Tận mục khu sản xuất hoa quả đặc sản sấy khô nổi tiếng VN

Vải thiều khô Lục Ngạn, chuối khô Cà Mau, hồng khô Đà Lạt... đều là những đặc sản nổi tiếng nhưng công nghệ sản xuất những sản vật này thì ít ai biết đến.

Đây là những hình ảnh hồng sấy khô được sản xuất tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo Zing, hồng khô Đà Lạt dùng để sấy theo công nghệ Nhật Bản là hồng trứng và hồng vuông. Để có được chất lượng tốt nhất, người ta phải chọn những trái hồng to, tươi ngon gọt sạch vỏ trước khi sấy. Bước tiếp theo là cho hồng vào máy sấy để làm khô lớp nước bên ngoài trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Ảnh: Zing.

Khi đã ráo nước, trái hồng được móc vào móc nhựa, treo thành từng dây dài khoảng 1,2 m. Xưởng sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản được vệ sinh sạch sẽ, người ra vào buộc phải mặc trang phục bảo hộ để cách ly mầm bệnh có thể lây nhiễm vào sản phẩm. Ảnh: Zing.

Hồng được sấy bằng nắng, gió tự nhiên có thêm quạt hỗ trợ. Làm hồng theo phương thức này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu sấy đúng vào thời điểm mưa kéo dài, hoặc nóng ẩm thất thường, độ nóng không đạt thì hồng sẽ bị chảy nước, lên men. 20 ngày sau khi sấy, hồng đạt được độ khô, teo nhỏ, trong ruột đặc quánh mật ngọt. Ảnh: Zing.

Sau khi đạt độ khô, quả hồng được đóng bao và cho vào máy hút toàn bộ khí bên trong bao ra ngoài để hồng bảo quản được lâu, tăng độ mềm dẻo cho sản phẩm. Ảnh: Zing.

Đặc điểm nổi trội của hồng sấy khô theo công nghệ Nhật Bản là mềm, dẻo, giữ được độ ngọt, thơm ngon tự nhiên. Hiện giá bán loại hồng này 300.000-350.000 đồng/kg. Ảnh: Zing.

Những ngày đầu tháng 12, hàng trăm hộ làm nghề ép chuối khô ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau lại tất bật chuẩn bị hàng để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ảnh: Dân Việt.

Theo Dân Việt, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là nơi tập trung các làng chuối khô có tuổi thọ gần 100 năm nay. Hàng năm, dân làng ở đây có hai vụ sản xuất chính là trong và sau Tết. Vụ trong Tết tức khoảng tháng 10 âm lịch, còn vụ sau Tết kéo dài từ tối mùng 3 Tết cho đến hết tháng Giêng. Ảnh: Dân Việt.

Năm nay do thời tiết bất lợi nên các hộ ép chuối khô Cà Mau phải tranh thủ thời điểm nắng tốt để ép chuối khô. Tuy thời tiết bất lợi nhưng năm nay lại được giá cao, thời điểm hiện tại chuối khô bán được giá 15.000 đồng/kg (trong khi năm trước chỉ khoảng 10.000 đồng/kg) và dự đoán cận Tết có thể lên khoảng 17.000 đồng/kg. Ảnh: Dân Việt.

Muốn ép chuối khô trước tiên phải lựa chọn những quầy chuối tươi chín kỹ. Sau đó lột sạch vỏ chuối rồi đem phơi khoảng một nắng (một ngày đủ nắng) rồi ép vào một chiếc khuôn tròn. Chuối tươi được xếp vào vỉ đều tăm tắp và phơi nắng trước khi ép để trái chuối hết độ trơn, khi đưa vào nòng ép sẽ cho ra miếng tròn trịa, có màu vàng bắt mắt. Ảnh: Dân Việt.

Chuối sau khi ép xong sẽ được đặt lên một chiếc vỉ thép rộng để đem phơi khô. Ngoài ra, nghề ép chuối khô phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu như gặp nắng tốt chỉ cần phơi một ngày là sản phẩm có màu đẹp. Còn nếu như gặp phải thời tiết xấu, chuối bị ngả màu, coi như hỏng cả mẻ. Ảnh: Dân Việt.

Không chỉ được biết đến với quả vải tươi, vùng đất Lục Ngạn (Bắc Giang) còn khá nổi tiếng với đặc sản vải thiều sấy khô. Ảnh: Khám Phá.

Vải thiều sấy khô là một trong những mặt hàng chủ lực phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu của người dân Lục Ngạn. Ảnh: Khám Phá.

Theo Khám Phá, vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày gia đình ông Vũ Mạnh Hùng (Lục Ngạn, Bắc Giang) sấy khoảng 1 -2 tấn vải tươi, thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Ảnh: Khám Phá.

Theo các chủ lò, cần ít nhất 3 tấn vải tươi để cho ra lò 1 tấn vải sấy. Muốn vải "chín" đều, than phải được tiếp liên tục. Ảnh: Khám Phá.

Theo giá thu mua tại lò, mỗi tấn vải sấy khô được bán với giá 30 triệu đồng. Ảnh: Khám Phá.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tan-muc-khu-san-xuat-hoa-qua-dac-san-say-kho-noi-tieng-vn-792169.html