Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài 'hút' gần hết khách đi máy bay

Cả nước có 21 sân bay nhưng phần lớn hành khách lại dồn về 3 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Vào năm ngoái, số khách đi lại của 3 sân bay này chiếm khoảng 80% trong tổng số hành khách đi qua tất cả các sân bay của Việt Nam.

Hành khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Đào Loan

Theo thông tin từ dự thảo Đề án tăng cường kết nối hàng không với thị trường du lịch trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết năm ngoái, cả nước có 21 sân bay, với 8 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa, vận chuyển khoảng 94 triệu khách, tăng 16,5% so với năm 2016. Trong đó, có 30,3 triệu hành khách quốc tế, tăng 27,9% so với năm 2016 và 63,7 triệu hành khách nội địa, tăng 11,8%.

Cũng theo thông tin từ nguồn trên, ngoại trừ các sân bay như Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo chỉ khai thác được loại máy bay nhỏ ATR72 hoặc tương đương do hạn chế của đường cất hạ cánh, các sân bay khác của Việt Nam đều có khả năng đón máy bay lớn A320/A321.

Trong khi những sân bay như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... quá tải thì các sân bay quốc tế địa phương như Phú Bài, Vinh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc, Cát Bi chưa phát triển như kỳ vọng, lượng hành khách còn ít.

Với Tân Sơn Nhất, tình trạng quá tải ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò cửa ngõ quốc tế của hàng không Việt Nam nói riêng cũng như định hướng phát triển cảng hàng không trung chuyển, cạnh tranh điểm đến với các trung tâm khác tại khu vực Đông Nam Á. Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện cũng trở nên chật chội vì có công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm nhưng đến năm ngoái đã tiếp nhận 68.894 chuyến bay, với 10,79 triệu lượt hành khách.

Trong số những sân bay còn ít khách, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khá "đìu hiu" vì có công suất thiết kế 3 triệu hành khách/năm nhưng năm ngoái chỉ có 5.216 chuyến bay đi với 691.800 lượt khách.

Thông tin từ dự thảo này cũng cho biết, thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng hàng không trong nước mới đạt gần 42%, chưa tương xứng với những kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines, VietJet Air. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam đang có chuyển biến tích cực và đã tăng thị phần vận chuyển hành khách quốc tế từ 39% của năm 2011 lên 41,88% vào năm 2017. Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là Vietnam Airlines hiện chiếm thị phần chi phối trên nhiều thị trường quốc tế quan trọng như Pháp, Đức, Nga, Úc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar.

Với đường bay nội địa, các đường bay trục nội địa Bắc - Nam luôn được các hãng coi trọng, khai thác với tần suất cao. Hiện tại, cả 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và VASCO đều đẩy mạnh khai thác các đường bay này. Vào năm ngoái, nhóm đường bay trục gồm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng chiếm tỉ lệ tới 56% tổng lượng vận chuyển của thị trường nội địa.

Đọc thêm:

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279324/tan-son-nhat-da-nang-noi-bai-hut-gan-het-khach-di-may-bay.html