học hỏi để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thời đại thông tin nhanh, chính xác.

Ngày hôm nay, đứng trong đội ngũ những người biên tập của báo PL&XH, chúng tôi cũng như những PV đang ngày đêm say mê tìm con chữ, quyết không thể làm báo với sự cẩu thả, hời hợt, vô trách nhiệm. Trân trọng nghề của mình, chúng tôi dù ở cương vị nào luôn coi đó là một niềm vinh dự lớn lao.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tan-man-ve-nghe-119004.html