Tận tâm góp phần đẩy lùi dịch bệnh lây lan

'Nghề y là nghề luôn bận rộn, căng thẳng và nhiều áp lực. Nhưng khi đã bén duyên và yêu quý nó thì đây lại là động lực để các bác sỹ vượt qua tất cả. Dẫu là nghề chọn người, hay người chọn nghề thì đều cần sự tận tụy và lương tâm y đức' - đó là những chia sẻ từ đáy lòng của bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn, Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội.

Bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn chẩn đoán bệnh qua hình ảnh trên máy vi tính

Bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn chẩn đoán bệnh qua hình ảnh trên máy vi tính

Tận tâm vì người bệnh

Những ngày này cũng là quãng thời gian căng thẳng của bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn với những đồng đội của ông tại Bệnh viện CATP Hà Nội đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và trên thế giới. Bệnh viện CATP Hà Nội là một trong số các cơ sở y tế đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Sau nhiều lần hẹn đi hẹn lại phóng viên mới gặp được, ông bảo: “Sáng nào tôi cũng đến cơ quan từ rất sớm, đi kiểm tra một lượt xem anh em xử lý công việc có vướng mắc gì không để hỗ trợ giải quyết. Công tác kiểm soát khu vực cách ly người vừa đi qua vùng có dịch bệnh Covid-19 về Việt Nam rất quan trọng, không thể lơ là được”. Vừa đi vào từng phòng kiểm tra bệnh nhân, bác sĩ Trần Công Tuấn vừa chỉ tay về phía những vách kính trong suốt và giải thích: “Đó là công trình chúng tôi mới làm, phục vụ việc chăm sóc, cách ly những người trở về từ vùng có dịch. Cán bộ ra vào làm việc ở khu vực này phải mặc quần áo bảo hộ, đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay đúng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế”.

Có thể nói, trong thời điểm này Bệnh viện CATP Hà Nội là nơi khá “đặc biệt”. Các bác sĩ đang thực hiện khối lượng công việc rất lớn và căng thẳng. Hàng ngày, hàng giờ, họ ứng trực, theo dõi, chăm sóc những người nằm trong diện bị cách ly và tiếp nhận những ca nghi ngờ lây nhiễm mới bất kể ngày đêm. “Bệnh viện đã tiếp đón gần 60 trường hợp. Chúng tôi đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp theo quy định của Bộ Y tế, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19” - bác sĩ Trần Công Tuấn cho biết.

Tôi hiểu được nỗi vất vả của người đứng đầu bệnh viện CATP Hà Nội đối với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh, các y, bác sĩ của bệnh viện vừa ứng trực, tiếp đón, cách ly cho các trường hợp nghi nhiễm nhưng vẫn phải đảm nhiệm việc khám, điều trị cho những bệnh nhân bình thường trong khi quân số không bổ sung. Do đó, tập thể Ban Giám đốc và các y tá, bác sĩ nơi đây luôn phân công lịch trực phù hợp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các y bác sĩ Bệnh viện CATP phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn và căng thẳng

Cơ duyên với ngành y

“Đến bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện đến với ngành y tôi thấy đó là cơ duyên. Tôi mơ ước trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân từ khi học trung học nên không ngừng phấn đấu học tập, đạt nhiều điểm cao trong từng môn học, nhưng rồi tôi lại học ngành y” - bác sĩ Trần Công Tuấn kể. Năm 1979, khi nhận kết quả thi đạt điểm cao vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân, chàng trai Trần Công Tuấn vô cùng phấn khởi vì ước mơ hoài bão đã chớm thành hiện thực. Nhưng cũng chính vì đạt điểm thi đạt tuyệt đối đó mà sau đó cuộc đời lại đưa cậu sinh viên Trần Công Tuấn sang một ngã rẽ khác. Đó là được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) điều động đi học chuyên sâu ngành y tại Học viện Quân y.

Ra trường năm 1985 với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ Trần Công Tuấn được điều động về công tác tại Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Ở đơn vị, ông đã vượt đèo, lội suối cùng đồng đội đi khắp vùng cao, suối sâu làm tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Những lần đi thực tế địa bàn đó, mỗi khi hoàn thành xong công việc chung, bác sĩ Trần Công Tuấn lại bớt chút thời gian tìm tòi, học hỏi cách thức chữa bệnh cổ truyền của người cao tuổi trên các bản làng hẻo lánh... Mỗi lần đến với bà con, sự tin yêu làng bản gắn chặt hơn và người dân địa phương đã tặng thuốc, chia sẻ cách hái lá rừng trị bệnh với bác sĩ Trần Công Tuấn. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, bác sĩ Trần Công Tuấn được chỉ huy tin tưởng, tiếp tục cử đi học thêm nhiều lớp chuyên sâu, chuyên khoa để phục vụ việc cứu chữa người bệnh.

Chữa bệnh không chỉ bằng thuốc, mà bằng cả tình người

Đến năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình, bác sĩ Trần Công Tuấn được phân công nhiệm vụ tại Bệnh xá Công an tỉnh Hà Tây. Mười bảy năm sau, Hà Tây hợp nhất về Hà Nội và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội. Bác sĩ Trần Công Tuấn bảo, chữa bệnh không chỉ bằng thuốc, mà còn phải điều trị cho bệnh nhân bằng tình người. Với người bệnh, ngoài điều trị bằng thuốc thì còn phải giúp họ họ có sự lạc quan, yêu đời. Đó mới là “thần dược” để họ nhanh chóng bình phục. Vì thế, bác sĩ Trần Công Tuấn luôn quan tâm, chia sẻ và coi bệnh nhân như người thân của mình.

Trong câu chuyện với bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn, tôi hiểu được sự trăn trở và day dứt vì người bệnh của ông. Nhưng để biến hoài bão thành hiện thực, ông luôn khuyên đồng đội phải kiên trì nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Phải khám và chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Trần Công Tuấn bảo, chữa bệnh không chỉ bằng thuốc, mà còn phải điều trị cho bệnh nhân bằng tình người. Với người bệnh, ngoài điều trị bằng thuốc thì còn phải giúp họ họ có sự lạc quan, yêu đời. Đó mới là “thần dược” để họ nhanh chóng bình phục. Vì thế, bác sĩ Trần Công Tuấn luôn quan tâm, chia sẻ và coi bệnh nhân như người thân của mình.

Đức Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tan-tam-gop-phan-day-lui-dich-benh-lay-lan/846616.antd