Tân Quốc Vương Thái Lan và hy vọng ổn định lâu dài cho đất nước

Ngày 4-5, lễ đăng quang của Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn Bodindradebayavarangkun - Rama X đã được tổ chức tại Bangkok, sau hơn 2 năm lên ngôi kể từ khi vua cha Bhumibol Adulyadej băng hà.

Kéo dài trong 3 ngày từ 4 đến 6-5, lễ đăng quang của Rama X đã thu hút hơn 150.000 người dân và khách du lịch đổ về Bangkok để chứng kiến, cùng hàng triệu người theo dõi trực tiếp trên truyền hình.

Lễ đăng quang trị giá hơn 30 triệu USD

Vào lúc 10h09' sáng 4-5, Nhà vua Maha Vajiralongkorn đã thực hiện nghi lễ "Song Muratha Bhisek" hay còn được gọi là lễ Thanh tẩy Hoàng gia tại Cung điện Hoàng gia Chakraba Biman. Muratha Bhisek được hiểu là nghi thức tắm tẩy trần của nhà vua, với dòng nước được lấy từ 5 con sông lớn và 4 hồ nước thiêng dọc 77 tỉnh của Thái Lan.

Sau đó, Nhà vua thay Vương phục và thực hiện lễ Quán đỉnh, nhận nước thiêng từ các thành viên Hoàng gia và quan chức, nhà sư tại Cung điện Baalu Daksin.

Theo truyền thống của nghi lễ đăng quang, Nhà vua tiến lên ngai vàng Bhadrapitha và ngồi dưới chiếc ô chín tầng của Hoàng gia, nơi Vua Rama X sẽ được trao tấm bảng vàng Hoàng gia với tước hiệu chính thức của Hoàng đế, cùng các bảo vật của Hoàng gia Thái Lan. Nhà vua đội vương miện nặng 7,3 kg vàng và được tắm bằng nước thánh trong các phần của buổi lễ, trong đó có hương, hoa màu vàng và dầu tốt lành.

Quốc vương Thái Lan trong lễ đăng quang.

Quốc vương Thái Lan trong lễ đăng quang.

Từ ngai vàng trang trí công phu của mình, nhà vua đã gửi lời chào cho các nhà lãnh đạo chủ chốt của Thái Lan, bao gồm các thành viên của Hoàng gia, Hội đồng Cơ mật, nội các và các quan chức cấp cao khác.

Theo truyền thống, chiếu chỉ đầu tiên của Quốc vương Thái Lan đưa ra sau khi nhận các bảo vật quốc gia sẽ bao quát bản chất của cả triều đại. Tuyên bố đầu tiên của Quốc vương Vajirusongkorn tương tự với chiếu chỉ của cha ông khi cố vương Bhumibol Adulyadej đăng quang vào năm 1946.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước các thành viên Hoàng gia, Hội đồng Cơ mật và các quan chức cấp cao của chính phủ, Quốc vương Vajiralongkorn kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc.

"Tôi kêu gọi tất cả mọi người ở đây và toàn thể nhân dân Thái Lan chia sẻ quyết tâm của tôi và cùng nhau nỗ lực, tùy vào khả năng và nhiệm vụ của mỗi người vì mục tiêu tối thượng là sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của toàn dân", Quốc vương nói. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha sau đó cũng có bài phát biểu để bày tỏ lòng biết ơn với nhà vua.

"Theo nhiều cách (lễ đăng quang) bắt đầu một chương mới trong lịch sử Thái Lan", Paul Chambers, từ Đại học Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan của Thái Lan cho biết. "Nó hợp pháp hóa nhà Vua, và bắt đầu triều đại chính thức".

Thái Lan có chế độ quân chủ lập hiến, nhưng hoàng gia rất được người Thái tôn kính và nắm giữ quyền lực đáng kể. Thái Lan cũng có một bộ luật nghiêm ngặt, được gọi là lese majeste, cấm chỉ trích chế độ quân chủ. Bộ luật này đã bảo vệ hoàng gia khỏi sự suy xét của công chúng. Theo luật pháp Thái Lan, công khai chỉ trích Nhà vua hoặc các thành viên trong hoàng gia sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm.

Chính quyền Thái Lan xác nhận trên CNN rằng chi phí cho lễ đăng quang của Quốc vương khoảng 31 triệu USD.

Người dân Thái Lan thể hiện sự thành kính với Quốc Vương.

Vị Quốc vương giàu có

Mặc dù Quốc vương Vajirusongkorn đã trị vì được hơn hai năm, nhưng lễ đăng quang đã củng cố vai trò của ông như một vị quân vương đầy bản lĩnh. Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị Thái Lan tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, cho biết việc lên ngôi chính thức sẽ củng cố vương quyền và tăng cường hào quang của vua Vajirusongkorn với tư cách là vị vua mới.

Tại thủ đô Bangkok, các cửa hàng đang bán những bức chân dung của Vua khi còn là một chàng trai trẻ và áo phông màu vàng - màu liên quan đến chế độ quân chủ - được khắc lên dòng chữ: "Vua sống lâu".

Giá trung bình cho những chiếc áo là 100 đến 200 baht Thái - khoảng 3USD đến 6USD. Trong tín ngưỡng của người Thái, mỗi ngày trong tuần được chỉ định một màu và cả vị vua hiện tại và quá cố đều được sinh ra vào thứ Hai, có liên quan đến màu vàng.

Tân Quốc vương Vajiralongkorn sinh ngày 28-7-1952, là con trai duy nhất trong số 4 người con của vua cha Bhumibol và hoàng hậu Sirikit. Sau khi học hết tiểu học ở Thái Lan, Vajiralongkorn được đưa sang Anh học tập. Vajiralongkorn tốt nghiệp trung học tại Anh sau đó được đào tạo tại Đại học Quân sự Hoàng gia ở Canberra (Australia).

Ông tiếp tục trở thành một sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Thái Lan và có bằng phi công chiến đấu và dân sự. Ông trở thành hoàng tử và là người thừa kế ngai vàng chính thức vào năm 1972.

Quốc vương Vajirusongkorn đã có 2 con gái và 5 con trai. Vào ngày 1-5, vài ngày trước khi lễ đăng quang bắt đầu, Quốc vương tuyên bố ông đã cưới người vợ thứ tư, Tướng Suthida Vajirusongkorn Na Ayudhya và bà đã chính thức trở thành Hoàng hậu Vương quốc Thái Lan.

Theo bảng xếp hạng của báo Bussiness Insider công bố năm 2018, Quốc vương Vajiralongkorn được xếp là một trong những vị vua giàu có nhất thế giới. Trước đó, cha ông là cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej cũng từng được tạp chí Forbes xếp hạng là nhà cầm quyền hoàng tộc giàu có nhất thế giới vào năm 2011, vượt qua cả Quốc vương Brunei.

Theo Bussiness Insider, khối giá trị tài sản cá nhân của Quốc vương Vajiralongkorn trị gia khoảng 30 tỷ USD. Trong bảng xếp hạng mới nhất về mức độ giàu có của các hoàng tộc công bố trên trang mạng MSN Money, Hoàng tộc Thái Lan xếp ở vị trí thứ 5, dẫn đầu là gia đình hoàng gia Saudi Arabia với lượng tài sản lên tới 1,7 nghìn tỷ USD.

Theo Reuters, phần lớn tài sản của Quốc vương Vajiralongkorn đang do Cơ quan Bất động sản Hoàng gia Thái Lan (CPB) nắm giữ, trong đó có 6.560 hecta đất mang về 40.000 hợp đồng cho thuê trên toàn quốc.

Năm 2017, Quốc vương Vajiralongkorn đã quản lý trực tiếp CPB và sau đó thông báo hủy bỏ diện miễn thuế của cơ quan này. Chỉ riêng tại thủ đô Bangkok, CPB sở hữu 1.328 hecta đất, một vài trong số đó nằm trong khu vực kinh doanh sầm uất. Khối bất động sản mà cơ quan này sở hữu tại thủ đô Thái Lan ước tính rơi vào khoảng 33 tỷ USD, theo một bản tự truyện phát hành năm 2011 của Quốc vương Bhumibol.

Ngay sau khi nắm quyền quản lý, Quốc vương Vajiralongkorn đã chỉ định thư ký riêng, người đứng đầu Không quân Hoàng gia Thái Lan Satitpong Sukvimol, làm Chủ tịch CPB thay cho Bộ trưởng Tài chính.

Kể từ khi Quốc vương nắm quyền kiểm soát CPB, các dự án đầu tư bất động sản mới trị giá 4,7 tỷ USD đã được triển khai trên một số khu đất.

Các nhà phát triển bất động sản tăng cường đầu tư vào một số khu đất của Hoàng gia Thái Lan trong một vài năm trở lại đây. Diễn biến mới nhất là vào tháng 4-2019, Công ty điều hành trung tâm thương mại Central Pattana Pcl và khách sạn Dusit Thani thông báo một dự án nhà ở, kinh doanh và văn phòng có tên Dusit Central Park với số vốn đầu từ 1,2 tỷ USD. Dự án này thuê 3,68 hecta đất trong 67 năm dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Năm 2018, Tập đoàn TCC và Công ty Bất động sản Fraser do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ, thông báo dự án đầu tư 3,5 tỷ USD thuê 16,7 hecta đất tới năm 2083.

Một số trung tâm mua sắm sầm uất nhất Bangkok cũng nằm trên khu đất thuê của hoàng gia. Các khu mua sắm như trung tâm Siam Paragon, Siam Discovery và Siam Center thu hút 200.000 lượt khách mỗi năm đều góp phần làm tăng giá trị tài sản của Nhà vua.

Ngoài bất động sản, phần lớn lợi nhuận góp phần tăng giá trị tài sản cho Quốc vương Thái Lan còn bao gồm cổ phiếu.

Trong một tuyên bố năm ngoái, CPB thông báo số tài sản trước đây do CPB đứng tên sở hữu sẽ được chuyển sang cho Quốc vương Vajiralongkorn đứng tên, trong đó có cổ phiếu trị giá 9 tỷ USD ở Tập đoàn Xi măng Siam (SCG) và Ngân hàng Thương mại Siam. Điều đó có nghĩa là Quốc vương Vajiralongkorn nắm giữ 23% cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Siam - ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này, và 33,3% cổ phần Tập đoàn xi măng Siam.

Một trong những món đồ trang sức quý giá nhất thuộc phần tài sản của Quốc vương Thái Lan là viên kim cương Golden Jubilee màu nâu nặng 545,67 ca-ra, viên kim cương đa diện lớn nhất thế giới.

Giá trị của viên kim cương được ước tính rơi vào khoảng 12 triệu USD. Đây là một món quà gửi tặng cho Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào năm 1996 kỷ niệm 50 năm trị vì.

Người dân Thái Lan chứng kiến lễ đăng quang của tân Quốc Vương.

Người dân đặt nhiều kỳ vọng vào tân Quốc vương

Thái Lan chấm dứt sự cai trị tuyệt đối của các vị vua vào năm 1932, nhưng trên thực tế nhà vua có một số quyền uy và rất được người dân kính trọng vì vai trò hòa giải các đảng phái đối lập và duy trì sự đoàn kết trong nội bộ quốc gia.

Cố Quốc vương Bhumibol trị vì 70 năm khiến ông trở thành vị vua trị vì lâu nhất thế giới tại thời điểm ông qua đời. Cố vương Bhumibol được xem là một nhân vật đại diện cho sự đoàn kết dân tộc ở một đất nước có nhiều bất ổn chính trị như Thái Lan vì thế mà ông rất được tôn kính.

Vì vậy, sau khi chính thức đăng quang, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ phải gánh trách nhiệm lớn lao nhằm đoàn kết dân tộc, tại một đất nước từng trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ khi đi theo thể chế quân chủ lập hiến vào năm 1932. Sự đồng thuận chính trị được xem là chìa khóa cho một thời đại trị vì thành công. Sự đồng thuận có thể không dẫn tới nền dân chủ tại Thái Lan, nhưng sự ổn định có thể đạt được thông qua các thỏa hiệp chính trị.

Rất khó để dự đoán đường hướng của Thái Lan do các điều kiện chính trị không thuận lợi đối với việc xây dựng sự đồng thuận trong công chúng. Vì thế, người Thái đang chờ đợi và kỳ vọng vào tân Quốc vương mới nhằm đoàn kết dân tộc và mang tới sự ổn định của đất nước này.

Đức Quý

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tan-quoc-vuong-thai-lan-va-hy-vong-on-dinh-lau-dai-cho-dat-nuoc-544053/