Tàn tật, mất mạng vì những con tôm hùm biển sâu

Vì nghèo đói, những thợ lặn bản địa Miskito ở Honduras phải làm việc trong ngành đánh bắt nguy hiểm với thiết bị không đầy đủ. Họ thường bị liệt hoặc thậm chí mất mạng.

 Thợ lặn bắt tôm hùm ở Honduras. Ảnh: Alamy.

Thợ lặn bắt tôm hùm ở Honduras. Ảnh: Alamy.

Trên đại lộ chính của Puerto Lempira, một người đàn ông ngồi bên ngoài nhà hàng, trên chiếc xe đẩy bằng gỗ và vẫy tay chào người đàn ông khác đang lững thững đi ngang qua trên chiếc xe tương tự.

Cách đó dãy nhà, một người đàn ông ngồi xe lăn được một phụ nữ trẻ đẩy qua người đàn ông đang chống nạng. Ở góc khác, hai người đàn ông tay chống gậy đi dạo trong bóng râm.

Thoạt đầu, nhiều người có thể tưởng đây là khung cảnh ở một cộng đồng người cao tuổi đã về hưu.

Nhưng những người đàn ông được mô tả ở mọi lứa tuổi, và khung cảnh như vậy phổ biến trên khắp bờ biển Gracias a Dios - lãnh thổ người bản địa ở phía đông bắc Honduras. Tại nơi đây, hàng thập kỷ đánh bắt không an toàn đã khiến hàng nghìn thợ lặn biển Caribe bị khuyết tật, theo Guardian.

Hết đời cha rồi đến đời con

Theo Trung tâm Công lý và Luật pháp Quốc tế (Cejil), hơn 4.000 thợ lặn bản địa Miskito những năm gần đây bị thương tật do hậu quả của bệnh giảm áp. Ít nhất 400 người đã chết và vô số người khác mất tích trên biển.

Bị tê liệt do bệnh giảm áp, thợ lặn tôm hùm Misael Banegas Díaz (49 tuổi), được chuyên gia vật lý trị liệu Cedrak Waldan Mendoza đưa vào buồng điều trị tại bệnh viện ở Puerto Lempira. Ảnh: Rodrigo Abd/AP.

Việc thiếu vắng cơ hội việc làm tại một trong những vùng nghèo nhất Honduras khiến nhiều cư dân phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phải lặn và chấp nhận rủi ro, hoặc nếu không, cả gia đình sẽ rơi vào cảnh khốn cùng.

“Đó là lý do người cha bị khuyết tật rồi đến con trai cũng bị khuyết tật”, Pablo Padilla, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội thợ lặn Miskito người Honduras bị khuyết tật (AMHBLI), cho biết.

Ông cũng bị hạn chế khả năng vận động, rối loạn chức năng bàng quang và ruột, đau mạn tính sau tai nạn lặn. “Gia đình tôi có 4 thành viên là người khuyết tật”, ông nói.

Tháng trước, sau phán quyết của Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ trong vụ kiện được đệ trình thay mặt cho 42 thợ lặn, chính phủ Honduras đã gửi lời xin lỗi tới các thợ lặn và gia đình, cam kết bồi thường và thực hiện thay đổi mang tính hệ thống nhằm ngăn ngừa thương vong trong tương lai.

“Tôi không có thu nhập, không có việc làm, không có gì cả”, Willy Gómez, một trong những thợ lặn có tên trong vụ kiện, cho biết thương tích khiến anh không thể làm việc và hỗ trợ gia đình.

Trường hợp của Gómez là minh chứng cho thấy tình cảnh trớ trêu, tàn khốc đối với những người thợ lặn trong khu vực.

Họ bị buộc phải làm việc, bất chấp nguy hiểm, vì họ cần hỗ trợ gia đình. Nhưng sau đó nhiều người bị thương nặng đến mức tình hình kinh tế của họ, thậm chí, trở nên tồi tệ hơn so với trước đây.

Ngoài ra, việc thực hiện tốt cam kết thay đổi hệ thống của giới chức trách thường nói dễ hơn làm.

“Mọi thứ (chính quyền) nói đều đúng và nghe có vẻ tốt, nhưng đôi khi họ nói những điều mà họ không làm theo”, Gilberto Palma, một cựu thợ lặn bị thương vào năm ngoái khi lặn bắt tôm hùm, dẫn đến hạn chế về khả năng vận động, cho biết.

Gốc rễ

Bệnh giảm áp xảy ra khi người lặn ngoi lên quá nhanh dẫn đến áp suất nước giảm đột ngột, tạo ra bọt khí trong máu có thể tàn phá hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng, cũng như gây ra một số bệnh khác.

Trong bệnh giảm áp, bọt khí hình thành nhiều ở vùng nào sẽ gây tổn thương vùng đó và có biểu hiện lâm sàng tương ứng.

Một thợ lặn được đưa lên bến tàu sau khi di chuyển bằng thuyền đến Puerto Lempira, Honduras, để được điều trị bệnh giảm áp. Ảnh: AP/Rodrigo Abd.

Nếu một bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến buồng điều trị giảm áp, tiếp xúc với áp suất cao và oxy tinh khiết, các tác động có thể giảm bớt hoặc thậm chí đảo ngược.

Một số thợ lặn nói chuyện với Guardian cho biết họ từng được đưa đến buồng điều trị ở Puerto Lempira trong tình trạng tê liệt hoàn toàn, nhưng đã phục hồi một phần khả năng vận động nhờ điều trị.

Tuy nhiên, nhiều người khác không may mắn như vậy. Họ được đưa đến quá muộn.

“Áp suất tấn công khi tôi đang lặn tìm tôm hùm ở độ sâu hơn 30 m”, Palma nói. “11 ngày sau tôi được công ty đánh cá đưa đến buồng điều trị giảm áp”.

Vấn đề bắt nguồn từ những năm 1970 khi hoạt động đánh bắt công nghiệp xuất hiện ở khu vực này. Đầu tiên là thu hoạch tôm hùm, sau đó là ốc xà cừ, và trong thập kỷ qua là hải sâm - loài động vật không xương sống hình ống có da sần sùi - đặc sản ở các vùng của châu Á.

Việc đánh bắt quá mức này khiến các thợ lặn phải tìm kiếm thủy hải sản ở xa hơn ngoài khơi và tại những vùng nước sâu hơn, làm tăng khả năng bị thương.

“Mỗi năm bạn phải đi sâu hơn để tìm kiếm, vì vậy nhiều thợ lặn chết hơn”, một thuyền trưởng tàu đánh cá cho biết. “Thuyền mất thợ như ngư dân mất cần câu”.

Độ sâu giới hạn trong lặn giải trí là hơn 39,6 m. Tuy nhiên, việc các thợ lặn Miskito lặn xuống độ sâu hơn 45,7 m và không mang theo thiết bị phù hợp không phải điều xa lạ.

Các quy định từ lâu đã được áp dụng để bảo vệ thợ lặn và quần thể sinh vật biển, nhưng ở khu vực xa xôi này, sự hiện diện của nhà nước có giới hạn và thậm chí có ít nguồn lực để tuần tra lãnh thổ trên đất liền hay trên biển.

Điều đó khiến nơi này trở thành mắt xích quan trọng trong tuyến đường vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ đến Mỹ, với nhiều tàu đánh cá được sử dụng để buôn bán.

Mối quan hệ cộng sinh giữa những kẻ buôn bán ma túy và ngư dân khiến nhiệm vụ chỉnh đốn trở nên khó khăn hơn, nguy hiểm hơn.

“Điều duy nhất có thể giúp các thợ lặn Miskito là nếu các tổ chức quốc tế thành lập ở đây, họ có thể điều chỉnh việc đánh bắt”, vị thuyền trưởng nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-tat-mat-mang-vi-nhung-con-tom-hum-bien-sau-post1428017.html